Kết quả được ghi nhận theo bản công bố báo cáo của NIST về đánh giá công nghệ nhận diện khuôn mặt Face Recognition Technology Evaluation (FRTE) 1:1 Verification.
Vượt qua 535 giải pháp nhận diện FaceID trên thế giới và các đơn vị lớn tại Việt Nam phát triển gửi đến NIST, giải pháp nhận diện khuôn mặt CIVAMS nghiên cứu bởi Tập đoàn công nghệ CMC đã lọt top 12 thế giới.
Cụ thể, CIVAMS đạt Rank 12 (tập dữ liệu BORDER-KIOSK, 12/547) và RANK 16 (tập dữ liệu VISA-BORDER, 16/547). Kết quả này vượt xa các công ty công nghệ tại Việt Nam trong cùng bảng xếp hạng (như doanh nghiệp V đứng thứ 28). Đặc biệt, tại Việt Nam, công nghệ nhận diện khuôn mặt của CMC đang xếp ở vị trí đầu bảng.
FRTE 1:1 Verification là một chương trình đo lường và đánh giá chất lượng công nghệ nhận diện khuôn mặt toàn cầu, do NIST thực hiện. Hàng tháng, NIST tiến hành đánh giá độ chính xác của phương pháp nhận diện khuôn mặt tự động từ các công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới. Việc đánh giá được thực hiện trên cơ sở đo lường hiệu suất, độ chính xác, tốc độ, khả năng lưu trữ và tiêu thụ bộ nhớ của các phương pháp nhận diện khuôn mặt, sau đó tập hợp thành các bản báo cáo.
TS. Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC ATI cho biết: “Để đạt được kết quả này, chúng tôi đã vượt qua rất nhiều thách thức về công nghệ để tạo ra sự khác biệt trong độ chính xác, tốc độ nhận dạng, đặc biệt là khả năng tìm kiếm nhanh với dữ liệu lớn 160 triệu khuôn mặt. Đây cũng là một minh chứng cho thấy, với sự quyết tâm cao, cộng với niềm đam mê công nghệ, tinh thần sẵn sàng đương đầu với các thách thức, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt những thứ hạng cao trong lĩnh vực AI nói riêng và lĩnh vực công nghệ cao nói chung”.
Ngoài kết quả đánh giá bởi NIST, ngày 9/11/2023, model nhận dạng FaceID của CMC ATI cũng đạt top 9 thế giới và top 1 Việt Nam trong bảng xếp hạng học thuật trong khuôn khổ xếp hạng Masked Face Recognition Challenge (MFR) do IEEE International Conference on Computer Vision (ICCV) tổ chức, đây là hội nghị Rank A*.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC, Giám đốc Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC ATI cho biết: “Vượt qua nhiều tên tuổi lớn để ghi danh vào Top 12 trên bảng xếp hạng công nghệ toàn cầu của NIST, CMC đã ghi một dấu mốc mới về sự phát triển của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam bằng các sản phẩm có thể cạnh tranh vươn tầm thế giới. Đây không chỉ là sự tỏa sáng, niềm tự hào của đội ngũ nghiên cứu ATI trong lĩnh vực AI mà còn là minh chứng thực tế của những nỗ lực đổi mới và phát triển của Tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam”.
Được biết, Giải pháp CIVAMS là một sản phẩm do Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC ATI phát triển từ năm 2019. Đây là sản phẩm Make in Viet Nam, Made by CMC do Viện CMC ATI làm chủ hoàn toàn công nghệ lõi, có thể triển khai trên nền tảng Cloud hoặc triển khai cục bộ On Premise hoàn toàn tách biệt khỏi Internet để đảm bảo gần như tuyệt đối tính năng riêng tư và bảo mật, tránh hoàn toàn nguy cơ thông tin vào ra, lịch trình đi lại của cán bộ và nhân viên bị lộ lọt ra trên mạng Internet.
Ưu điểm của giải pháp CIVAMS là ngoài độ chính xác đã được NIST đánh giá có độ chính xác top 12 thế giới và top 1 Việt Nam thì CIVAMS còn có tốc độ nhận diện rất nhanh, với dữ liệu 1000 ID, thời gian nhận diện có thể đạt 13 khuôn mặt/giây với độ chính xác 99.98%.
Đặc biệt, CIVAMS còn là một trong số rất ít giải pháp có khả năng nhận diện khuôn mặt với cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), thử nghiệm với 160 triệu ảnh (80 tỷ tham số), CIVAMS có thể nhận dạng ra khuôn mặt chỉ chưa đầy 2 giây, trên một máy Laptop bình thường với 16G RAM, hệ thống hoàn toàn có thể tăng tốc độ nhận diện bằng các máy chủ có cấu hình cao hơn.
Trong thời điểm COVID19, CIVAMS cho phép nhận diện khuôn mặt (cả lúc đeo khẩu trang) để kiểm soát vào ra, chấm công, quản lý chất lượng lao động của các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Công nghệ CMC (2019), UBND TP Hà Nội (2021), CMC Tân Thuận Data Center, Ủy ban Dân tộc, chuỗi bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế tại Hà Nội. Hiện tại, CMC ATI trở thành đối tác quan trọng của nhiều cơ quan doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số.
Thành Nguyễn