Giải bài toán “điểm nghẽn” phát triển nhà ở xã hội

11/07/2024 - 21:58
(Bankviet.com) Quá trình triển khai dự án nhà ở xã hội, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và cần được sớm tháo gỡ.
Thủ tướng: Phát triển nhà ở xã hội, tăng sử dụng cầu cạn với các cao tốc Mục tiêu 1 triệu căn hộ cho công nhân tại khu công nghiệp: Liệu có khả thi?

Theo đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội kèm theo Quyết định 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023, mục tiêu đến năm 2030, nước ta sẽ hoàn thành 1,06 triệu căn nhà ở xã hội.

Trên thực tế, trong quá trình thực hiện đề án này, có một số thuận lợi như Luật Nhà ở và các luật liên quan đã được Quốc hội thông qua, hay Nghị quyết của Quốc hội đã rút ngắn thời gian có hiệu lực của các điều luật. Bên cạnh đó, vấn đề cầu về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong khu công nghiệp và nhà ở thu nhập thấp đang rất lớn.

Cùng với đó, nhiều địa phương đã đặc biệt quan tâm đến việc bố trí các quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Ngoài ra, các nhà đầu tư khi tham gia xây dựng nhà ở xã hội sẽ được ưu đãi tiền thuê đất, sử dụng đất, giảm các loại thuế để có thể sớm thu hồi vốn và sinh lời. Đây được coi là “thời điểm vàng” để các doanh nghiệp bất động sản đầu tư vào phân khúc nhà ở đầy tiềm năng này.

Giải bài toán “điểm nghẽn” phát triển nhà ở xã hội
Thực tế quá trình triển khai dự án nhà ở xã hội các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. (hình minh họa)

Tuy nhiên, thực tế quá trình triển khai dự án nhà ở xã hội các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận đất đai như quy hoạch bố trí quỹ đất, công khai dự án. Hay việc “nghẽn” ở khâu thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, lựa chọn nhà đầu tư, phê duyệt giá bán nhà, hay việc nguồn vốn và khả năng tiếp cận tín dụng… Vấn đề được đặt ra lúc này là ngoài việc đưa ra chủ trương đúng, cũng cần có thêm nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư và việc này đang rất bức thiết và cần sớm tìm ra lời giải.

Trước đó, khi nói về những điểm nghẽn của thị trường bất động sản, ông Vương Duy Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) khẳng định, những “điểm nghẽn” đó sẽ sớm được tháo gỡ khi các Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã sẵn sàng trình Chính phủ, bảo đảm có hiệu lực khi các luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024.

Đặc biệt, ngày 27/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 71/2024/NĐ-CP quy định về giá đất, kỳ vọng tháo gỡ ách tắc định giá đất đang tồn tại ở nhiều dự án. Cùng với đó, trước thông tin Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị định về nhà ở xã hội theo hướng đơn giản hóa thủ tục, điều kiện, cơ chế ưu đãi đầu tư, tiêu chí tiếp cận nhà ở xã hội. Nghiên cứu thành lập Quỹ về phát triển nhà ở xã hội với sự tham gia của nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Theo các chuyên gia, các luật mới có hiệu lực sớm có cơ sở tháo gỡ vướng mắc cho một số dự án bất động sản, giúp tăng nguồn cung và bình ổn thị trường. Đặc biệt là những chính sách khuyến khích phát triển nhà thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội... nhờ đó sẽ thúc đẩy các dự án hơn. Từ đó, tạo điều kiện cho thị trường thị trường bất động sản phát triển ổn định. Tuy nhiên, để các luật này đi vào thực thi thì các nhà làm chính sách cần sớm đưa ra những hướng dẫn một cách cụ thể bằng các Nghị định và trình Chính phủ để phê duyệt, đưa vào thực thi.

Giải bài toán “điểm nghẽn” phát triển nhà ở xã hội
Ông Đỗ Viết Chiến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Theo ông Đỗ Viết Chiến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, trước hết các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc phát triển nhà ở xã hội trong đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030. Tiếp tục rà soát, bám sát thực tế để giải quyết khó khăn cho nhà đầu tư.

Cùng với đó, các địa phương cần điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, trong đó cụ thể về số lượng, chỉ tiêu nhà ở xã hội 2024-2025 và công khai danh mục dự án đầu tư nhà ở xã hội độc lập để nhà đầu tư đăng ký. Đồng thời, rà soát quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội và làm việc với chủ đầu tư để giải quyết các dự án nhà thương mại tồn đọng, nếu có thể cho điều chỉnh cơ cấu căn hộ… và chuyển đổi sang nhà ở xã hội.

Trước tình trạng mất cân đối giữa cung – cầu nhà ở xã hội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, cần sớm hình thành quỹ đầu tư nhà ở xã hội với mục tiêu cuối cùng là giải bài toán bài toán “khó” này để sớm bình ổn thị trường và tiếp tục phát triển loại hình nhà ở xã hội.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, phải có quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất vào mục đích xây nhà ở xã hội một cách rõ ràng và mang tính pháp lệnh, không nên đưa ra quy định chung chung. Chỉ tiêu pháp lệnh buộc các chính quyền địa phương phải thi hành và phải dành 20% quỹ đất cho nhà xã hội, đây là một yếu tố quan trọng. Bên cạnh đó, phải dành những khu đất có đầy đủ những điều kiện hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tốt để dành cho nhà xã hội, bảo đảm an sinh cho người dân.

"Đối với các dự án tái định cư không có người đến ở thì có thể nghiên cứu chuyển sang nhà xã hội để tránh lãng phí, giúp tận dụng nguồn lực. Có thể áp dụng nhiều cơ chế khác nhau như đặt hàng doanh nghiệp làm nhà ở xã hội", Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nêu kiến nghị.

Ngọc Tiến

Theo: Báo Công Thương