Giá trị đạo đức nghề nghiệp trong ngân hàng

19/04/2021 - 18:35
(Bankviet.com) - Thông minh là năng lực tự nhiên nhưng đạo đức nghề nghiệp là sự lựa chọn kiên trì vượt qua cám dỗ.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Lê Thị Mai Khanh, công tác tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) chi nhánh Củ Chi.

Nói đến Dong A Bank, ngỡ như tuổi thanh xuân của tôi vẫn còn đâu đó, trên con đường đi làm, trong tà áo dài đồng phục rồi chuyển sang trang phục năng động: Sơ mi và váy. Thời thanh xuân gắn bó đến hiện tại, trải qua bao thăng trầm, sóng gió, tôi chỉ muốn ghi lại trải nghiệm của bản thân qua những năm tháng làm việc.

Khi ngồi viết lại, tôi và nhiều nhân viên gắn bó lâu năm với ngân hàng đã vượt qua thời điểm ngân hàng gặp khó khăn nhất. Nhưng nhìn lại, dù vui hay buồn những ký ức qua đi vẫn là một phần không thể quên.

Lần đầu bước chân vào “ngành tiền” đúng tháng 12 của 20 năm trước khi mà ngân hàng rất “hot” và phải thi cạnh tranh với biết bao người để được làm một nhân viên chính thức. Kỳ thi năm đó có hàng trăm người để chọn ra 15 người làm việc tại một chi nhánh và tôi may mắn nằm trong số 15 người đầu tiên đó.

Ngày đầu tiên đi làm, mẹ tôi đã ân cần dặn: “Làm bất cứ công việc gì cũng không được tham lam nha con. Nhất là ngành Ngân hàng nơi hàng ngày tiếp xúc với rất nhiều tiền, lòng tham chỉ đưa con người xuống đáy xã hội không thể giúp phát triển giá trị bản thân”.

23  tuổi - tôi lúc ấy không quan tâm lắm về giá trị mà mẹ nói, chỉ biết là theo những gì được gia đình giáo dục từ khi còn rất nhỏ thì khi làm bất cứ việc gì cũng phải cố gắng làm đúng, giữ lòng tự trọng, tự tôn của mình. Thời điểm ấy, áp lực chủ yếu là tập trung tạo lợi nhuận, phục vụ tốt cho khách hàng, rất ít quan tâm quản lý rủi ro nhưng hầu như rủi ro xảy ra rất ít. Rủi ro chủ yếu là khách quan do thao tác sai nghiệp vụ.

Có lẽ 20 năm trước con người cũng giản dị hơn, ít có cơ hội đua đòi vật chất. Mạng xã hội chưa phát triển cũng ít so sánh bản thân mình với cá nhân khác và lao vào cuộc chạy đua vật chất ảo, giá trị thành công ảo...

Nhưng rồi, làm ở ngân hàng một thời gian, có lúc tôi băn khoăn suy nghĩ, nghi ngờ: Không lẽ những điều tôi được giáo dục từ gia đình không còn phù hợp với thời đại, với sự phát triển nhanh chóng của xã hội khi có một thời gian dài tôi thấy một vài đồng nghiệp mình rất được tín nhiệm, nâng đỡ mà những gì tôi biết về đồng nghiệp ấy thì họ có rất nhiều vấn đề không minh bạch về tài chính, hoặc không minh bạch cả trong công việc. Thế nhưng, những bạn ấy vẫn phát triển khá tốt trong rất nhiều năm.

Cho đến một ngày, khi  bị phát hiện có vấn đề không minh bạch liên quan đến tiền của ngân hàng, khách hàng, đến lúc không thể che giấu mãi, sự nghiệp chấm dứt, tôi mới suy nghĩ thấu đáo hơn, thôi nghi ngờ và tin rằng giá trị thật sự bền vững đầu tiên phải xuất phát từ đạo đức nghề nghiệp.

Người lãnh đạo tín nhiệm sai là do chủ quan cũng như khách quan “khó ai dò được lòng người”, không để tâm nhìn ra giá trị đạo đức bên trong mà chỉ nhìn thấy những điều làm bản thân hài lòng, những hào nhoáng che khuất tầm nhìn, lý trí. Còn người làm sai chủ yếu để thỏa mãn những nhu cầu cá nhân với suy nghĩ: Một cái áo đẹp hàng hiệu khi khoác lên người sẽ có vị trí cao hơn người khác trong xã hội, hoặc do lợi dụng sự lơi lỏng quản lý nên tạm mượn tiền trong kho khi hết khó khăn trả lại.

Nhiều năm sau, tôi nghe, đọc trên báo đài rất nhiều các sai phạm khác từ nhiều nơi khác nhau. Ngành Ngân hàng ráo riết ra rất nhiều quy trình, ràng buộc quản lý rủi ro vô cùng chặt chẽ khiến áp lực ngành khá cao nhưng rủi ro vẫn liên tiếp xảy ra. 

Chung quy lại, tất cả xuất phát từ sự phát triển quá nhanh?. Để tạo nên những tiện nghi của cuộc sống hiện đại mà nền tảng đạo đức cơ bản ít được nhắc đến, chỉ tập trung vào trí tuệ, sự thông minh mà quên lồng ghép những chương trình rèn luyện, đề cao giá trị đạo đức trong nghề.

Có lẽ, khi bước chân ra xã hội, một số bạn chưa đủ chín chắn để lập ra kế hoạch phát triển bản thân, cũng quên mất trên đời giá trị con người tạo ra từ nhiều thứ khác nhau, cần thời gian rèn luyện học hỏi mới tìm được vị trí, công việc có thu nhập phù hợp với năng lực mình tích lũy, mà thường choáng ngợp trước sự giàu có của một ai đó, cũng như vì sao họ có nhiều tiền, sao họ giàu nhanh vậy và đánh giá giá trị con người dựa trên sự hào nhoáng bên ngoài đó mà không tự hỏi những đồng tiền kia có bất chính không.

Cũng chính từ sự sốt ruột phải giàu và làm giàu bằng mọi giá khiến cho họ chọn con đường đi sai dẫn đến rủi ro đạo đức. Khi nhận ra tiền đến từ giá trị thật sự luôn bền vững hơn thì tất cả đã muộn

Dù quy trình ràng buộc và thay đổi liên tục thì vẫn phải do con người thực hiện và tùy thuộc vào phẩm chất đạo đức của nhân viên được giao, năng lực nhân viên ấy. Một nhân viên thẩm định tốt, một nhân viên tín dụng thu hồi nợ tốt không để phát sinh nợ quá hạn có giá trị hơn rất nhiều một lãnh đạo mang về khách hàng lớn, mà giao dịch đến từ quan hệ thân thiết hoặc kinh tế cá nhân, ban đầu đem lại lợi nhuận nhưng không bao lâu khách đó mất khả năng thanh toán và để lại khoản nợ khổng lồ gấp nhiều lần lợi nhuận.

Giá trị đạo đức nghề nghiệp suy nghĩ đơn giản cũng là vậy. Như câu thành ngữ ngắn gọn mà lúc học cấp 1 thường thấy: "Tiên học lễ, hậu học văn".

Muốn nâng cao giá trị thì phải học hỏi, nâng cao tri thức, năng lực từ đó mà lao động kiếm tiền chứ không thể một thời gian ngắn gia tăng của cải vật chất mà của cải ấy không đến từ công sức, trí tuệ mà đến từ việc không minh bạch tài chính, lợi dụng quyền hạn để tư lợi hay đơn giản chỉ là gợi ý khách hàng chi tiền cho bản thân khi giúp khách hàng hoàn thành thủ tục vay vốn... thì chắc chắn không thể bền lâu.

Thông minh là năng lực tự nhiên nhưng đạo đức nghề nghiệp là sự lựa chọn kiên trì vượt qua cám dỗ.

Riêng tôi qua gần 20 năm gắn bó với ngành, tiếp xúc với người tốt và cả những người không minh bạch tôi luôn thích đào tạo những em có năng lực phù hợp công việc: Một lái xe thì cần bằng lái và thực hành lái tốt, bảo vệ tiền điều chuyển tốt, một nhân viên ngân quỹ thì cần trung thực cẩn thận không cần tốt nghiệp thạc sỹ kinh tế. 

Khi đào tạo tôi không quan tâm các em có thông minh, học giỏi, bằng cấp sáng giá mà chỉ cần sự cố gắng, trách nhiệm, trung thực và yêu công việc. Ngành Ngân hàng hiện nay đang cần lắm những người phù hợp chứ  không phải cần tất cả là thạc sỹ, tiến sỹ... chỉ cần nền tảng đạo đức tốt, thì việc học nghiệp vụ không có gì khó khăn.

Qua những điều tôi chia sẻ, nếu những ai muốn trở nên giàu có bằng những cách: Mượn tạm tiền trong kho, lợi dụng việc cho vay để lấy tiền khách hàng bất chính, lợi dụng chức vụ sử dụng của công... thì không nên bước chân vào ngành Ngân hàng. Bởi ngành ngân hàng là cả một nghệ thuật tài chính đòi hỏi bạn phải chịu được rủi ro, vất vả, làm dâu trăm họ, hy sinh nhiều thời gian dành cho gia đình và đặc biệt là không động lòng trước rất rất nhiều tiền, vàng, ngoại tệ. Chịu được áp lực ngày làm hơn 8 tiếng nhưng thu nhập không cao chỉ đảm bảo một cuộc sống trung bình. Phải thật sự yêu nghề, quý trọng khách hàng, yêu cái nghệ thuật tài chính mang đến cho mình rất nhiều kiến thức, nền tảng, xu thế phát triển của xã hội thông qua luân chuyển tiền tệ thì mới có thể vượt qua.

Không có nghề nghiệp nào trải sẵn hoa hồng. Sau cơn mưa có người nhìn thấy cầu vồng nhưng cũng có người nhìn thấy toàn bùn đất. Tất cả những áp lực, stress mà  bạn có thể vượt qua khi làm việc phụ thuộc vào lòng yêu nghề và trách nhiệm với sự  lựa chọn.

LÊ THỊ MAI KHANH

Theo Tạp Chí Thị Trường Tài Chính Tiền Tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ