Gia tăng hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại qua biên giới

31/08/2024 - 02:26
(Bankviet.com) Hoạt động xúc tiến thương mại biên giới đã được triển khai nhiều năm qua và mang lại hiệu quả nhất định trong việc xuất khẩu hàng hoá Việt Nam.
Công tác truyền thông của tỉnh Lào Cai cần gắn với xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm Đắk Nông: Tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp cửa khẩu, phát triển hạ tầng thương mại biên giới

Đa dạng giải pháp xúc tiến thương mại qua biên giới

Tháng 11 tới, Hội chợ Kinh tế Thương mại và Du lịch biên giới Trung - Việt (Hồng Hà) năm 2024 sẽ được tổ chức với chủ đề: “Phát triển cùng chia sẻ, hợp tác cùng hưởng lợi” tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc tế Hà Khẩu, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Đây là một trong những sự kiện xúc tiến thương mại qua biên giới lớn được tổ chức nhằm đưa hàng Việt sang thị trường “tỷ dân” Trung Quốc. Dự kiến sẽ có 500 - 600 gian hàng tiêu chuẩn được bố trí ở 2 khu vực. Khu gian hàng Trung Quốc có diện tích 5500 m2, khu gian hàng Việt Nam có diện tích 3800 m2.

Gia tăng hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại qua biên giới
Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Trung là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng để đẩy mạnh xuất khẩu qua cửa khẩu với Trung Quốc (Ảnh: Moit)

Đây là một trong những sự kiện xúc tiến thương mại lớn sẽ được tổ chức trong năm nay nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá qua hệ thống cửa khẩu sang thị trường Trung Quốc. Theo Bộ Công Thương, với hơn 5.000 km đường biên giới chia sẻ với Trung Quốc, Lào và Campuchia, nằm ở vị trí trung tâm khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế, điều kiện chiến lược để kỳ vọng vươn lên trở thành trung tâm giao thương trong khu vực, trở thành cửa ngõ kết nối thương mại quan trọng giữa các quốc gia láng giềng và các nước trong khu vực Đông Nam Á nói riêng với các nền kinh tế phát triển trên thế giới nói chung.

Đến nay, quy mô trao đổi hàng hóa qua tất cả các cửa khẩu trên toàn tuyến biên giới đất liền đã đạt hàng chục tỷ USD mỗi năm, góp phần rất quan trọng vào tăng trưởng của thương mại song phương, vào phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh biên giới và đặc biệt là giúp cải thiện rất nhiều đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng biên giới. Do đó, hoạt động xúc tiến thương mại khu vực cửa khẩu luôn được các Bộ, ngành, địa phương chú trọng triển khai.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương cho biết, hoạt động thương mại biên giới luôn được Chính phủ và các bộ, ngành hết sức quan tâm.

Đơn cử, Việt Nam và Trung Quốc luôn chú trọng triển khai tổ chức các cặp Hội chợ thương mại Việt – Trung luân phiên. Đây là hoạt động đã được thực hiện 20 năm và rất hiệu quả. Số lượng doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc tham dự hội chợ rất đông.

Chỉ tính kỳ Hội chợ Thương mại - Việt Trung năm 2023 được tổ chức ở Lào Cai với chủ đề "Phát huy vai trò cầu nối Lào Cai, Vân Nam- thúc đẩy hợp tác toàn diện, phát triển bền vững" đã thu hút 529 gian hàng tiêu chuẩn và 88 khu trưng bày triển lãm đến từ gần 300 doanh nghiệp thuộc 50 tỉnh, thành phố trong nước, 8 tỉnh, thành phố của Trung Quốc và 8 quốc gia khác tham gia. Qua đó đã có hàng loạt các hợp đồng thương mại được ký kết sau hội chợ nhằm thúc đẩy xuất khẩu vào Trung Quốc.

Gia tăng hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại qua biên giới
Các hội chợ thương mại biên giới thu hút rất đông doanh nghiệp

Trước đó, Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt – Trung (Lạng Sơn) năm 2022 cũng đã thu hút sự tham gia của trên 100 doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực đến từ trên 40 tỉnh, thành phố trong nước và Trung Quốc. Theo Sở Công Thương Lạng Sơn, hội chợ đã tạo cơ hội cho hơn 60 sản phẩm OCOP của Lạng Sơn được quảng bá, giới thiệu đến với người tiêu dùng, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước. Đặc biệt, qua hội chợ, có 20 hợp đồng liên kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm của Lạng Sơn đã được ký kết như: Hợp đồng ký kết tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa Hợp tác xã Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) với Công ty TNHH MTV Hà Châu Lạng Sơn (thành phố Lạng Sơn); hợp tác ký kết tiêu thụ các sản phẩm từ thạch đen giữa Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý (huyện Tràng Định) với Công ty TNHH Sinh hóa Minh Dương Việt Nam (thuộc Tập đoàn Sinh hóa Minh Dương - Nông khẩn Quảng Tây, Trung Quốc)…

Ngoài ra, đối với một số hội chợ sâu hơn, Bộ Công Thương và các địa phương đã tổ chức các đoàn của Việt Nam tham dự. Trong đó, tại các hội chợ chuyên đề tại Côn Minh, Nam Ninh… đoàn doanh nghiệp Việt Nam luôn là đoàn có số thành viên tham dự đông nhất.

Hoặc đối với Lào, Campuchia, có rất nhiều hội chợ của các địa phương phía Việt Nam nằm trong Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia được hỗ trợ kinh phí tổ chức. Các hội chợ cấp địa phương với Lào và Campuchia như hội chợ tại An Giang, Quảng Trị, Quảng Bình đã thu hút sự tham gia rất lớn của doanh nghiệp phía Việt Nam và nước bạn.

Nâng cao hơn nữa hiệu quả xuất khẩu qua cửa khẩu

Dù có nhiều nỗ lực song hiện nay, hoạt động giao thương qua các cửa khẩu còn nhiều khó khăn. Ông Lê Hoàng Tài chỉ rõ, để phát triển thương mại biên giới thì hạ tầng phải tốt, tức là hệ thống khu kinh tế biên giới, kinh tế cửa khẩu phải phát triển để phù hợp với nhu cầu phát triển thương mại biên giới.

Đối với xúc tiến thương mại, dù có nhiều hoạt động được tổ chức nhưng xúc tiến thương mại là chưa đủ mà cần giải quyết các vấn đề khác như logistics, quản lý thủ tục xuất nhập khẩu, thuế…

Các sự kiện xúc tiến thương mại được triển khai khá nhiều nhưng tôi cho rằng, để cải thiện tốt hơn đòi hỏi sự phối hợp các bộ ngành như Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, các ban ngành liên quan, chính quyền địa phương… để tăng cường giới thiệu hàng hoá vào các thị trường các nước láng giềng, gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu” – ông Lê Hoàng Tài cho biết.

Theo Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) cho biết, Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của Hiệp định ACFTA và RCEP, do vậy đa số các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đều được hưởng ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu 0%.

Tuy nhiên, hạ tầng cửa khẩu và hạ tầng giao thông kết nối đến cửa khẩu chưa được phát triển đồng bộ cùng thói quen giao dịch của các chủ hàng, dẫn đến việc hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là hàng nông sản quá tập trung vào một số khu vực cửa khẩu nhất định, tiềm ấn rủi ro ùn tắc khi vào cao điểm thu hoạch. Cùng với đó, công tác đàm phán, ký kết Nghị định thư cho một số loại trái cây được xuất khẩu chính thức vào Trung Quốc theo diện thương mại truyền thống còn chậm, nên vẫn phải thực hiện kiểm dịch 100% trong quá trình thông quan, làm giảm hiệu suất và tăng thời gian thông quan.

Do đó, doanh nghiệp cần chủ động kết hợp với các đối tác nhập khẩu trong việc xây dựng, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp và các sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp mình bên cạnh việc nắm vững và đáp ứng tốt các yêu cầu về kiểm dịch, chất lượng của thị trường Trung Quốc. Thêm nữa, chủ động xây dựng kênh trao đổi trực tiếp với các Thương vụ trên cơ sở nắm rõ nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp địa phương.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương