Giải mã việc cá mập ngoại bán ròng cổ phiếu FPT

16/07/2024 - 01:05
(Bankviet.com) Thị giá liên tục lập đỉnh, kết quả kinh doanh đang đà đi lên, tuy nhiên trong thời gian gần đây, cổ phiếu FPT lại liên tục bị khối ngoại bán ròng mạnh.

Dữ liệu từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến hết phiên giao dịch cuối tuần qua (12/7), tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tại Công ty CP Tập đoàn FPT (HOSE: FPT) chỉ còn chiếm gần 45% - đồng nghĩa tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại FPT đang còn hơn 4%, tương đương hơn 51 triệu cổ phiếu.

Lần cuối cùng room ngoại của FPT được lấp đầy là phiên giao dịch ngày 23/5. Sang đến phiên 24/5, khi VN-Index rơi hơn 19 điểm, cổ phiếu FPT bị chốt lời dữ dội với khối lượng giao dịch hơn 13 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 1.800 tỷ đồng, cao kỷ lục trong lịch sử niêm yết gần 18 năm.

Phiên này cũng ghi nhận khối ngoại bán ròng 2,7 triệu cổ phiếu FPT trong số này với giá trị gần 350 tỷ đồng. Từ thời điểm này, số lượng phiên bán ròng cổ phiếu FPT của nhà đầu tư nước ngoài liên tục được nối dài.

Chỉ tính riêng 7 tháng, cổ phiếu FPT đã có 34 lần lập đỉnh, gần nhất là ở mốc 139.600 đồng/cổ phiếu. Với mức tăng 69% so với đầu năm, vốn hóa của tập đoàn này đã gần chạm 204.000 tỷ đồng, vượt qua "vua thép" Hòa Phát.

Giải mã việc cá mập ngoại bán ròng cổ phiếu FPT
Cổ phiếu FPT đã tăng tới gần 70% kể từ đầu năm 2024

Bất chấp diễn biến tích cực này, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng hơn 7.500 tỷ đồng cổ phiếu FPT, chỉ đứng sau FUEVFVND (-7.750 tỷ đồng) và VHM (-12.637 tỷ đồng).

Việc khối ngoại xả ròng mạnh cổ phiếu FPT không khỏi khiến nhiều người bất ngờ, bởi từ trước đến nay, FPT luôn là mã chứng khoán yêu thích trong danh mục đầu tư của khối ngoại. Để "săn" được cổ phiếu đầu ngành công nghệ này, từng có thời điểm một số nhà đầu tư chấp nhận chi trả mức giá chênh lệch lên tới 20-30%. Cũng vì lý do này, kể từ khi niêm yết, hiếm khi nào Tập đoàn FPT lại hở room ngoại khá lớn như hiện nay.

Lý giải về động thái này của khối ngoại, theo Chứng khoán TPS, không phải khối ngoại bán mạnh cổ phiếu ở Việt Nam do lo ngại thị trường Việt Nam, mà đây là xu hướng dịch chuyển toàn cầu trong giai đoạn chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt. Điều này tạo ra cơ hội cho dòng vốn quay lại tích cực hơn ở các thị trường mới nổi khi Fed bắt đầu xu hướng giảm lãi suất từ 2025.

Số liệu từ TPS, các cổ phiếu, chứng chỉ quỹ có giá trị bán ròng cao nhất trong tháng 6 lần lượt là: FPT (bán ròng 4.948 tỷ đồng), FUEFVND (bán ròng 2.303 tỷ đồng) và VHM (bán ròng 1.584 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng mạnh tay cổ phiếu MBB với giá trị mua ròng lên đến 5.050 tỷ đồng, tiếp đến là MSN (+3.532 tỷ đồng) và HAH (+3.306 tỷ đồng).

Giải mã việc cá mập ngoại bán ròng cổ phiếu FPT
Diễn biến bán ra - mua vào các cổ phiếu của khối ngoại trong tháng 6

Với đà tăng tích cực từ đầu năm tới nay, cổ phiếu FPT đang là đối tượng được đa phần nhà đầu tư nước ngoài thực hiện chốt lời. Đáng chú ý, dự báo các ETF nội sẽ bán ra hàng loạt cổ phiếu trong kỳ cơ cấu tới trong đó FPT bị bán ra nhiều nhất với 1,55 triệu đơn vị, theo ước tính của SSI.

Cụ thể, Bộ chỉ số HOSE-Index, VNX-Index cùng các chỉ số đầu tư bao gồm VNDiamond, VNFin Lead và VNFIN Select sẽ thực hiện tái cơ cấu danh mục trong thời gian tới với ngày công bố 15/7 và ngày hoàn thành cơ cấu danh mục 2/8.

Tiền năng của FPT vẫn còn rất lớn?

Theo các công ty chứng khoán, động thái chốt lời của khối ngoại chỉ tác động đến diễn biến của FPT trong ngắn hạn. Mặt khác, làn sóng cổ phiếu công nghệ và xu hướng ứng dụng AI sẽ còn củng cố đà tăng của mã này.

Theo Chứng khoán MBS, cú bắt tay với Nvidia sẽ tạo động lực tăng trưởng doanh thu dài hạn cho FPT khi AI tạo sinh đang trở thành xu thế mới trong ngành công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, mảng công nghệ được dự báo duy trì đà tăng trưởng 2 chữ số giai đoạn 2024-2025 nhờ doanh thu ký mới tăng ổn định và chi tiêu công nghệ thông tin toàn cầu dự kiến tăng trưởng mạnh trong năm nay.

Trong khi đó, Chứng khoán Rồng Việt lưu ý FPT đã được thị trường tái định giá ở mặt bằng mới sau khi công bố hợp tác với Nvidia và đầu tư xây dựng các trung tâm máy chủ AI nhằm đáp ứng nhu cầu bùng bổ của thị trường AI tạo sinh.

Dù triển vọng tăng giá trong ngắn hạn có thể bị hạn chế do định giá tăng quá nhanh trong thời gian ngắn, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận ổn định và mạnh mẽ của FPT, vốn hưởng lợi từ xu hướng công nghệ toàn cầu và sự không ngừng phát triển năng lực cốt lõi trong các lĩnh vực có nhu cầu cao như AI/ML, Cloud và công nghệ phần mềm ôtô, sẽ giúp củng cố xu hướng của giá cổ phiếu trong dài hạn.

Cổ phiếu lớn hút tiền, VN-Index có phiên tăng thứ 3 liên tiếp

Thị trường mở phiên chiều với lực mua mạnh kéo VN-Index tăng vọt trên mốc tham chiếu. Thanh khoản được cải thiện mạnh và tiếp ...

Nhìn lại sóng tăng của cổ phiếu ngành công nghệ

Theo giới phân tích, cổ phiếu công nghệ nổi sóng trong nửa đầu năm nay là nhờ ngành công nghệ thông tin và viễn thông ...

VN-Index tiếp tục tăng hơn 3 điểm, FPT dẫn dắt dòng tiền cá mập

VN-Index đã bảo toàn sắc xanh hướng lên mốc 1.203 điểm và xác nhận phiên tăng thứ 5 liên tiếp. Cổ phiếu FPT đón dòng ...

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán