Theo ghi nhận tại thị trường trong nước, giá vàng bất ngờ vụt tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 28/2.
Hình minh họa. |
Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/2, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC tại Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) được điều chỉnh tăng 400.000 đồng mỗi lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, lên mức 77,3 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 79,32 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Chênh lệch mua bán vàng tại đơn vị này đang ở mức 2 triệu đồng mỗi lượng.
Tập đoàn DOJI cũng có mức tăng tương tự như tại SJC. Hiên tại, doanh nghiệp này đang niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 77,25 – 79,25 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Cùng thời điểm, Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC chiều mua vào ở mức 77,35 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 79,2 triệu đồng/lượng. So với rạng sáng cùng ngày, giá vàng SJC được đơn vị này điều chỉnh tăng 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 350.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Những ngày qua, giá vàng trong nước ghi nhận biến động thất thường. Mức tăng cao nhất trong trong tuần là vào trưa 27/2, ở mức 79,5 triệu đồng/lượng.
Các chuyên gia và các nhà đầu tư nhận thấy, trong bối cảnh hiện tại, vàng vẫn là kênh đầu tư khá an toàn.
Giá vàng nhẫn cũng tăng cùng chiều với SJC. Bảo Tín Minh Châu niêm yết nhẫn tròn trơn 4 số 9 ở mức 65,13 triệu đồng/lượng mua vào, 66,23 triệu đồng/lượng bán ra, mức cao nhất từ đầu năm tới nay. Công ty DOJI cũng niêm yết giá bán vàng 4 số 9 ở mức cao, dao động từ 65,75 - 66 triệu đồng/lượng.
Giá vàng đang tăng cao, nhưng nhu cầu mua vẫn không giảm. Mặt hàng này gần đây có những thời điểm rơi vào tình trạng "khan hàng", như giai đoạn sau Tết Nguyên đán đến ngày vía Thần Tài.
Ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng (VGTA) nhận định, nhu cầu mua vàng trang sức ở Việt Nam ngày càng tăng, từ mua vàng để dành, tích trữ sang làm đẹp nên các sản phẩm vàng phân khúc trung và cao cấp còn rất nhiều dư địa tăng trưởng.
Theo ông Bảng, mỗi năm ước tính các doanh nghiệp đã mua khoảng 20 tấn vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ nhưng rủi ro rất lớn vì nguồn nguyên liệu không đến từ nhập khẩu chính thức.
Lý do bởi hơn chục năm nay, từ khi có Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước chỉ cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Tuy nhiên, thời gian qua, chưa doanh nghiệp nào được cấp phép nhập vàng nguyên liệu.
Theo một doanh nghiệp kinh doanh vàng, do rủi ro mua vàng trôi nổi trên thị trường rất lớn nên các doanh nghiệp hạn chế mua. Chủ yếu doanh nghiệp mua lại vàng theo hóa đơn bán ra của các doanh nghiệp hoặc mua theo hóa đơn của doanh nghiệp khai thác.
Kết quả là doanh nghiệp vàng chỉ sản xuất cầm chừng chứ không dám "bung mạnh" như trước đó, vì vậy lượng vàng nhẫn tròn trơn 24K không còn dồi dào như các năm trước.
Thêm vào đó, thời gian qua, một bộ phận người dân chuyển từ mua vàng miếng SJC sang mua nhẫn tròn trơn 24K nhằm chờ đợi động thái mới của cơ quan quản lý trong lúc đang sửa đổi Nghị định 24 về việc có độc quyền vàng miếng SJC hay không cũng khiến mặt hàng này nhanh chóng khan hàng trong dịp cao điểm.
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng tổng kết Nghị định 24 và báo cáo kết quả thanh tra thị trường vàng trong tháng 2.
Trên thị trường quốc tế, kim loại quý đi ngược chiều với thị trường trong nước.
Theo ghi nhận tại thời điểm 18h30 phiên giao dịch ngày 28/2, giá vàng thế giới trên sàn giao dịch Kitco ở mức 2.027,1 - 2.028,1 USD/ounce, giảm nhẹ 2,4 USD so với phiên giao dịch liền trước.
Thị trường vàng thế giới không có nhiều phản ứng trước số liệu kinh tế đáng thất vọng, với công bố từ Bộ Thương mại Mỹ cho biết, các đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền của nước này đã giảm 6,1% trong tháng trước, trong khi các nhà kinh tế đang kỳ vọng giảm 4,9%.
Hiện, các nhà đầu tư trên thị trường vàng đang chờ đợi những thông tin liên quan đến lạm phát sẽ được công bố trong tuần này.
Báo cáo chi tiêu và thu nhập cá nhân cho tháng 1 vào sáng ngày 29/2 (theo giờ Mỹ), bao gồm chỉ số lạm phát chi tiêu cá nhân (PCE). Chỉ số giá PCE trong tháng 1 dự báo tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số giá PCE cốt lõi tăng 2,9% trong cùng kỳ.
Những dự báo đó chỉ cao hơn một chút so với số liệu được công bố trong báo cáo tháng 12.
Thị trường đồng thời chờ đợi thêm những phát biểu của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này để xác định về hướng đi của lãi suất.
Marc Chandler, Giám đốc điều hành tại Bannockburn Global Forex, cho biết USD đang có xu hướng giảm giá do đợt điều chỉnh lãi suất sắp kết thúc. Thị trường vàng đang có cơ hội giao dịch quanh mức 2.050 USD/ounce.
Báo cáo về thị trường hàng hóa mới nhất của Goldman Sachs dự báo giá vàng tăng khoảng 6% trong 12 tháng tới, lên 2.175 USD/ounce.
Adrian Day, Chủ tịch Adrian Day Asset Management, tin rằng con số lạm phát vừa phải trong tuần trước sẽ thúc đẩy giá vàng vào tuần này. “Khả năng Fed nâng lãi suất vào tháng 3 đã tăng lên do chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi tiếp tục thấp. Điều đó sẽ khiến vàng tăng cao hơn”.
Trong khi đó, Nhà phân tích thị trường cấp cao tại Barchart Darin Newsom, nhận thấy vàng bị mắc kẹt giữa các xu hướng kỹ thuật trái ngược nhau.
Chiến lược gia trưởng Colin Cieszynski tại SIA Wealth Management, cho biết: “Tôi lạc quan về giá vàng trong tuần tới. Suy nghĩ của tôi là Fed có thể tỏ ra ít ôn hòa hơn những gì thị trường mong đợi, điều này có thể châm ngòi cho một đợt tăng giá của USD và gây trở ngại cho vàng.”
Cập nhật giá vàng chiều 27/2/2024: Đảo chiều chóng mặt, “bốc hơi” tiền triệu Mặc dù tăng mạnh trong phiên giao dịch sáng nay 27/2, giá vàng lại quay đầu giảm sốc trong phiên chiều. Kim loại quý theo ... |
Giá vàng hôm nay 28/2/2024: Rơi tự do sau khi leo lên mức kỷ lục Giá vàng biến động rất mạnh trong phiên giao dịch 27/2, sau khi leo lên mức kỷ lục đạt được hồi cuối năm 2023, kim ... |
Vân Anh (T/H)