Giá thép hôm nay 25/8/2022: Nối dài đà tăng, vượt mức 4.000 nhân dân tệ/tấn | |
Giá thép hôm nay 26/8/2022: Quay đầu giảm phiên cuối tuần | |
Triển vọng ngành thép "sáng" hơn trong năm 2023 |
Trong một lá thư trình lên ban ngành liên quan, Hiệp hội Các Nhà sản xuất Thép Lớn của Pakistan (PALSP) đã nhấn mạnh việc Cơ quan Quản lý Điện lực Quốc gia Pakistan (NEPRA) quyết định đưa ra mức tăng 11,10 PKR/đơn vị điện trong biểu giá năng lượng vào tháng 6.
Lá thư viết rằng, các đợt tăng gần đây đã giáng một đòn nặng nề vào ngành thép - vốn đã phải chịu gánh nặng của lãi suất cao trong hàng thập kỷ. Qua lá thư, PALSP đã bày tỏ rằng, ngành thép đã phải nhận giá năng lượng cao kỷ lục đối với nguyên liệu đã được bán từ nhiều tháng trước, kèm theo đó là các khoản phụ phí FCA không hợp lý.
Nguồn ảnh: Internet |
Trong bối cảnh Pakistan đang tìm cách xây dựng lại cơ sở hạ tầng, quốc gia này sẽ không thể chịu được tác động 3,8 tỷ USD khác đối với lượng dự trữ nếu ngành thép đi vào bế tắc.
PALSP phản đối mạnh mẽ việc tăng thuế quan gần đây và cho rằng, quyết định này là "cái đinh" cuối cùng và sẽ gây ra hậu quả tai hại cho ngành thép, đặc biệt là đối với trụ sở tại Karachi.
Sự gia tăng này không chỉ làm tăng chi phí kinh doanh của tất cả các ngành, bao gồm cả lĩnh vực thép vốn đã bị thiệt hại, mà còn gây phản tác dụng đối với người tiêu dùng và có tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng rằng, chính phủ phải đưa ra một số cơ chế để điều chỉnh hợp lý các mức phí FCA, theo trang Profit.
Tại thị trường trong nước, theo SteelOnline.vn, thương hiệu thép miền Nam điều chỉnh giảm lần lượt 360.000 đồng/tấn và 510.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, về mức giá 15,12 triệu đồng/tấn và 15,73 triệu đồng/tấn.
Thương hiệu thép Hòa Phát cũng điều chỉnh giảm 310.000 đồng/tấn đối với cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 tại khu vực miền Bắc, giá bán còn 14,57 triệu đồng/tấn và 15,43 triệu đồng/tấn. Tại khu vực miền Nam, thép Hòa Phát cũng giảm 310.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, giá bán sau điều chỉnh lần lượt là 14,67 triệu đồng/tấn và 15,33 triệu đồng/tấn.
Tương tự, thương hiệu thép Việt Ý cũng giảm 310.000 đồng/tấn với sản phẩm thép cuộn CB240 và giảm 350.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, kéo giá bán xuống còn 14,44 triệu đồng/tấn và 15,15 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Đức cũng thực hiện giảm 310.000 đồng/tấn với sản phẩm thép cuộn CB240 và 400.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, kéo giá bán xuống còn 14,44 triệu đồng/tấn và 15,1 triệu đồng/tấn.
Hai sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 của thương hiệu thép Kyoei cũng được giảm lần lượt 300.000 đồng/tấn và 290.000 đồng/tấn, về mức giá 14,7 triệu đồng/tấn và 15,5 triệu đồng/tấn.
Thương hiệu thép Việt Nhật cũng tiến hành giảm lần lượt 310.000 đồng/tấn và 400.000 đồng/tấn với 2 sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 tại khu vực miền Bắc, giá bán còn 14,44 triệu/tấn và 14,95 triệu đồng/tấn.
Cùng xu hướng, thép Việt Mỹ cũng thực hiện hạ giá bán sản phẩm thép cuộn CB240 và D10 CB300 tại khu vực miền Trung với mức giảm lần lượt là 310.000 đồng/tấn và 300.000 đồng/tấn, giá bán còn 14,44 triệu đồng/tấn và 14,8 triệu đồng/tấn.
Thương hiệu thép Pomina cũng hạ giá với hai sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 tại khu vực miền Nam với cùng mức giảm 710.000 đồng/tấn, kéo giá bán xuống còn 15,28 triệu đồng/tấn và 15,48 triệu đồng/tấn.
Như vậy, đây là lần giảm thứ 14 của giá thép trong nước kể từ 11/5 và lần giảm giá thứ 3 trong tháng 8. Trong vòng hơn 3 tháng qua, giá thép liên tục giảm với mức giảm giá cao nhất lên tới hơn 5 triệu đồng/tấn, tùy thương hiệu, loại thép và vùng miền. Hiện giá thép dao động quanh mốc 14-15 triệu đồng/tấn tùy loại thép và thương hiệu.
Thanh Hằng