Giá tiêu liệu có bùng nổ trước cơn ‘bão lặng’? Việt Nam đang bán hồ tiêu nhiều nhất sang khu vực châu Á Giữ Top 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu, đâu là giải pháp? |
Giá tiêu biến động mạnh
Giá hồ tiêu trong nước phiên cuối tuần tăng nhẹ về ngưỡng 146.000 - 147.000 đồng/kg và đang đứng ở mức giá cao. Hiện giá tiêu đã tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Giá tiêu nội địa trung bình tháng 7 đạt 150.000 đồng/kg, tăng 82,9% so với thời điểm tháng 1 và tăng 120,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tính trung bình giá tiêu đen 7 tháng 2024 tăng 66,5% so với năm 2023. Nguồn cung thiếu hụt do sản lượng thu hoạch giảm ở Việt Nam và Brazil là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc giá tiêu tăng từ đầu năm.
Sự biến động của giá tiêu đã đặt nhiều nông dân vào tình thế khó khăn, buộc họ phải đưa ra quyết định có nên bán hay tiếp tục trữ hàng. Mặc dù hồ tiêu trong dân vẫn còn nhưng hiện họ không bán ra ồ ạt mà bán nhỏ giọt để nghe ngóng giá.
Ông Trần Phúc Khang, một nông dân tại huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, cho biết: “Hiện tôi vẫn chưa muốn bán vì tôi đang chờ khả năng giá sẽ tăng mạnh trở lại. Giá tiêu thời gian qua liên tục tăng và đã tăng gấp đôi. Vì nguồn cung hiện vẫn hiếm nên giá chắc chắn sẽ còn tăng hơn nữa, vì vậy tôi vẫn chưa muốn bán vào thời điểm này".
Tương tự, ông Phạm Văn Kiểm, nông dân trồng tiêu chuẩn hữu cơ ở xã Đăk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước cho biết, ông không bán kịp lúc giá lên 200.000 đồng/kg dù đã trữ gần 9 tấn tiêu suốt ba năm qua. "Hiện mức giá này đã tốt hơn nhiều so với 2,3 năm trước, nhưng so với mức đỉnh mới đây thì còn thấp, hiện tôi tiếp tục chờ có giá cao hơn chút nữa".
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, dù giá hạt tiêu đang ở mức cao nhưng trong đợt khảo sát tại 3 tỉnh Tây Nguyên vào tháng 7 thì thực tế nông dân không còn mặn mà với cây hồ tiêu. Nguyên nhân do giá sầu riêng và cà phê đang ở mức rất cao và cho lợi ích kinh tế lớn. Do đó, diện tích trồng mới cây hồ tiêu không nhiều, chủ yếu trồng xen vào vườn cà phê với tỷ lệ 6 cà phê và 2 hồ tiêu.
Giá tiêu sẽ tiếp tục có những biến động tích cực trong tương lai. |
Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 6.000 USD/tấn với loại 500 g/l; loại 550 g/l mức 6.600 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 8.800 USD/tấn. Phiên cuối tuần, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) tiếp tục điều chỉnh tăng giá tiêu tại Indonesia và Malaysia.
Theo Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 7.176 USD/tấn; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 6.750 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA mức 8.500 USD/tấn. Giá tiêu trắng Muntok 8.793 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA ở mức 10.400 USD/tấn.
IPC nhận định, giá tiêu Ấn Độ trong nước và quốc tế đều có xu hướng tăng trong tuần này. Trong khi giá tiêu đen Indonesia ổn định những tuần gần đây.
Thống kê 6 tháng đầu năm 2024, giá FOB trung bình tiêu đen của Indonesia tăng liên tục kể từ tháng 2 với mức tăng 16% so với quý 2/2023 và tăng 30% so với quý 1/2023. Tương tự, giá FOB trung bình tiêu trắng Indonesia cũng tăng lần lượt 9% và 5% so với quý 1/2023 và quý 2/2023.
Theo Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 142.586 tấn hạt tiêu các loại, giảm gần 7% so với cùng kỳ năm 2023, ngược lại kim ngạch đạt 634 triệu USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, thời gian gần đây, giá hạt tiêu tăng mạnh do nguồn cung toàn cầu thiếu hụt.
Xuất khẩu của các nước sản xuất chính trên thế giới có hình thái trái ngược nhau. Nửa đầu 2024, 2 nước xuất khẩu hàng đầu trên thế giới là Việt Nam và Brazil giảm lần lượt 6,8% và 6%. Cùng chiều hướng, xuất khẩu của Malaysia cũng giảm 8,1%, trong khi xuất khẩu của Indonesia và Ấn Độ lại tăng 48,3% và 34,1%.
So với cùng kỳ năm 2023, 6 tháng đầu năm 2024, giá FOB trung bình tiêu đen và tiêu trắng ở hầu hết các quốc gia sản xuất chính tăng mạnh, trừ Ấn Độ. Cụ thể, giá FOB trung bình tiêu đen tăng 27% và giá FOB trung bình tiêu trắng tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng mạnh nhất được ghi nhận ở tiêu đen Brazil, kế tiếp là Việt Nam và Indonesia.
Giá tăng nhưng người trồng được hưởng lợi không nhiều
Sản lượng thu hoạch hạt tiêu năm 2024 của Việt Nam ước đạt khoảng 170.000 tấn, cộng với tồn kho từ niên vụ trước chuyển sang thì tổng sản lượng còn lại trong năm nay chỉ từ 40.000 - 45.000 tấn. Trong khi vụ thu hoạch tiếp theo phải đợi đến tháng 3/2025. "Dự báo, giá hồ tiêu sẽ có những đợt biến động bất thường như đầu tháng 6. Đặc biệt, ngày 11/6 giá biến động rất mạnh, buổi sáng giá tăng 20.000 đồng/kg đến buổi chiều lại giảm mạnh", VPSA nhận định.
Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) dự báo sản lượng tiêu trong nước vụ tới có thể tương đương hoặc tăng nhẹ so với năm 2024. Lượng hàng tồn trong dân không còn nhiều, tình trạng sâu bệnh hại vẫn còn nhưng không đáng kể.
Trong khi đó, sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2024 dự kiến đạt 465.000 tấn, còn nhu cầu tiêu thụ dự kiến đạt 529.000 tấn.
Dựa trên các số liệu và dự đoán, có thể thấy rằng mặc dù giá hồ tiêu hiện tại không ổn định, nhưng triển vọng dài hạn vẫn tương đối khả quan. Với sự giảm sút trong sản lượng và nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng, có cơ sở để tin rằng giá hồ tiêu sẽ còn tiếp tục có những biến động tích cực trong tương lai.
Quyết định của nhiều nông dân tiếp tục trữ hàng và chờ giá tăng trở lại có thể là một chiến lược hợp lý. Tuy nhiên, họ cũng cần theo dõi sát sao các yếu tố ảnh hưởng đến giá cả trên thị trường thế giới để đưa ra những quyết định kịp thời và đúng đắn.
Các chuyên gia đều nhận định, giá hồ tiêu sẽ còn tăng, mặc dù trong ngắn hạn có thể sẽ có những đợt điều chỉnh giảm, nhưng sẽ không quá sâu và thị trường đã hình thành mặt bằng giá mới.
Dẫu vậy, theo nhiều nông dân ở các vùng trồng tiêu, mặc dù giá tăng nhưng người trồng được hưởng lợi không nhiều, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên năng suất tiêu giảm mạnh trong những năm gần đây, trung bình từ 20 - 30%.
Sản lượng giảm, tồn kho thấp, tâm lý giữ hàng tăng cao khiến ngay lúc giá đang tăng cao như hiện nay nhưng nông dân vẫn chọn cách bán ra "nhỏ giọt" để thăm dò thị trường.
Theo đánh giá của một số chuyên gia ngành hàng và đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu, mặc dù giá tiêu đang ở vùng giá cao nhất nhiều năm trở lại đây nhưng giao dịch thực tế khá ảm đạm.
Ông Lê Việt Anh - Tổng Thư ký của VPSA nhận định, hồ tiêu ngày càng bị cạnh tranh bởi cây sầu riêng và cà phê. Diện tích trồng mới có nhưng không nhiều, chủ yếu trồng xen hồ tiêu với cà phê với tỷ lệ 6-2. Sản lượng vụ tới có thể tương đương hoặc tăng nhẹ so với năm 2024. Lượng hàng tồn trong dân không còn nhiều, tình trạng sâu bệnh hại vẫn còn nhưng không đáng kể.