Giá vàng thế giới
Đêm 7/4 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.933 USD/ounce. Vàng giao tháng 6 trên sàn Comex New York ở mức 1.935 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 7/4 cao hơn khoảng 2,0% (38 USD/ounce) so với đầu năm 2021. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 54,1 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 14,7 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 7/4.
Giá vàng trên thị trường quốc tế tăng nhanh từ mức thấp nhất trong vòng hơn 1 tuần cho dù đồng USD tăng vọt.
Vàng lên giá trong bối cảnh chịu áp lực từ 2 phía. Một mặt những bất ổn từ cuộc chiến Nga-Ukraine khiến vàng trở thành kênh đầu tư hấp dẫn. Ở chiều ngược lại, lập trường cứng rắn của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đẩy USD tăng, qua đó khiến vàng suy giảm.
Nhà phân tích cấp cao tại World Gold Council Adam Perlaky cho rằng, các sự kiện địa chính trị gần đây đã cho thấy rõ ròng tiền đã đổ như thế nào vào vàng và mặt hàng này đã tăng nhanh ra sao.
Hội đồng Vàng Thế giới cho biết, các quỹ ETF có đảm bảo bằng vàng trên toàn cầu đã chứng kiến dòng vốn ròng 11,8 tỷ USD trong tháng 3 - mức cao nhất của dòng vốn hàng tháng kể từ năm 2016.
Tuy nhiên, vàng vẫn chịu áp lực bán ra sau khi biên bản của Fed cung cấp thông tin chi tiết về kế hoạch thu hẹp bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương và khẳng định rằng các nhà hoạch định chính sách đã chuẩn bị sẵn sàng tăng lãi suất với mức tăng 50 điểm phần trăm trong nỗ lực kiềm chế lạm phát.
Vàng cũng bị ảnh hưởng khi mà trái phiếu kho bạc bị bán tháo, qua đó đẩy lợi suất của trái phiếu kỳ hạn 10 năm lên mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 2019. Lợi suất cao hơn đối với nợ chính phủ và các trái phiếu khác làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ các tài sản không có giá trị như vàng.
Tính từ đầu năm tới nay, vàng đã tăng 5,6%, với sự hỗ trợ một phần gắn liền với nhu cầu về tài sản trú ẩn khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, cũng như lo ngại về khả năng gia tăng lạm phát.
Giá vàng trong nước
Giá vàng SJC sau khi có sự điều chỉnh trái chiều vào đầu phiên, đến cuối phiên các thương hiệu đồng loạt tăng 50.000 - 100.000 đồng/lượng. Trong đó, Công ty VBĐQ Sài Gòn và hệ thống PNJ, cùng điều chỉnh tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán.
Điều chỉnh ít hơn, Tập đoàn Doji và Tập đoàn Phú Quý, cùng tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, nhưng ở chiều bán ra, Tập đoàn Doji tăng 50.000 đồng/lượng, nhưng giữ nguyên tại Tập đoàn Phú Quý.
Trong khi đó, hệ thống Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh giá vàng SJC cuối phiên tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 60.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Nhận định về tình hình các kênh đầu tư trong năm 2022, về cơ bản, các chuyên gia tin tưởng nhịp sống kinh tế trong năm nay sẽ quay trở lại tốt hơn năm trước. Các chính sách, gói kích thích kinh tế của chính phủ sẽ tiếp cận gần hơn với doanh nghiệp, xây dựng nền tảng cho doanh nghiệp phục hồi. Thế giới sẽ dần ổn định hơn, xu hướng tránh trú bão ít hơn nên vàng ít có cơ hội tăng giá. Như vậy, giá vàng sẽ đi ngang hoặc có thể giảm. Bởi vậy, vàng chỉ là kênh phòng thủ giữ tiền, đầu tư tăng giá có rất ít cơ hội. Tất nhiên, giới chuyên nghiệp vẫn có cách riêng của họ đánh vào khi giá xuống, nhưng nhìn chung giá vàng đi ngang hoặc đi xuống, khả năng lãi lớn rất hiếm.
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua (ngày 7/4), giá vàng SJC giao dịch tại một số đơn vị kinh doanh lớn trên toàn quốc như sau:
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 68,20 – 68,87 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng tại: 68,20 – 68,85 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 68,15 – 68,75 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 68,20 – 68,80 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 68,16 – 68,74 triệu đồng/lượng. Theo xu hướng chung của thị trường kim loại quý, các sản phẩm khác của thương hiệu này đều có sự điều chỉnh, giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 54,78 – 55,48 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 53,85 – 55,35 triệu đồng/lượng.
Minh Phương
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam