Giá xăng dầu ngày 20/2/2023: Một tuần trượt giá mạnh

20/02/2023 - 14:50
(Bankviet.com) Tuần qua, giá xăng dầu trên thị trường giảm tới 4 phiên và chỉ tăng duy nhất 1 phiên. Tại thị trường trong nước, một số dự báo cho thấy, giá xăng dầu có thể biến động trái chiều, dầu tiếp tục giảm, xăng tăng nhẹ tại kỳ điều chỉnh giá kỳ tới (21/2).

Giá xăng dầu hôm nay ngày 16/2/2023: Tiếp tục điều chỉnh giảm

Giá xăng dầu hôm nay 17/2/2023: Kỳ vọng tín hiệu tích cực phiên cuối tuần

Giá xăng dầu trong nước 18/2/2023: Có thể giảm nhẹ

Cụ thể, ngày 13/2, giá dầu chào tuần mới tăng chưa đến 50 cent mặc dù trong phiên đã có thời điểm lao dốc. Giá dầu phục hồi sau những đợt giảm giá đầu phiên do các nhà đầu tư cân nhắc kế hoạch cắt giảm 500.000 thùng dầu của Nga vào tháng 3 và những lo ngại về nhu cầu ngắn hạn trước dữ liệu lạm phát của Mỹ trong tuần. Sau đó, giá dầu trượt dốc 4 phiên liên tiếp, chịu tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó có sự tăng giá của USD và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ quay trở lại tăng lãi suất mạnh mẽ hơn khi áp lực lạm phát chưa giảm nhiều.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Nhu cầu dầu giảm có thể xảy ra trong thời điểm đầy đủ dự trữ dầu trên thị trường toàn cầu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tháng trước dự báo tình trạng dư dầu vào đầu năm mặc dù nguồn cung có thể thắt chặt nếu các lệnh trừng phạt của phương Tây làm giảm xuất khẩu dầu của Nga.

Triển vọng tăng lãi suất của Fed đã củng cố đà tăng của USD lên mức cao nhất trong 1 tháng, ở mức 104. Fed đã giảm quy mô tăng lãi suất xuống 50 điểm cơ bản vào tháng 12/2022 và 25 điểm cơ bản hồi đầu tháng 2. Nhưng Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard ngày 16/2 cho biết sẽ không loại trừ khả năng các nhà hoạch định chính sách sẽ quay trở lại quy mô tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp vào tháng 3 khi cuộc chiến lạm phát vẫn tiếp tục.

Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cao cấp tại Oanda, nhận xét, một rủi ro tăng giá lớn với dầu vẫn là Trung Quốc và sự phục hồi của nước này sau khi chuyển sang sống chung với Covid. Sản lượng dầu của Nga cũng là một rủi ro khác, sau các báo cáo rằng sản lượng của nước này sẽ giảm nửa triệu thùng/ngày kể từ tháng 3 do trần giá áp dụng lên dầu của nước này. Erlam cho biết thêm rằng, cũng có những rủi ro giảm giá, đặc biệt là nền kinh tế toàn cầu chậm lại do lãi suất cao hơn. Nhưng hiện tại, các nhà giao dịch có vẻ hài lòng với phạm vi của giá dầu.

Trong tuần, báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) ngày 15/2 cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ đã tăng 16,3 triệu thùng lên 471,4 triệu thùng, mức cao nhất kể từ tháng 6/2021.

Cập nhật giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore đến ngày 17/2 cho thấy, xăng RON95 là 97,23 USD/thùng, xăng E5 RON92 93,67 USD/thùng, dầu diesel 99,68 USD/thùng, dầu hỏa 102,19 USD/thùng, dầu mazut 420,08 USD/thùng. Với bảng giá nhập khẩu như trên, giá xăng trong nước đang cao hơn giá nhập khoảng 200 đồng/lít, dầu diesel thấp hơn 500 đồng/lít.

Theo đó, một số dự báo cho thấy, giá bán lẻ tại kỳ điều hành tới (21.2) sẽ tăng giảm mức tương đương. Cụ thể, xăng có thể tăng 200 đồng/lít, dầu giảm 500 đồng/lít, mức tăng giảm này chưa bao gồm quỹ bình ổn giá xăng dầu và các khoản phí khác, nếu có. Đáng lưu ý, giá dầu thô thế giới trong tuần qua tuy tăng nhẹ chỉ vài chục cent trong từng phiên, nhưng kết thúc tuần, giá dầu chuẩn thế giới đã giảm hơn 4%.

Tại kỳ điều chỉnh gần nhất, giá xăng E5RON92 không cao hơn 22.869 đồng/lít; Xăng RON 95 không cao hơn 23.767 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 21.562 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 21.594 đồng/lít; Dầu mazút không cao hơn 13.636 đồng/kg

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính – Công Thương điều chỉnh vào kỳ điều hành giá chiều ngày 13/2. Theo điều chỉnh, giá xăng tăng hơn 500 đồng/lít và giá dầu giảm từ 960 đến 980 đồng/lít (kg). Tại kỳ điều hành này, liên Bộ không chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đồng thời ngừng trích lập Quỹ bình ổn giá với xăng và trích lập 600 đồng/lít với dầu diesel, 200 đồng/lít với dầu hỏa.

Thanh Hằng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán