Giải ngân vốn đầu tư công đạt 8,7%, nhiều dự án có nguy cơ thiếu vật liệu

11/03/2024 - 18:02
(Bankviet.com) Theo số liệu từ Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công trong 2 tháng đầu năm đạt 8,7%. Bên cạnh đó, nhiều dự án trọng điểm bất ngờ thiếu nguyên vật liệu.

Với sự quyết liệt triển khai của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, hoạt động đầu tư công đã vào guồng. Theo số liệu từ Bộ Tài Chính, ước tính thanh toán vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 2 là trên 59.998 tỷ đồng, đạt 8,7% tổng kế hoạch vốn và đạt 9,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Giải ngân vốn đầu tư công đạt 8,7%, nhiều dự án có nguy cơ thiếu vật liệu
Giải ngân đầu tư công đạt 8,7% tổng kế hoạch vốn và đạt 9,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Với kết quả giải ngân vốn đầu tư công như trên, Bộ Tài chính cho biết vẫn còn nhiều vướng mắc khiến việc giải ngân chưa đạt như kỳ vọng. Tính tới hiện tại, còn khoảng 25.291 tỷ đồng vốn chưa được phân bổ chi tiết, tương đương 3,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương chưa phân bổ chủ yếu dự kiến bố trí cho các dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư. Theo đánh giá, lượng vốn này tương đối lớn, đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm.

Ngoài ra, tháng 2 lại trùng với thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán, đồng thời các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang tập trung rà soát để tổng hợp nhu cầu kéo dài thời hạn thực hiện. Theo đánh giá của các chuyên gia, tỷ trọng giải ngân vốn đầu tư công so với kế hoạch 2 tháng đầu năm nay chỉ nhỉnh hơn những năm trước không đáng kể, nhưng về chất lượng đã có sự cải thiện rõ rệt. Điều này cho thấy hoạt động đầu tư công đã vào guồng.

Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Hiện nay, hoạt động đầu tư công đã vào guồng. Đây là yếu tố quan trọng nhằm tạo việc làm cho người lao động, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành kinh tế, từ đó tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024 và những năm tiếp theo.

Để công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2024 thuận lợi, đạt tỷ lệ theo đúng mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đặt ra là đạt 95%, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm, nêu gương người đứng đầu; có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để kết luận thanh tra việc các bộ giao cơ quan không trực thuộc làm chủ đầu tư, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án đúng quy định của pháp luật về xây dựng, đầu tư công, ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục triển khai ngay các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; đôn đốc tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều dự án trọng điểm thiếu vật liệu

Tính tới hiện tại, tốc độ giải phóng mặt bằng của dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột chậm hơn so với yêu cầu của Chính phủ. Việc di dời đường điện cao thế khó khăn, chậm trễ trong khi dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025 và dự án cải tổ Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột chưa hoàn thành chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa.

Một trong những vướng mắc đã tồn tại nhiều năm vẫn chưa được giải quyết là tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, nhất là đất đắp, cát, đá. Bộ Tài chính dẫn ví dụ, tại Đồng bằng sông Cửu Long đang cần khoảng 56 triệu m3 cát, gần 7 triệu m3 đá cho dự án cao tốc, chưa kể nhiều công trình, dự án tại địa phương đang cùng triển khai trong khi cơ chế đặc thù khai thác vật liệu xây dựng thông thường vẫn vướng mắc, chưa được tháo gỡ.

Theo đại diện tỉnh Đồng Tháp, dù có hướng dẫn của Bộ TN&MT về áp dụng cơ chế đặc thù, tuy nhiên, nhiều nội dung còn chưa rõ hoặc mỗi tỉnh có cách hiểu chưa đồng nhất khi đi vào chi tiết về trình tự thủ tục. Điều này khiến địa phương lúng túng khi cấp phép khai thác. Địa phương cũng mong muốn có sự phối hợp trách nhiệm giữa bộ, ngành địa phương khi áp dụng cơ chế đặc thù.

Tình trạng dự án cấp bách nhưng phải chờ cơ chế đã được báo Tiền Phong phản ánh qua việc dự án trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long “lụt” tiến độ vì thiếu cát xây dựng. Nhiều công trình trọng điểm phải dừng thi công, máy móc đắp chiếu vì thiếu vật liệu. Lãnh đạo các địa phương cũng kiến nghị bộ ngành phối hợp thực hiện cơ chế đặc thù để giải quyết tình trạng này. Tuy nhiên, bước sang năm 2024, tình trạng này vẫn tiếp diễn khiến dự án trọng điểm bị chậm phân bổ chi tiết kế hoạch vốn.

Cổ phiếu DGW “phá đỉnh” bất chấp thị trường “đỏ lửa”

Thị trường chứng khoán bất ngờ “đổ đèo” trong phiên giao dịch cuối tuần (8/3) khiến VN-Index mất mốc 1.250 điểm. Bất chấp sự sụt ...

Sóng nâng hạng cùng hệ thống giao dịch mới sẽ nâng đỡ những cổ phiếu nào?

Việc hệ thống giao dịch mới KRX sắp được đưa vào vận hành và mục tiêu phấn đấu sớm nâng hạng thị trường chứng khoán ...

Nhận định chứng khoán phiên 11/3: Xác lập xu hướng điều chỉnh

Theo Chứng khoán SSI, các chỉ báo kỹ thuật RSI và ADX có sự điều chỉnh từ vùng tích cực thể hiện thể hiện xu ...

Thành An

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán