Cụ thể, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2022 đứng ở mức 81,55 USD/thùng, giảm 0,08 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 8/9, giá dầu WTI giao tháng 11/2022 đã giảm tới 4,9 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 11/2022 đứng ở mức 87,78 USD/thùng, giảm 0,22 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm tới 5 USD so với cùng thời điểm ngày 8/9. Giá dầu tiếp đà giảm mạnh khi các dữ liệu từ Mỹ và Trung Quốc cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu từ 2 nền kinh tế lớn nhất đang có dấu hiệu suy yếu mạnh.
Nguồn ảnh: Internet |
Theo Viện Dầu mỏ Mỹ (API), dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước đã tăng tới 3,645 triệu thùng, trái ngược với dự báo giảm 733.000 thùng được giới phân tích đưa ra trước đó. Cũng theo dữ liệu từ API, tồn kho xăng của Mỹ trong tuần trước đã giảm 836.000 thùng và dự trữ chưng cất đã tăng 1,833 triệu thùng.
Tại Trung Quốc, với việc vẫn đang theo đuổi chính sách Zero Covid, nhiều thành phố, trung tâm thương mại, công nghiệp lớn tái áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, nhu cầu dầu của nước này cũng được ghi nhận giảm mạnh.
Dữ liệu từ các cơ quan chức năng của Trung Quốc, nhập khẩu dầu thô của nước này trong tháng 8/2022 đã giảm tới 9,4% so với một năm trước đó. Lượng xăng nhập khẩu của Trung Quốc cũng đã giảm tới 36% so với cùng kỳ 2021.
Số liệu được Bloomberg tổng hợp cho thấy các hoạt động của nhà máy tại Trung Quốc đang suy giảm, doanh số bán lẻ lao dốc, tăng trưởng tín dụng giảm tốc và thất nghiệp gia tăng. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong lĩnh vực dịch vụ của nền kinh tế Trung Quốc đã giảm từ 55,5 điểm tron tháng 7 xuống 55 điểm vào tháng 8.
Giá dầu hôm nay giảm mạnh còn do giới đầu tư ồ ạt bán tháo dầu thô trước lo ngại về rủi ro về tăng trưởng kinh tế và những bất ổn trên thị trường dầu thô.
Ở diễn biến mới nhất, phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở Vlapostok hôm nay 7/9, Tổng thống Putin cho rằng việc châu Âu kêu gọi áp giá trần với dầu của Nga là hành động "ngớ ngẩn", đồng thời tuyên bố Nga sẽ từ bỏ các hợp đồng cung cấp dầu nếu phương Tây áp đặt giá trần đối với hàng hóa xuất khẩu của Nga.
Tại thị trường trong nước, chiều ngày 5/9, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 451 đồng/lít (như kỳ trước), xăng RON95 ở mức 493 đồng/lít (như kỳ trước), dầu diesel ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 250 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 400 đồng/lít) và dầu mazut ở mức 641 đồng/kg (như kỳ trước). Đồng thời, thực hiện chi Quỹ BOG đối với dầu diesel ở mức 300 đồng/lít; dầu hỏa ở mức 100 đồng/lít.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5RON92: không cao hơn 23.359 đồng/lít (giảm 366 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 871 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 24.230 đồng/lít (giảm 439 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);
Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 25.188 đồng/lít (tăng 1.429 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), nếu không thực hiện chi Quỹ BOG ở mức 300 đồng/lít thì giá bán sẽ là 25.488 đồng/lít, tăng 1.729 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành; Dầu hỏa: không cao hơn 25.445 đồng/lít (tăng 1.389 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), nếu không thực hiện chi Quỹ BOG 100 đồng/lít thì giá bán sẽ là 25.545 đồng/lít, tăng 1.489 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 16.077 đồng/kg (giảm 471 đồng/kg so với giá bán hiện hành).
Đây là một kỳ điều hành giá xăng dầu được dư luận đánh giá là khá "kỳ lạ" khi giá dầu diesel lần lượt vượt mặt cả xăng RON92 lẫn RON95. Đây cũng là lần giảm giá xăng ngay sau khi hàng loạt thông tin trong kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh cho rằng nhiều cây xăng cố tình găm hàng chờ tăng giá.
Minh Phương