Ngày 14/1, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử theo trình tự phúc thẩm đối với bị cáo Đỗ Thị Là (SN 1982, trú tại phường Bắc Sơn, TP Tam Điệp, Ninh Bình) do có kháng nghị của cơ quan công tố. Trước đó, Đỗ Thị Là bị Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình tuyên phạt 24 tháng tù treo vì tội Gian lận bảo hiểm xã hội.
Theo bản án sơ thẩm, Đỗ Thị Là là kế toán, kiêm nhân viên y tế của Công ty cổ phần phát triển Nam Sơn (trụ sở tại TP Tam Điệp). Trong thời gian từ ngày 1/7/2016 đến tháng 8/2019, bị cáo Là không thực hiện việc khám chữa bệnh cho cán bộ, công nhân viên của Công ty khi họ ốm đau, thai sản nhưng vẫn lập giả 1.025 "giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội" cho 102 người lao động. Sau đó, bị cáo làm thủ tục đề nghị Bảo hiểm xã hội TP Tam Điệp thanh toán tiền trợ cấp cho các đối tượng này. Hành vi trên của bị cáo đã gây thiệt hại cho Bảo hiểm xã hội TP Tam Điệp số tiền gần 400 triệu đồng.
Trong quá trình điều tra, gia đình bị cáo đã khắc phục hậu quả, tự nguyện nộp số tiền chiếm được do gian lận cho Bảo hiểm xã hội TP Tam Điệp. Bản thân bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Đỗ Thị Là phạm tội "Gian lận bảo hiểm xã hội"; xử phạt Đỗ Thị Là 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 48 tháng và cấm bị cáo thực hiện các công việc liên quan đến bảo hiểm xã hội trong thời hạn 1 năm.
Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Là không kháng cáo nhưng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao đã có Quyết định kháng nghị đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại. Theo cơ quan công tố, hành vi của bị cáo Là gian lận Bảo hiểm xã hội nhiều lần, mức án treo là không đúng, không phù hợp. Ngoài ra, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đối với Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Nam Sơn. Theo Viện Kiểm sát, Giám đốc Công ty là người liên quan đến chứng từ, hồ sơ giả, không thể cho rằng không biết để né tránh trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, việc tách hồ sơ một số cán bộ Bảo hiểm xã hội TP Tam Điệp liên quan đến việc giải quyết cho bị cáo Là lấy được 304 triệu đồng để xử lý sau là chưa xử lý vụ án toàn diện. Trên cơ sở đó, Viện Kiểm sát đề nghị hủy án sơ thẩm để giải quyết lại từ đầu.
Tại phiên tòa, bị cáo Là khai bị cáo làm theo “lối cũ”, khi mang hồ sơ ra thì bảo hiểm xã hội vẫn cứ chi trả, giám đốc công ty không biết. Khi nhận tiền thì các cá nhân có tên trên hồ sơ nhận, bị cáo không liên quan, các cá nhân cũng không cho bị cáo tiền này. Việc khắc phục hậu quả là tiền của gia đình bị cáo.
Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử cho rằng theo quy định về giới hạn xét xử, Tòa cấp sơ thẩm không xem xét hành vi của ông Nguyễn Đình T. và một số cán bộ Bảo hiểm xã hội là đúng quy định. Đối với hành vi của bị cáo Là, Tòa cấp phúc thẩm cho rằng bị cáo phạm tội nhiều lần và cộng số tiền lại thì phải chịu xét xử ở khoản 2 điều 214, việc cộng số tiền chiếm đoạt không được coi là tình tiết tăng nặng. Bộ luật hinh sự cũng quy định việc xét xử theo hướng có lợi cho bị cáo. Do đó, Tòa phúc thẩm cho rằng bản án sơ thẩm đã xét xử đúng pháp luật, đúng người, đúng tội, hậu quả đã được khắc phục. Bị cáo được hưởng án treo là phù hợp. Tòa cấp phúc thẩm xác định không có căn cứ để chấp nhận kháng nghị, và quyết địn giữ nguyên bản án sơ thẩm, bị cáo Là bị xử phạt 24 tháng tù cho hưởng án treo.
Điều 214 Bộ luật hình sự quy định “Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp”: 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: a) Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội; b) Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; e) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp 500.000.000 đồng trở lên; b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
Bùi Trang
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ