Chậm đóng bảo hiểm xã hội phạt tăng gấp 3 lần Trốn, chậm đóng bảo hiểm xã hội phạt đến 75 triệu đồng |
Thời gian qua, theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, việc các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích an sinh hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Theo đó, ngày 25/2, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ra thông báo cho biết, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động, đơn vị này đã ban hành Công văn số 479/BHXH-TST yêu cầu các đơn vị trực thuộc; bảo hiêm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường triển khai các giải pháp, phấn đấu giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2023 xuống mức thấp nhất.
Tại Công văn này, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, vừa qua bảo hiểm xã hội các tỉnh đã bám sát các chỉ đạo triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội. Nhờ thực hiện các giải pháp quyết liệt của toàn ngành, cuối năm 2022, tỷ lệ chậm đóng bảo hiểm xã hội (có tính lãi) của các đơn vị tham gia chỉ chiếm 2,91% trên số phải thu - đây là tỷ lệ chậm đóng thấp nhất từ trước đến nay.
Tới đây, để đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người lao động với quyết tâm tiếp tục phấn đấu giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội xuống mức thấp nhất, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam yêu cầu Giám đốc bảo hiểm xã hội các tỉnh, các đơn vị trực thuộc có liên: Thực hiện nghiêm các quy định, quy trình quản lý thu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả. Hằng tháng, thực hiện việc thông tin, thông báo kết quả đóng bảo hiểm xã hội tới đơn vị sử dụng lao động, người lao động để đơn vị biết và đóng đầy đủ, kịp thời.
Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, đối thoại với đơn vị đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp để phổ biến các quy định, chính sách mới, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Đôn đốc đơn vị đóng bảo hiểm xã hội kịp thời, không để phát sinh số tiền chậm đóng mới. Phối hợp với công đoàn cơ sở, đơn vị đơn vị sử dụng lao động vận động người lao động cài đặt ứng dụng “VssID - BHXH số” trên nền tảng thiết bị di động để người lao động theo dõi, giám sát quá trình đóng và quyền lợi hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Xây dựng kế hoạch cụ thể theo tuần, tháng đối với lãnh đạo và các phòng chức năng liên quan, giao trách nhiệm cho lãnh đạo, cán bộ chuyên quản làm việc, nắm bắt, xử lý thông tin, đôn đốc doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội kịp thời. Xem đây là tiêu chí để đánh giá, chấm điểm thi đua, khen thưởng của tập thể, cá nhân hằng quý và cả năm.
Đối với các đơn vị trực thuộc, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng chỉ đạo, phân công các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, gắn với trách nhiệm của từng đơn vị như: Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ; Vụ Thanh tra - Kiểm tra; Trung tâm Truyền thông; Trung tâm Công nghệ thông tin; Trung tâm Chăm sóc khách hàng đảm bảo thực hiện công việc quyết liệt, hiệu quả.
Cụ thể: Đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện của bảo hiểm xã hội các tỉnh, hàng tháng báo cáo Tổng Giám đốc những địa phương không thực hiện tốt các quy định dẫn đến tăng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội và yêu cầu Giám đốc bảo hiểm xã hội tỉnh trực tiếp giải trình; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để kiểm tra, đôn đốc bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức các cuộc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội đột xuất theo quy định.
Ngoài ra, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị tiếp tục tăng cường công tác truyền thông; phối hợp với bảo hiểm xã hội các tỉnh đăng tải thông tin của các đơn vị chậm đóng, trốn đóng, đơn vị cố tình vi phạm pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hướng dẫn bảo hiểm xã hội các tỉnh tuyên truyền pháp luật về bảo hiểm xã hội trong đó linh hoạt, đa dạng các hình thức tuyên truyền trên mạng xã hội, báo, tạp chí...
Hoàn thiện các chức năng phần mềm đáp ứng việc quản lý, cập nhật theo thời gian, số tiền chậm đóng và trạng thái của từng người lao động tại các đơn vị chậm đóng; tăng cường hướng dẫn và kiểm tra các địa phương thực hiện hoàn thành kế hoạch cài đặt ứng dụng “VssID - BHXH số” trên nền tảng thiết bị di động cho người lao động, người dân.
Trước đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã thành lập các Đoàn Công tác của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam do Tổng Giám đốc và các Phó Tổng Giám đốc làm Trưởng đoàn làm việc với 63 bảo hiểm xã hội tỉnh để đôn đốc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu, thu nợ, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội và công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế… để đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, đảm bảo quyền lợi của người tham gia theo quy định.
Mới đây, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng có Công văn gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc đề xuất các phương án giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động tại các đơn vị sử dụng lao động chưa đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội nhằm giải quyết kịp thời quyền lợi cho người lao động, đồng thời đảm bảo ổn định tình hình an ninh, trật tự địa phương.
Bảo Thoa