Giá xuất khẩu cà phê Robusta lên cao nhất 28 năm Giá xuất khẩu cà phê tiếp tục tăng trước lo ngại thiếu hụt nguồn cung |
Thời điểm cuối năm, giá cà phê Robusta trên thế giới chạm đỉnh 28 năm do tồn kho ở mức thấp và tình trạng hạn chế bán ra. Vì thế, năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam được hưởng lợi nhờ giá cà phê Robusta thế giới tăng.
Xu hướng giá tăng cũng được thể hiện trên sàn giao dịch London. Cụ thể, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 1/2024, tháng 3/2024, tháng 5/2024 và tháng 7/2024 tăng lần lượt 21,9%, 15%, 13,6% và 12,8% (so với ngày 30/11/2023), lên mức 3.075 đô la Mỹ/tấn, 2.837 đô la/tấn, 2.766 đô la /tấn và 2.704 đô la/tấn.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2023 đạt xấp xỉ 1,61 triệu tấn, trị giá 4,18 tỉ đô la Mỹ |
Theo Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nếu đầu năm 2023, giá cà phê ở mức 40.000 đồng/kg thì bắt đầu từ tháng 5/2023, giá có dấu hiệu tăng lên và từ quý 3/2023, giá cà phê Robusta tăng rất mạnh lên mức 67.200 68.000 đồng/kg vào cuối tháng 11/2023 và kéo dài cho đến những ngày đầu năm 2024.
Theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2023 đạt xấp xỉ 1,61 triệu tấn, trị giá 4,18 tỉ đô la Mỹ, giảm gần 10% về lượng, nhưng tăng hơn 3% về trị giá so với năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân cà phê năm 2023 đạt mức 2.834 đô la Mỹ/tấn, tăng hơn 14% so với năm 2022.
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) cho biết, dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2023/2024 sẽ tăng 5,8% so với niên vụ 2022/2023, lên 178 triệu bao (60 kg/bao), trong đó sản lượng Arabica tăng 8,7% lên 102,2 triệu bao và Robusta tăng 2,2% lên 75,8 triệu bao.
Với kết quả này, Bộ Công Thương dự báo năm 2024, ngành cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ giá cà phê Robusta sẽ duy trì ở mức cao, thậm chí có thể lập đỉnh do sự thiếu hụt nguồn cung. Dự đoán đà tăng của giá cà phê thế giới sẽ chậm lại hoặc quay đầu giảm trong nửa cuối năm 2024.
Theo Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, năm 2024, có nhiều thông tin trái chiều tác động đến giá cà phê toàn cầu. Quý I/2024, giá cà phê Robusta và Arabica sẽ duy trì ở mức cao vì lo ngại nguồn cung thiếu hụt, tồn kho thấp nhất trong 12 năm trở lại đây. Dự báo này ít nhiều có cơ sở vì trong báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thì tồn kho cà phê Robusta thế giới trong niên vụ 2023/2024 đạt 26,5 triệu bao (loại 60kg), giảm 16,7% so với báo cáo trước đó và giảm 4% so với ước tính niên vụ 2022/2023.
Tuy nhiên, đà tăng của giá cà phê thế giới sẽ chậm lại hoặc quay đầu giảm trong nửa cuối năm 2024. Lý do được được ra là sản lượng cà phê thế giới trong niên vụ 2023/2024 tăng.
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, niên vụ 2023/2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống 1,6 - 1,7 triệu tấn, từ con số 1,78 triệu tấn niên vụ 2022/2023.
Hiệp hội này cho rằng năm 2024, ngành cà phê Việt Nam cần chú trọng nhiều giải pháp cho việc phát triển bền vững, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là việc đáp ứng quy định chống mất rừng EUDR của EU.
Về các khu vực xuất khẩu, tính trong 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang châu Á, châu Mỹ và châu Phi tăng, nhưng sang châu Âu và châu Đại Dương lại giảm. Cụ thể, tỷ trọng xuất khẩu cà phê sang châu Á, châu Phi tăng lần lượt từ mức 35,11% và 4,08% trong 11 tháng năm 2022 lên 37,72% và 5,57% trong 11 tháng năm 2023.
Ngược lại, tỷ trọng xuất khẩu cà phê sang châu Âu và châu Đại Dương giảm từ 48,12% và 1,46% trong 11 tháng năm 2022 xuống còn 44,29% và 1,20% trong 11 tháng năm 2023. Trong 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu cà phê Robusta và chế biến tăng lần lượt 3,7% và 27,2% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 2,71 tỷ USD và 776 triệu USD. Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu cà phê Arabica và Excelsa giảm lần lượt 37,3% và 5,7%, đạt 145 triệu USD và 5 triệu USD.
Ngọc Ngân