Sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ sẽ đi vào hoạt động trong tháng 7 Vận hành sàn giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ: Bước tiến lớn trong minh bạch thị trường trái phiếu DN Hơn 170 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, giá trị đạt gần 185.000 tỷ đồng |
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, quy mô giao dịch thị trường trái phiếu tháng 3 đạt 10.900 tỷ đồng, tăng trên 16% so với tháng trước đó. Đến ngày 22/3, 20 doanh nghiệp phát hành trái phiếu đạt 16.100 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về phát hành trái phiếu quý đầu năm, chiếm hơn 67%, tiếp theo là xây dựng gần 11%.
Bình quân 3 tháng, thị trường đạt 9.800 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2023. Lãi suất phát hành trung bình khoảng 10,57% một năm. 70% trái phiếu phát hành có tài sản đảm bảo. Lượng trái phiếu mua lại trước hạn 17.600 tỷ đồng, giảm gần 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ Tài chính nhận định, kết quả phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong quý I tương đối khả quan so với tình trạng đóng băng cùng kỳ năm ngoái khi hầu như không có đợt phát hành nào.
Tính tới cuối 2023, quy mô kênh trái phiếu doanh nghiệp đạt 11% GDP. Chính phủ đặt mục tiêu tăng quy mô thị trường này lên 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
Giao dịch trái phiếu quý I tăng 50%, đạt gần 10.000 tỷ đồng |
Theo Công ty Xếp hạng tín nhiệm VIS Ratings, năm nay thị trường trái phiếu doanh nghiệp bước vào chu kỳ phát triển mới với triển vọng tín dụng cải thiện. Việc này sẽ hỗ trợ khả năng trả nợ và tìm kiếm nguồn tài chính mới của doanh nghiệp.
Dù vậy, áp lực đáo hạn trái phiếu vào cuối năm nay rất lớn, khoảng 200.000 tỷ đồng, tăng 4% so với năm ngoái, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán MSB, Áp lực trả nợ, lãi trái phiếu sẽ rơi vào quý II, với 74.000 tỷ đồng và quý III là 52.000 tỷ.
Trước đó, năm 2023, sau giai đoạn “khủng hoảng niềm tin với thị trường trái phiếu”, nhờ các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã “hạ cánh mềm”, với giá trị phát hành gần 310.000 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2022. Khối lượng phát hành chủ yếu đến từ các tổ chức tín dụng với mức an toàn cao, nhưng cũng xuất hiện một số doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn để phục vụ sản xuất - kinh doanh.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp và nền kinh tế với dư địa phát triển dự kiến đạt 20% và 25% GDP lần lượt vào năm 2025 và năm 2030 so với mức 11% hiện tại. “Không thể phủ nhận, trái phiếu doanh nghiệp đã và đang là kênh huy động vốn dài hạn tốt cho doanh nghiệp và là kênh đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất huy động ở mức thấp dự báo kéo dài đến giữa năm 2024, nhu cầu giải ngân vẫn tương đối lớn”, một chuyên gia kinh tế nhận định.
Đồng thời cho biết, thời gian gần đây, áp lực nợ xấu, trái phiếu đến hạn năm 2024 khiến nhà đầu tư thận trọng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, “về dài hạn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng minh bạch và phát triển bền vững hơn sau khi có những thay đổi về quy định pháp lý, đem lại những tín hiệu tích cực cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, vị chuyên gia nói.