Giám sát là một trong những nghiệp vụ chính của BHTGVN, được tiến hành thường xuyên trên cơ sở các nguồn thông tin, dữ liệu về hoạt động của tổ chức tham gia BHTG.
Trước khi có Luật BHTG, hoạt động giám sát từ xa được BHTGVN triển khai với các nội dung: Kiểm soát hồ sơ pháp lí tham gia BHTG; giám sát thực trạng hoạt động của tổ chức tham gia BHTG trên cơ sở thông tin, báo cáo do tổ chức đó cung cấp, các nguồn thông tin từ cơ quan quản lí Nhà nước có thẩm quyền; giám sát việc chấp hành các quy định về BHTG cũng như việc tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn trong
hoạt động ngân hàng; cảnh báo, kiến nghị các rủi ro và những sai phạm, yếu kém cần khắc phục đối với tổ chức tham gia BHTG nhằm đảm bảo an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng.
Thời gian qua, công tác giám sát của BHTGVN không ngừng được đổi mới, hoàn thiện nhằm đáp ứng một cách tốt nhất yêu cầu phân tích, đánh giá tình hình hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG, cảnh báo những rủi ro tiềm ẩn, giữ vững an toàn hệ thống
ngân hàng.
Kết quả giám sát cung cấp nhiều thông tin cảnh báo và hỗ trợ cho nghiệp vụ kiểm tra được tiến hành hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát giúp cung cấp thông tin làm cơ sở để các cơ quan chức năng xử lí và ứng phó kịp thời với những các tổ chức gặp vấn đề.
BHTGVN đã thường xuyên điều chỉnh các chỉ tiêu giám sát để phù hợp với các quy định của
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn hiện nay.
Từ khi Luật BHTG được ban hành, hoạt động giám sát của BHTGVN đã có sự thay đổi căn bản về đối tượng giám sát, nguồn thông tin báo cáo đầu vào và thẩm quyền xử lí sau giám sát. Theo đó, tổ chức tham gia BHTG thuộc đối tượng giám sát của BHTGVN là các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân bằng đồng Việt Nam; không giám sát đối với TCTD phi ngân hàng, bổ sung đối tượng giám sát là tổ chức
tài chính vi mô.
Nguồn thông tin báo cáo đầu vào phục vụ cho công tác giám sát được chia thành hai nguồn: Thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm từ tổ chức tham gia BHTG; thông tin báo cáo về hoạt động của tổ chức tham gia BHTG từ dữ liệu của NHNN, không nhận trực tiếp từ tổ chức tham gia BHTG như quy định trước đây.
Cùng với đó, BHTGVN có chức năng kiến nghị NHNN đối với tổ chức tham gia BHTG vi phạm pháp luật về an toàn trong hoạt động ngân hàng, không cảnh báo trực tiếp tới tổ chức tham gia BHTG theo như quy định trước đây.
Trên cơ sở những quy định của Luật BHTG và các văn bản dưới Luật, BHTGVN đã chủ động áp dụng linh hoạt trong công tác giám sát.
Hiện nay, BHTGVN thực hiện giám sát từ xa đối với 1.280 tổ chức tham gia BHTG (bao gồm 96 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.179 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), 01 ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô) nhằm đưa ra các khuyến nghị về việc tuân thủ các quy định về BHTG và an toàn trong hoạt động; đồng thời, phát hiện kịp thời những yếu kém, sai phạm để kiến nghị NHNN có giải pháp chấn chỉnh, xử lí.
Những năm qua, thông qua triển khai có hiệu quả công tác giám sát song hành cùng các nghiệp vụ BHTG khác, BHTGVN đã góp phần tích cực vào việc giữ vững an toàn, lành mạnh hệ thống các TCTD, bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, đối với các tổ chức tham gia BHTG, kết quả giám sát của BHTGVN là cơ sở để tổ chức tham gia BHTG nhìn nhận các vấn đề tồn tại, thậm chí những rủi ro tiềm ẩn, qua đó, đưa ra các biện pháp khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả vận hành, củng cố năng lực tài chính, năng lực quản trị để hoạt động ngày càng an toàn, bền vững hơn.
Đối với người gửi tiền, với việc giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG, nhận diện và đưa ra cảnh báo với các đơn vị tiềm ẩn rủi ro sẽ giúp người gửi tiền có đầy đủ thông tin về mức độ an toàn của các TCTD, từ đó có cơ sở để lựa chọn nơi gửi tiền an toàn, phù hợp.
Đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, công tác giám sát của tổ chức BHTG sẽ giúp kiểm soát rủi ro của các tổ chức tham gia BHTG, ngăn ngừa nguy cơ đổ vỡ dây chuyền, đe dọa an toàn hệ thống các TCTD; qua đó, góp phần ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế.
Trước yêu cầu thực tế về củng cố nền tảng đối với các TCTD, đảm bảo an toàn hệ thống cũng như bảo vệ quyền lợi người gửi tiền ngày càng được nâng cao, đã tạo cơ hội cho BHTGVN ngày càng phát triển.
Trước hết là, quan điểm ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ, NHNN về việc tăng cường vai trò của BHTGVN trong quá trình tái cơ cấu TCTD yếu kém - thể hiện qua việc bổ sung nhiệm vụ của BHTGVN tại Luật Các TCTD 2017, Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND và Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, Chiến lược ngành Ngân hàng cũng xác định BHTGVN cần tăng cường năng lực tài chính, nâng cao năng lực hoạt động, hoàn thiện mô hình tổ chức, thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, tham gia kiểm soát đặc biệt, phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia BHTG; tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các TCTD yếu kém... theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam.
Đặc biệt, Dự thảo Luật Các TCTD sửa đổi hiện được thảo luận trên diễn đàn Quốc hội khóa XV cũng bổ sung sự tham gia của BHTGVN vào giai đoạn can thiệp sớm đối với TCTD gặp vấn đề. Đây chính là cơ hội để BHTGVN ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong trong hệ thống tài chính, cũng như bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.
Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ, BHTGVN cho biết, sửa đổi Luật BHTG là một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt ra tại Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó xác định sửa đổi, bổ sung Luật BHTG sẽ bao gồm việc nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát, cảnh báo sớm; quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức BHTG trong việc hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của NHNN đối với QTDND giai đoạn 2022 - 2025.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát, cảnh báo sớm; hoàn thiện các phương pháp giám sát rủi ro và bộ chỉ tiêu giám sát, chú trọng phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia BHTG để phù hợp với sự phát triển của
thị trường và yêu cầu NHNN trong từng thời kì đối với giai đoạn 2025 - 2030.
Bên cạnh đó, ứng dụng các mô hình giám sát tiên tiến nhằm đảm bảo các tổ chức tham gia BHTG tuân thủ các quy định của pháp luật về tiền gửi được bảo hiểm; phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia BHTG nhằm bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích của người gửi tiền.
Phúc Vinh