Giá xăng dầu hôm nay 10/9/2022: Đồng loạt tăng mạnh | |
Giá xăng dầu hôm nay 11/9/2022: Thị trường nhiều rủi ro | |
Thị trường xăng trong nước có thể giảm mạnh vào ngày mai (12/9)? |
Dữ liệu cập nhật từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore ở kỳ điều hành này giảm mạnh so với kỳ tính giá trước đó (ngày 5/9).
Cụ thể, bình quân giá xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92) tại Singapore cập nhật đến ngày 8/9 là 94,11 USD/thùng, còn giá xăng RON 95 là 98,83 USD/thùng. Đây là mức giá thấp nhất trong vòng 8 tháng qua. Mức giá này tương đương với giá xăng ngày 17/1, khi đó giá xăng RON 95 bán lẻ là 23.870 đồng/lít. Nếu trừ thuế bảo vệ môi trường 3.300 đồng thì giá xăng chỉ còn 20.570 đồng.
Tương tự, giá dầu thành phẩm trên thị trường Singapore ở chu kỳ này cũng giảm mạnh so với chu kỳ trước. Bình quân giá dầu trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 8/9 như sau: dầu diesel có giá 130,81 USD/thùng, dầu hỏa giá là 129 USD/thùng, dầu mazut là 409,8 USD/tấn.
Nguồn ảnh: Internet |
Trên thị trường thế giới, giá dầu mấy phiên trước lao dốc mạnh, xuống sát ngưỡng 80 USD/thùng. Theo dữ liệu từ Oilprice, kết thúc phiên giao dịch ngày 7/9, giá dầu WTI chỉ còn 81,94 USD/thùng, dầu Brent là 88 USD/thùng.
Đến ngày 10/9, giá dầu có xu hướng tăng lên. Hiện giá dầu WTI lên ngưỡng gần 87 USD/thùng, còn giá dầu Brent đạt mức gần 93 USD/thùng. Giá dầu leo dốc do chịu tác động bởi việc cắt giảm nguồn cung thực tế và mối đe dọa nguồn cung sẽ tiếp tục bị thắt chặt trong tương lai.
Dù tăng nhưng so với mức đỉnh của giá dầu WTI là 130,5 USD/thùng, của giá dầu Brent là 140 USD đạt được vào tháng 3 năm nay thì giá dầu Brent và giá dầu WTI đã giảm rất mạnh.
Do giá xăng dầu thế giới và giá xăng nhập vào giảm mạnh nên tại kỳ điều hành ngày mai (12/9), giá bán lẻ xăng dầu trong nước được dự báo giảm. Tuy nhiên, giá xăng ngày mai giảm ở mức nào còn phụ thuộc vào việc cơ quan quản lý chi quỹ bình ổn.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho hay, giá xăng thành phẩm trung bình tại thị trường Singapore đang thấp hơn giá bán lẻ xăng trong nước khoảng 700-1.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu hỏa tại thị trường Singapore thấp hơn trong nước khoảng 1.100-1.400 đồng/lít
Vì vậy, trong kỳ điều hành ngày mai (12/9), nếu cơ quan quản lý không trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng có thể giảm từ 700-1.000 đồng/lít, còn giá dầu sẽ giảm khoảng 1.100-1.400 đồng/lít. Trường hợp cơ quan quản lý chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá các mặt hàng xăng dầu có thể giảm ít hơn.
Tại kỳ điều hành gần đây nhất (ngày 5/9), Liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giảm giá xăng, còn giá dầu diesel tăng mạnh. Theo đó, giá xăng E5 giảm 370 đồng/lít, giá bán là 23.350 đồng/lít; giá xăng RON95-III giảm 430 đồng/lít, giá bán là 24.230 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel 0,05S tăng 1.430 đồng/lít, giá bán là 25.180 đồng/lít. Như vậy, giá dầu diesel đã tăng mạnh, vượt giá xăng, đây là điều chưa từng có trên thị trường xăng dầu Việt Nam. Bởi lẽ từ trước đến nay, giá dầu diesel thường thấp hơn giá xăng.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục trích lập vào Quỹ bình ổn giá với xăng E5 ở mức 451 đồng/lít, xăng RON95 là 493 đồng/lít, dầu mazut 641 đồng/kg; không trích lập Quỹ bình ổn giá với dầu diesel và dầu hỏa. Liên Bộ cũng không chi Quỹ Bình ổn giá với xăng, còn chi quỹ với dầu diesel là 300 đồng/lít, dầu hỏa là 100 đồng/lít.
Trên thế giới, giá dầu thế giới bước vào tuần giao dịch từ ngày 5/9 với xu hướng tăng mạnh khi thị trường lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung gia tăng sau khi G7 quyết định áp giá trần đối với dầu thô Nga. Quyết định áp trần giá dầu đối với dầu thô Nga sẽ có hiệu lực vào tháng 12 tới và đây cũng là thời điểm cấm nhập khẩu dầu thô Nga của EU có hiệu lực.
Đà tăng giá của dầu thô tiếp tục được củng cố khi OPEC+ quyết định giảm nhẹ sản lượng lần đầu tiên sau 1 năm. Quyết định này được OPEC+ đưa ra nhằm hỗ trợ giá dầu khi mà những lo ngại về suy thoái kinh tế làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu đang ngày một lớn. Cụ thể, sau cuộc họp chính sách ngày 5/9, OPEC+ nhất trí trong tháng 10/2022 sẽ cắt giảm 100.000 thùng sản lượng theo ngày so với tháng 9.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 6/9/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2022 đứng ở mức 88,79 USD/thùng, tăng 2,31 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 11/2022 đứng ở mức 95,39 USD/thùng, tăng 2,37 USD/thùng trong phiên.
Áp lực suy thoái kinh tế tại khu vực EuroZone còn lớn hơn khi thông tin Dòng chảy phương bắc 1 vẫn dừng hoạt động, tiếp tục kéo dài thời gian bảo trì. Điều này đồng nghĩa với áp lực về việc đảm bảo nguồn cung khí đốt, năng lượng vào mùa đông vốn đang khó khăn sẽ trở lên khó khăn hơn rất nhiều. Giá khí đốt cũng theo đó tăng cao.
Quyết định tăng mạnh lãi suất 75 điểm phần trăm của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) càng làm cho các áp lực tăng trưởng kinh tế gia tăng.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 9/9/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2022 đứng ở mức 82,50 USD/thùng, giảm 0,57 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 11/2022 đứng ở mức 88,46 USD/thùng, giảm 0,69 USD/thùng trong phiên.
Đà lao dốc của dầu thô chỉ bị chặt lại khi Nga đưa ra cảnh báo về việc có thể ngừng cấp dầu và khí đốt cho một số quốc gia châu Âu thống nhất và ủng hộ với việc áp trần giá dầu của Nga.
Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ đã hạ dự báo mức tăng sản lượng dầu thô của nước này từ mức 610.000 thùng/này xuống còn 540.000 thùng ngày, đạt mức 11,79 triệu thùng/ngày trong năm 2022.
Khép tuần giao dịch, giá dầu ngày 11/9 ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2022 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 85,64 USD/thùng; trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 11/2022 đứng ở mức 92,18 USD/thùng.
Linh Linh