Giá thép hôm nay 5/6: Thép trong nước dự đoán nhu cầu vẫn yếu

05/06/2023 - 08:01
(Bankviet.com) Giá thép hôm nay 5/6 ghi nhận giá thép tăng trên sàn giao dịch. Thép trong nước dự đoán nhu cầu vẫn yếu từ nay đến cuối năm.
Giá thép hôm nay 2/6: Giá thép tăng trở lại trên sàn giao dịch Giá thép hôm nay 3/6: Giá thép tăng 2 phiên liên tiếp trên sàn giao dịch Giá thép hôm nay 4/6: giá thép tăng 79 Nhân dân tệ/tấn trên sàn giao dịch

Giá thép tăng 79 nhân dân tệ/tấn trên sàn giao dịch

Giá thép hôm nay giao kỳ hạn tháng 10/2023 trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 79 Nhân dân tệ, lên mức 3.642 Nhân dân tệ/tấn.

Giá thép giao kỳ hạn tháng 1/2024 tăng 77 Nhân dân tệ, lên mức 3.563 Nhân dân tệ/tấn.

Dự án thép dự kiến xây dựng tại Bình Định có quy mô “khủng” thế nào?

Cuối tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định tổ chức buổi thông tin chủ trương dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu Liên hợp gang thép Long Sơn (gọi tắt là dự án Long Sơn).

Giá thép hôm nay 5/6: Thép trong nước dự đoán nhu cầu vẫn yếu
Phối cảnh dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn

Dự án thép 53.500 tỷ đồng dự kiến xây ở xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, công suất 5,4 triệu tấn một năm.

Khu liên hiệp giang thép nói trên được Công ty TNHH Long Sơn (Ninh Bình) kiến nghị đầu tư ở Bình Định đầu năm 2021. Lúc này dự án được tính toán tổng kinh phí hơn 56.000 tỷ đồng, xây trên diện tích 500 ha, công suất 5,4 triệu tấn một năm. Cùng với nhà máy thép, doanh nghiệp đề xuất xây dựng cảng quốc tế.

Sau khi thẩm định, dự án được tỉnh cấp chủ trương đầu tư tháng 11/2021. Lúc đầu doanh nghiệp muốn đặt nhà máy thép ở xã Mỹ An và Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ. Do khu vực này có 400 ha đất rừng, UBND tỉnh Bình Định đã xin Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho chuyển đổi đất để xây dựng. Lãnh đạo tỉnh cho rằng dự án thép quy mô lớn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương.Chính quyền Bình Định cũng tính toán tổng nhu cầu tiêu thụ thép tại Việt Nam ước tính khoảng 14 triệu tấn mỗi năm. Nhà máy thép Formosa (Vũng Áng, Hà Tĩnh) mới cung cấp khoảng 5,5 triệu tấn một năm và Hòa Phát Dung Quất cung ứng chừng 2,7 triệu tấn một năm, mỗi năm cả nước phải nhập khẩu 5,8 triệu tấn. Vì vậy dự án gang thép Long Sơn công suất 5,4 triệu tấn một năm rất cần thiết.

Tuy nhiên quá trình khảo sát ý kiến người dân huyện Phù Mỹ, dự án vấp phải một số ý kiến phản đối. Ngoài lập luận các dự án thép ở địa phương khác đã gây ra sự cố môi trường, người dân cho rằng trước đó khu vực đã có doanh nghiệp khai thác titan dẫn tới phá rừng dương và gây hiện tượng cát bay, cát nhảy, làm hoang mạc hóa đất đai.

Đến cuối năm 2022, nhà đầu tư đề xuất làm dự án ở thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, cách vị trí cũ 30 km. Công trình sau đó được cấp chủ trương đầu tư mới, quy mô 468 ha, với tổng vốn 53.500 tỷ đồng, thấp hơn gần 3.000 tỷ đồng so với đề xuất ban đầu. Dự án chia làm ba giai đoạn đầu tư, công suất 5,4 triệu tấn mỗi năm bao gồm các sản phẩm thép chế tạo chất lượng, thép xây dựng, thép cuộn. Giai đoạn một của nhà máy dự kiến hoàn thành cuối năm 2024.

Cùng với khu liên hiệp gang thép, UBND Bình Định đề xuất xây cảng chuyên dụng mức tổng đầu tư 6.800 tỷ đồng phục vụ cho vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của dự án. Cảng có diện tích dự kiến 500 ha, trong đó hơn 470 ha mặt nước, tiếp nhận tàu trọng tải 250.000 DWT, khả năng bốc dỡ 21-23 triệu tấn hàng hóa một năm.

Chính quyền tỉnh tính toán nhà máy thép và cảng sẽ nộp ngân sách tại giai đoạn thi công khoảng 4.926 tỷ đồng. Khi đi vào sản xuất toàn bộ dự án sẽ nộp ngân sách gần 10.400 tỷ đồng, đóng góp tổng sản phẩm địa phương khoảng hơn 20.500 tỷ đồng; tạo việc làm cho hơn 7.500 người. Tỉnh xem đây là dự án công nghiệp đầu tàu dẫn dắt và tạo cú hích cho phát triển kinh tế địa phương.

Tuy vậy dự án nhà máy thép không tạo được sự đồng thuận của phần lớn người dân Lộ Diêu do lo ngại tác động xấu môi trường và ảnh hưởng an sinh. Theo người dân, nơi đây từ 120 hộ dân sau năm 1975 nay có hơn 500 hộ với khoảng 3.000 người. Lộ Diêu vừa có biển và rừng, vừa có đất làm nông. Về kinh tế biển, thôn đã có 180 tàu cá, trong đó 60 tàu đánh bắt xa bờ, nhiều hộ nuôi tôm, nuôi yến. Vùng đất này còn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch.

Người dân còn lo ngại nơi tái định cư không bằng chỗ ở hiện tại. Nếu di chuyển hơn 500 hộ dân đến nơi khác, địa danh Lộ Diêu sẽ bị xóa sổ. Một số người còn lo ngại năng lực của chủ đầu tư dự án trước đây chuyên làm xi măng, chưa thực hiện dự án thép có quy mô lớn như vậy.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết quan điểm nhất quán của tỉnh không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Dự án trước khi triển khai đầu tư phải tuân thủ các nguyên tắc: công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo vệ môi trường. Người dân bị ảnh hưởng bởi dự án khi tái định cư phải có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, tạo sinh kế ổn định, lâu dài hơn.

Theo ông Tuấn, hiện dự án mới triển khai các bước ban đầu, còn rất nhiều công đoạn tiếp theo như nghiên cứu, khảo sát, kiểm tra, lập dự án, phương án bảo vệ môi trường, công nghệ. Các nội dung này sẽ được tính toán, phân tích và tổng hợp để xây dựng đề án đầu tư trình Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương thẩm định, phê duyệt.

Giá thép trong nước giảm phiên thứ 8 liên tiếp

Từ 30/5, nhiều doanh nghiệp thép trong nước đã tiếp tục hạ giá thép thêm từ 200.000-300.000 đồng/tấn, chủ yếu ở dòng thép thanh vằn D10 CB300. Hiện giá thép xây dựng nội địa thấp hơn khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, Hòa Phát thông báo giảm 200.000 đồng/tấn đối với dòng thép vằn thanh D10 CB300 ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam xuống lần lượt 14,89 triệu đồng/tấn; 14,75 triệu đồng/tấn và 14,72 triệu đồng/tấn. Còn giá thép cuộn CB240 vẫn giữ nguyên so với đợt điều chỉnh trước đó, ở mức 14,7 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu thép Việt Ý điều chỉnh giảm 210.000 đồng/tấn với dòng thép vằn thanh D10 CB300 còn 14,59 triệu đồng/tấn. Thép cuộn CB240 không điều chỉnh, hiện đang ở mức 14,42 triệu đồng/tấn.

Với thép Việt Đức, dòng thép vằn thanh D10 CB300 hiện có giá 14,77 triệu đồng/tấn sau khi điều chỉnh giảm 230.000 đồng/tấn. Trong khi đó, thép cuộn CB240 vẫn giữ nguyên giá bán 14,44 triệu đồng/tấn.

Trong đợt điều chỉnh này, Pomina là thương hiệu có mức điều chỉnh giá bán lớn nhất khi giảm 300.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300 và giữ nguyên giá bán với thép cuộn CB240. Sau điều chỉnh, giá bán của 2 loại thép này lần lượt ở mức 15,2 triệu đồng/tấn và 14,99 triệu đồng/tấn.

Lý giải nguyên nhân giá thép liên tục phải điều chỉnh giảm, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho rằng, để kích cầu tiêu thụ nên các doanh nghiệp trong ngành buộc phải giảm giá chung với đà giảm của thế giới.

Theo MXV, hiện giá thép cây giao dịch trên Sở Giao dịch Thượng Hải hiện thấp hơn khoảng 26% so với mức đỉnh trong năm 2023 vào tháng 3 và thấp hơn gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt khác, giá các loại nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất thép cũng đang trong xu hướng giảm, đồng thời nguồn cung thép cũng đang khá dồi dào và tình hình hàng tồn kho còn lớn.

Tại thị trường nội địa, nhu cầu sử dụng thép trong các công trình xây dựng không cao nên tiêu thụ thép giảm. Lượng thép xây dựng bán ra trong tháng 4/2022 giảm hai chữ số, về mức thấp thứ hai kể từ năm 2022, dù giá liên tục giảm. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, sản xuất thép thành phẩm đạt hơn 8,8 triệu tấn, giảm 22,4% so với cùng kỳ năm 2022; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 8,1 triệu tấn, giảm 23,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, nhu cầu tại các thị trường lớn của xuất khẩu thép Việt Nam như EU, Mỹ cũng được đánh giá kém tích cực khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức cao. Cụ thể, xuất khẩu sắt thép các loại của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Dự báo về giá thép từ nay đến cuối năm, MXV cho rằng, trong giai đoạn nửa cuối năm 2023, những khó khăn về mặt tiêu thụ vẫn sẽ tồn tại. Ngành thép sẽ cần thêm thời gian để hồi phục khi thị trường bất động sản dân dụng vẫn chưa ghi nhận nhiều biến chuyển thực sự. Chính vì thế nên giá thép vẫn còn giảm tiếp.

Sau 8 phiên giảm giá liên tiếp, giá thép hôm nay của các thương hiệu cụ thể như sau:

Giá thép tại miền Bắc

Theo SteelOnline.vn, thương hiệu thép Hòa Phát có sự điều chỉnh với thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.890 đồng/kg - giảm 200 đồng; dòng thép cuộn CB240 vẫn ở mức 14.700 đồng/kg.

Thép Việt Ý, thép thanh vằn D10 CB300 từ mức 14.800 đồng/kg giảm 210 đồng, xuống còn 14.590 đồng/kg; thép cuộn CB240 đi ngang ở mức 14.420 đồng/kg.

Thép Việt Đức với thép thanh vằn D10 CB300 giảm 230 đồng, xuống mức 14.770 đồng/kg; thép cuộn CB240 có giá 14.440 đồng/kg.

Thép Việt Sing, thép thanh vằn D10 CB300 giảm 200 đồng, có giá 14.770 đồng/kg; với thép cuộn CB240 ở mức 14.620 đồng/kg.

Thép VAS, hiện thép cuộn CB240 giữ ở mức 14.510 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 210 đồng, xuống còn 14.510 đồng/kg.

Thép Việt Nhật, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.620 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.770 đồng/kg - giảm 200 đồng.

Giá thép tại miền Trung

Thép Hòa Phát, với thép thanh vằn D10 CB300 giảm 200 đồng, có giá 14.750 đồng/kg; dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.390 đồng/kg.

Thép Việt Đức, thép thanh vằn D10 CB300 giảm 230 đồng, có giá 15.170 đồng/kg; dòng thép cuộn CB240 dừng ở mức 14.850 đồng/kg.

Thép VAS, hiện dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.620 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.460 đồng/kg - giảm 210 đồng.

Thép Pomina, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.990 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 300 đồng, hiện có giá 15.200 đồng/kg.

Giá thép tại miền Nam

Thép Hòa Phát, thép thanh vằn D10 CB300 cũng giảm 200 đồng, có giá 14.850 đồng/kg; thép cuộn CB240 ở mức 14.720 đồng/kg.

Thép VAS, dòng thép cuộn CB240 không thay đổi, ở mức 14.410 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.510 đồng/kg - giảm 210 đồng.

Thép Pomina, dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.990 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.200 đồng/kg - giảm 300 đồng.

Thép Tung Ho, với thép cuộn CB240 ở mức 14.820 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 200 đồng, có giá 14.770 đồng/kg.

Nguyễn Duyên

Theo: Báo Công Thương