VIC liên tiếp nằm sàn nhưng tại sao cổ đông không cần quá lo lắng?
Cổ phiếu VIC bất ngờ giảm sàn hai phiên liên tiếp sau chuỗi tăng hơn 70% từ đầu năm, cuốn bay 35.000 tỷ đồng vốn hóa. Dù vậy, giới đầu tư cho rằng đây có thể chỉ là nhịp chốt lời tự nhiên, sau giai đoạn bứt phá ngoạn mục của ông lớn ngành bất động sản.
Mở đầu tuần giao dịch mới với tâm lý thận trọng, thị trường chứng khoán ghi nhận sắc đỏ lan rộng trên nhiều nhóm cổ phiếu. Đáng chú ý, VIC của Tập đoàn Vingroup trở thành tâm điểm khi là cổ phiếu vốn hóa lớn duy nhất giảm sàn trong phiên 21/4, qua đó tác động mạnh đến chỉ số chung.

Cụ thể, VIC đóng cửa tại mức giá 61.500 đồng/cổ phiếu, giảm kịch biên độ phiên thứ hai liên tiếp, đưa thị giá về vùng thấp nhất gần hai tuần qua. Áp lực bán mạnh mẽ từ nhóm nhà đầu tư nắm giữ lâu dài khiến cổ phiếu này “vượt mặt” tất cả mã khác trong rổ VN30 về mức độ ảnh hưởng, kéo VN-Index giảm gần 4 điểm trong ngày.
Động thái điều chỉnh của VIC khiến vốn hóa tập đoàn “bốc hơi” khoảng 35.000 tỷ đồng chỉ trong 2 phiên. Đồng thời, vị trí doanh nghiệp niêm yết có giá trị vốn hóa lớn thứ hai sàn HOSE của Vingroup đã được “chuyển giao” trở lại cho BIDV sau một thời gian ngắn bị vượt qua.

Tuy nhiên, diễn biến lần này không hẳn mang màu sắc bi quan. Giới phân tích cho rằng đây có thể là đợt chốt lời tự nhiên sau nhịp tăng giá rất mạnh.
Tính từ đầu năm đến trước phiên ngày 21/4, cổ phiếu VIC đã tăng tới hơn 70% – một tốc độ tăng hiếm thấy đối với một mã vốn hóa lớn trên sàn. Đà tăng bứt phá này từng giúp vốn hóa Vingroup vượt 271.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 10,5 tỷ USD, đưa tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trở thành doanh nghiệp có giá trị lớn thứ hai toàn thị trường, chỉ sau Vietcombank.
Thêm vào đó, thông tin về việc SK Group – tập đoàn lớn thứ ba Hàn Quốc – phân loại khoản đầu tư VIC vào danh mục tài sản nắm giữ chờ bán cũng khiến thị trường đặt dấu hỏi. SK đã bán gần 51 triệu cổ phiếu VIC vào tháng 1/2025, và hiện không còn là cổ đông lớn của Vingroup. Dù động thái này được hiểu là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu danh mục toàn cầu, song cũng tạo thêm áp lực ngắn hạn lên giá cổ phiếu.
Trong bối cảnh đó, việc VIC điều chỉnh nhẹ để “lấy đà” sau chuỗi tăng nóng được nhiều nhà đầu tư xem là tín hiệu lành mạnh, thay vì hoảng loạn. Trên thực tế, cổ phiếu vẫn đang neo ở vùng giá cao nhất trong gần 2 năm trở lại đây.
Trái ngược với diễn biến của VIC, cổ phiếu NVL của Tập đoàn Novaland lại gây bất ngờ với cú tăng trần lên 10.300 đồng/cổ phiếu – mức cao nhất kể từ đầu tháng. Đây là phiên giao dịch tích cực hiếm hoi của mã bất động sản từng chịu nhiều áp lực trong suốt giai đoạn tái cấu trúc.
Dù thị giá vẫn “quanh quẩn” ở vùng đáy lịch sử, NVL đang cho thấy những nỗ lực phục hồi. Trong báo cáo thường niên 2024, Chủ tịch Bùi Thành Nhơn khẳng định doanh nghiệp đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất và năm 2025 sẽ là thời điểm bản lề để bứt phá. Chiến lược tập trung, tối ưu hóa vận hành và tái định vị thương hiệu đang được đẩy mạnh, với kế hoạch tuyển dụng hơn 1.000 nhân sự trong năm nay để chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng mới.