Vàng giao ngay tăng 0,6%, được giao dịch ở mức 2.245,79 USD/ounce. Giá vàng tương lai của Mỹ tăng hơn 1%, giao dịch ở mức 2.266,39 USD/ounce.
Joseph Cavatoni, chiến lược gia thị trường tại Hội đồng vàng thế giới, cho rằng: “Tôi nghĩ đây là thời điểm thực sự thú vị đối với vàng. Tôi nghĩ điều thực sự thúc đẩy cho vàng tiếp tục tăng giá là việc nhiều nhà đầu cơ trên thị trường thực sự có được niềm tin và sự thoải mái trong việc cắt giảm lãi suất của FED,” ông nói.
Theo đó, thị trường đang đặt kỳ vọng vào việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6 tới.
Theo dữ liệu công bố cuối tuần trước, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân – thước đo lạm phát yêu thích của FED trong tháng 2 tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái – dữ liệu có khả năng khiến ngân hàng trung ương Mỹ phải trì hoãn trước khi có thể bắt đầu xem xét cắt giảm lãi suất.
FED đã giữ vững quan điểm về lãi suất khi kết thúc cuộc họp tháng 3 vừa qua, nhưng vẫn giữ nguyên dự báo về 3 lần giảm lãi suất trong năm nay.
Giá vàng có xu hướng có mối quan hệ nghịch biến với lãi suất. Khi lãi suất giảm, vàng trở nên hấp dẫn hơn so với các tài sản có thu nhập cố định như trái phiếu, bởi các loại tài sản này mang lại lợi nhuận mỏng hơn trong môi trường lãi suất thấp.
Theo ông Caesar Bryan, Giám đốc danh mục đầu tư tại công ty quản lý đầu tư Gabelli Funds, giá vàng thỏi cũng được đẩy cao hơn bởi nhu cầu ở nước ngoài tăng.
“Ở Trung Quốc, các nhà đầu tư tư nhân bị thu hút bởi vàng vì lĩnh vực bất động sản hoạt động kém”, Bryan nói và cho biết thêm rằng nền kinh tế chung của Trung Quốc vẫn còn yếu và thị trường chứng khoán cũng như tiền tệ của nước này chưa ở trạng thái hoạt động tốt.
Một chuyên gia từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết, đợt tăng giá vàng cho đến nay được thúc đẩy nhờ hoạt động mua mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương thế giới nhằm đa dạng hóa danh mục dự trữ do rủi ro địa chính trị, lạm phát trong nước và sự yếu kém của đồng USD.
Theo dữ liệu từ WGC, Trung Quốc là ngân hàng trung ương mua vàng nhiều nhất trong các ngân hàng trung ương trên thế giới, với lượng mua ròng năm 2023 là 224,88 tấn.
Ngân hàng trung ương Ba Lan là nước tiêu thụ vàng ròng lớn thứ hai, mua tới 130 tấn vàng thỏi vào năm 2023.
Singapore ghi nhận lượng mua vàng ròng cao thứ ba trong năm 2023, do Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) mua 76,51 tấn.
Mặc dù MAS không tiết lộ lý do đưa ra quyết định đầu tư nhưng nhiều phỏng đoán cho rằng các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã cảnh giác với những rủi ro địa chính trị từ cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra.
Theo chuyên gia từ WGC, lý do MAS mua nhiều vàng trong năm 2023 là để điều chỉnh việc phân bổ dự trữ phù hợp với quan điểm của mình về rủi ro.
Trung Quốc không chỉ là quốc gia mua nhiều vàng nhất trong số các ngân hàng trung ương trên thế giới mà quốc gia này còn ghi nhận lượng mua vàng bán lẻ cao nhất.
Theo dữ liệu từ Hội đồng vàng thế giới, năm 2023 Trung Quốc đã vượt qua Ấn Độ để trở thành nước mua vàng trang sức lớn nhất thế giới. Người tiêu dùng Trung Quốc đã mua 603 tấn vàng trang sức trong năm ngoái, tăng 10% so với năm 2022.
Đối với Ấn Độ, nhu cầu tiêu dùng vàng ở quốc gia này cũng là một trong những nhu cầu lớn nhất thế giới, đặc biệt là trong mùa cưới ở Ấn Độ, kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12 và từ tháng 1 đến tháng 3.
WGC cho biết, nhu cầu trang sức của Ấn Độ tiếp tục tăng song việc vàng đắt hơn có thể gây ảnh hưởng đến nhu cầu chi tiêu đó. Nhu cầu tiêu thụ vàng trang sức của Ấn Độ giảm 6% xuống 562,3 tấn năm 2023 so với một năm trước đó.
Nhu cầu vàng của Ngân hàng trung ương của Ấn Độ cũng tiếp tục tăng mạnh, với việc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ mua 8,7 tấn vàng trong tháng 1, đánh dấu mức mua hàng tháng cao nhất kể từ tháng 7/2022.
Theo số liệu của WGC, ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, nhu cầu vàng của Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023 cũng gần gấp đôi so với năm 2022.
H.Y