Gian lận thông qua môi trường mạng là rủi ro rửa tiền lớn nhất tại Singapore

26/06/2024 - 19:48
(Bankviet.com) Singapore vừa công bố báo cáo Đánh giá rủi ro quốc gia (NRA) cập nhật về phòng, chống rửa tiền - một phần trong nỗ lực không ngừng của quốc gia này nhằm duy trì tính hiệu quả của cơ chế phòng, chống rửa tiền (AML) trong bối cảnh rủi ro ngày càng gia tăng.

Singapore, với tư cách là một trung tâm tài chính quốc tế và là một trung tâm thương mại và trung chuyển với nền kinh tế hướng ngoại cao khiến quốc gia này phải đối mặt với rủi ro về việc bọn tội phạm lợi dụng sự cởi mở về kinh tế, hệ thống tài chính và cơ sở hạ tầng kinh doanh để rửa tiền hoặc di chuyển các quỹ và tài sản bất hợp pháp.

Singapore cũng đối mặt với rủi ro là nơi bọn tội phạm chuyển tiền bất hợp pháp sang các tài sản khác, như bất động sản hoặc đá quý và kim loại quý. Những thay đổi trong bối cảnh kinh tế và địa chính trị đã làm tăng những rủi ro này, trong khi việc sử dụng công nghệ ngày càng tăng đã cho phép thực hiện các giao dịch xuyên biên giới nhanh chóng và có giá trị lớn, thường liên quan đến việc sử dụng các cấu trúc rửa tiền tinh vi.

Báo cáo cập nhật nhấn mạnh, các mối đe dọa rửa tiền chính của Singapore bắt nguồn từ gian lận, đặc biệt là gian lận được kích hoạt trên mạng trong và ngoài nước, được dàn dựng bởi các tập đoàn tội phạm thường ở nước ngoài. Các mối đe dọa về rửa tiền quan trọng khác liên quan đến tội phạm nguồn nước ngoài như tội phạm có tổ chức, tham nhũng, tội phạm thuế và rửa tiền qua hoạt động thương mại.

Cụ thể, Văn phòng báo cáo giao dịch đáng ngờ (STRO) và cơ quan thi hành pháp luật ở Singapore lưu ý đến việc lạm dụng mạng lưới con la và việc sử dụng những người “mượn danh” trong các thỏa thuận được dàn xếp chặt chẽ này. Mối đe dọa này đã trở nên trầm trọng hơn bởi những tiến bộ trong số hóa, cho phép những kẻ có động cơ xấu mở rộng phạm vi tiếp cận với công chúng thông qua việc lạm dụng các nền tảng truyền thông xã hội và vượt qua biên giới để rửa những lợi ích bất chính.

Nhận thấy các mối đe dọa rửa tiền gây ra bởi gian lận qua mạng là một vấn đề toàn cầu, Singapore, cùng với INTERPOL và Nhóm đơn vị tình báo tài chính Egmont, đã chủ trì xây dựng Báo cáo về các dòng tài chính bất hợp pháp từ gian lận qua mạng do FATF ban hành, để chia sẻ các chiến lược hiệu quả nhằm chống lại mối đe dọa này.

Một mối đe dọa rửa tiền quan trọng khác mà Singapore phải đối mặt phát sinh từ tội phạm có tổ chức nước ngoài và đặc biệt là cờ bạc trực tuyến bất hợp pháp. Trong vụ rửa tiền gần đây, liên quan đến tài sản bị tịch thu và bị cấm trị giá hơn 3 tỷ đô la Singapore, một số người đã bị kết án về tội rửa tiền bị nghi ngờ là hưởng lợi từ hoạt động đánh bạc trực tuyến bất hợp pháp từ các nhóm tội phạm có tổ chức nước ngoài. Trong các khoản tiền này, một số được giữ trong tài khoản ngân hàng ở Singapore. Những khoản khác được chuyển đổi thành tài sản như bất động sản, ô tô, túi xách và đồ sưu tầm. Ngoài ngân hàng, các lĩnh vực khác cũng tham gia vào việc quản lý tài sản của người phạm tội (ví dụ: họ đã thuê nhà cung cấp dịch vụ doanh nghiệp để thành lập doanh nghiệp ở Singapore, qua đó để nắm giữ, mua tài sản thông qua nhân viên bán bất động sản và đặt tiền vào các loại mặt hàng có giá trị cao khác thông qua các đại lý đá quý và kim loại quý).

Cũng giống như ở quốc tế, các loại hình rửa tiền phổ biến nhất ở Singapore bao gồm: (i) tiền bất hợp pháp chảy vào hoặc qua Singapore thông qua tài khoản ngân hàng; (ii) lạm dụng các pháp nhân như công ty vỏ bọc để chuyển tiền bất hợp pháp; và (iii) chuyển tiền bất hợp pháp vào các tài sản có giá trị cao như bất động sản, đá quý và kim loại.

Lĩnh vực ngân hàng (bao gồm cả mảng quản lý tài sản) được đánh giá là có rủi ro rửa tiền cao nhất. Các ngân hàng có nguy cơ gặp phải các mối đe dọa rửa tiền cao hơn và dễ bị bọn tội phạm khai thác hơn do vai trò của các định chế tài chính trong việc tạo điều kiện cho khối lượng giao dịch lớn trong hệ thống tài chính và phục vụ những khách hàng có rủi ro rửa tiền cao hơn, bao gồm cả những khách hàng từ các khu vực pháp lý có rủi ro rửa tiền cao.

Trong số các ngành nghề và doanh nghiệp phi tài chính được chỉ định (DNFBP), các nhà cung cấp dịch vụ doanh nghiệp có rủi ro rửa tiền cao hơn do vai trò của loại hình doanh nghiệp này trong việc cung cấp các dịch vụ thượng nguồn như thành lập công ty. Các lĩnh vực DNFBP khác có rủi ro cao hơn bao gồm bất động sản, công ty ủy thác được cấp phép, sòng bạc và lĩnh vực đá quý,kim loại.

Trong lĩnh vực tài chính, lĩnh vực có rủi ro cao hơn cần lưu ý là các nhà cung cấp dịch vụ mã token thanh toán kỹ thuật số (DPT), hoặc nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo. Số trường hợp được báo cáo liên quan đến DPT đã gia tăng và có nhiều cách thức mà DPT có thể bị lợi dụng. Do đó, mặc dù các hoạt động của DPT ở Singapore chỉ chiếm một phần nhỏ trong các hoạt động toàn cầu nhưng chính quyền Singapore đang giám sát chặt chẽ các rủi ro liên quan đến lĩnh vực này. Các lĩnh vực khác trong ngành tài chính có rủi ro rửa tiền cao là các tổ chức thanh toán cung cấp dịch vụ chuyển tiền xuyên biên giới (bao gồm cả đại lý chuyển tiền) và các nhà quản lý tài sản bên ngoài.

Để giải quyết các rủi ro đã được xác định, Singapore cam kết xem xét và đưa ra các biện pháp thích hợp, bao gồm các nỗ lực liên tục nhắm đến mục tiêu rủi ro nhằm giúp các Tổ chức Tài chính và DNFBP trở nên nhạy cảm hơn với các rủi ro rửa tiền chính, mới nổi lên cũng như cho phép các cơ quan giám sát và thực thi pháp luật phát hiện, ngăn chặn và thực thi các biện pháp kịp thời hơn trước các hoạt động bất hợp pháp.

Vân Anh

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ