Phóng viên: Thưa ông, thời gian qua ngành Ngân hàng trên địa bàn đã có những hoạt động gì để tăng cường kết nối ngân hàng và doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Tuấn Dũng: Thực hiện Công văn số 4315/NHNN-TD ngày 23/5/2024 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang đã có công văn triển khai đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn về việc tiếp tục triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp.
Trong đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục tích cực tổ chức hội nghị Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp do đơn vị tổ chức. Cụ thể, trong tháng 6 vừa qua, có 3 chi nhánh ngân hàng thương mại đã tổ chức hội nghị chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp có hiệu quả, thiết thực với các hình thức phù hợp, gồm BIDV An Giang và BIDV Bắc An Giang phối hợp tổ chức với hơn 30 khách hàng doanh nghiệp tham dự và ký kết hạn mức tín dụng.
Tiếp đó là Sacombank An Giang cũng tiến hàng tổ chức hội nghị chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, qua đó các chi nhánh ngân hàng thương mại đã tập trung phát triển đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với các đối tượng doanh nghiệp. Ðồng thời, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh còn làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; tổ chức làm việc với doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tiếp cận tín dụng ngân hàng. Ðồng thời, duy trì hoạt động của Tổ hỗ trợ doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng trên địa bàn để lắng nghe, giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong quan hệ vay vốn với ngân hàng. Với tinh thần sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ khách hàng, các tổ chức tín dụng đã cho vay dư nợ tín dụng khách hàng pháp nhân ước đạt 29.172 tỷ đồng với 1.534 hồ sơ tín dụng; dư nợ cho vay khách hàng thể nhân ước đạt 88.313 tỷ đồng với 304.691 hồ sơ tín dụng.
Phóng viên: Vậy kết quả các mặt hoạt động của ngành Ngân hàng trên địa bàn ra sao?
Ông Nguyễn Tuấn Dũng: Trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang đã tổ chức triển khai, thực hiện kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh và của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn; trọng tâm là Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024; Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 15-1-2024 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng. Công văn số 1764/NHNN-TD ngày 8/3/2024 của Ngân hàng Nhà nước về việc đẩy mạnh cho vay thu mua, kinh doanh lúa, gạo. Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Tính đến cuối tháng 6/2024, tổng số dư huy động vốn là 72.764 tỷ đồng, tăng 4,92% so cuối năm 2023. Trong đó, số dư huy động vốn trên 12 tháng ước đạt 19.138 tỷ đồng, chiếm 26,30%/tổng vốn huy động. Tổng dư nợ cấp tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 6 năm 2024, ước đạt 117.485 tỷ đồng, tăng 4,41% so với cuối năm 2023. Trong đó, chi nhánh các NHTM Nhà nước và có vốn chi phối Nhà nước ước đạt 49.037 tỷ đồng, chiếm 41,59%; chi nhánh các NHTM cổ phần ước đạt 60.143 tỷ đồng, chiếm 51,32%; NHCSXH tỉnh ước đạt 5.414 tỷ đồng, chiếm 4,63%; QTDND ước đạt 2.815 tỷ đồng, chiếm 2,4%, TCVM CEF Long Xuyên ước đạt 76 tỷ đồng, chiếm 0,06%.
Phóng viên: Ông đánh giá ra sao về chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh?
Ông Nguyễn Tuấn Dũng: Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm, tín dụng tăng chậm, nhưng đi đúng nhu cầu, thế mạnh của địa phương, qua đó hỗ trợ được hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, An Giang có thế mạnh về chế biến xuất khẩu nông, thủy hải sản. Dù không có vùng nguyên liệu quy mô lớn nhưng các doanh nghiệp là đầu mối tiêu thụ nguyên liệu cho các tỉnh trong vùng Ðồng bằng sông Cửu Long để phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu.
Do vậy, hoạt động tín dụng luôn đi đúng hướng và tập trung vào các doanh nghiệp, dự án có thế mạnh của tỉnh. Cụ thể dư nợ cho vay lĩnh vực ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 72.151 tỷ đồng, tăng 2,31% so với cuối năm 2023, chiếm 63,40% tổng dư nợ toàn địa bàn. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo đạt 18.694 tỷ đồng, tăng 12,45% so với cuối năm 2023. Dư nợ cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu đạt 15.379 tỷ đồng, tăng 3,00% so với cuối năm 2023.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023; Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 23/5/2023 của Ngân hàng Nhà nước về việc tăng cường công tác tín dụng theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN. Các TCTD trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 33 doanh nghiệp và 261 cá nhân với số lũy kế dư nợ gốc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 1.624,04 tỷ đồng, dư nợ lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 70,51 tỷ đồng.
Phóng viên: Ông có đánh giá ra sao về nhu cầu tín dụng những tháng cuối năm. Ðồng thời có chỉ đạo gì để các tổ chức tín dụng tiếp tục hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn hiệu quả hơn?
Ông Nguyễn Tuấn Dũng: Qua khảo sát, nhu cầu vốn tín dụng của doanh nghiệp những tháng đầu năm chưa cao nhưng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh tiếp tục làm tốt công tác thông tin, truyền thông, chính sách để doanh nghiệp hiểu, đồng thuận, ủng hộ. Dự kiến trong 6 tháng cuối năm tín dụng sẽ có sự tăng trưởng so với 6 tháng đầu năm.
Ðể triển khai các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ an toàn, thông suốt, hiệu quả gắn với đảm bảo chất lượng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát được tăng cường, cảnh báo rủi ro, chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát nợ xấu, kiểm soát chất lượng tín dụng.
Ðồng thời, đơn vị cũng kiến nghị đến Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các địa phương trong công tác truyền thông chính sách đến khách hàng, người dân, doanh nghiệp, quan tâm đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay, kịp thời hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp tiếp cận các chương trình tín dụng phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và khả năng tiếp cận vốn của khách hàng.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
ThS. Trần Trọng Triết (thực hiện)