Giao dịch từ 300 triệu đồng phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước là phù hợp thực tiễn

08/12/2022 - 03:15
(Bankviet.com) Theo luật sư, giao dịch từ 300 triệu đồng phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước là phù hợp và chỉ áp dụng khi khách hàng thực hiện giao dịch không thường xuyên.
Chống rửa tiền: Giao dịch từ 300 triệu đồng phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước

Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống rửa tiền.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, Luật Phòng, chống rửa tiền số 14/2022/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 15/11/2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/03/2022 thay thế cho Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012.

Giao dịch từ 300 triệu đồng phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước là phù hợp thực tiễn
Theo luật sư, quy định này góp phần nâng cao trách nhiệm của các tổ chức tài chính, các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan

Do đó, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo cần phải được xây dựng và ban hành để có cùng thời điểm hiệu lực với Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) là 01/3/2023.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc xây dựng Quyết định nhằm hướng dẫn chi tiết mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền; phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện trên cơ sở bảo đảm sự độc lập, tự chủ về kinh tế cũng như bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền nói riêng và công tác phòng, chống tội phạm nói chung.

Cụ thể, mức giá trị giao dịch phải báo cáo quy định tại dự thảo được giữ nguyên theo Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg là 300.000.000.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc giữ nguyên mức giá trị này xuất phát từ những lý do sau: Căn cứ vào quá trình triển khai Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg thời gian qua và tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam, việc giữ mức giá trị giao dịch bằng tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt một hoặc nhiều lần trong một ngày của khách hàng là 300.000.000 là phù hợp.

Mặt khác, theo khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) thì ngưỡng giá trị giao dịch phải báo cáo được khuyến nghị là 15.000 USD (tương đương 375.000.000 đồng) cao hơn mức quy định tại dự thảo Quyết định.

Tuy nhiên, nếu tăng mức giao dịch phải báo cáo lên 400.000.000 thì sẽ cao hơn ngưỡng của giá trị giao dịch phải báo cáo của FATF.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị giữ nguyên mức giá trị như quy định tại Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg để phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu Khuyến nghị của FATF.

Chỉ áp dụng với khách hàng giao dịch không thường xuyên

Đồng tình với quan điểm của dự thảo, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho hay, dự thảo có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về an ninh, an toàn tài chính quốc gia. Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền và công tác phòng, chống tội phạm.

Theo đó, việc xây dựng quyết định nhằm hướng dẫn chi tiết mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo theo quy định tại Khoản 2, Điều 25 của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, trong đó mức giá trị giao dịch phải báo cáo quy định tại dự thảo được giữ nguyên theo Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg là 300.000.000 đồng.

Cụ thể, dự thảo quy định về trách nhiệm của tổ chức tài chính phải nhận biết khách hàng trong một số trường hợp nhất định như: Khi thực hiện chuyển tiền điện tử nhưng thiếu một trong số thông tin về tên, địa chỉ của người khởi tạo, số tài khoản của người khởi tạo hoặc mã giao dịch trong trường hợp người khởi tạo không có tài khoản; khi nghi ngờ giao dịch hoặc các bên liên quan đến giao dịch có liên quan đến hoạt động rửa tiền; khi nghi ngờ về tính chính xác hoặc tính đầy đủ của các thông tin nhận biết khách hàng đã thu thập trước đó…

"Đặc biệt là trong trường hợp khi khách hàng thực hiện giao dịch không thường xuyên có tổng giá trị từ 300.000.000 (ba trăm triệu) đồng trở lên trong một ngày... " - luật sư Tiền chỉ ra và phân tích, khái niệm về “giao dịch không thường xuyên” đã được quy định rõ, đó là giao dịch thực hiện bởi khách hàng không có tài khoản hoặc có tài khoản, ví điện tử giao dịch sau thời gian 6 tháng không thực hiện bất kỳ giao dịch nào.

Còn đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh kim khí quý và đá quý, phải nhận biết khách hàng khi khách hàng thực hiện giao dịch bằng tiền mặt mua hoặc bán kim khí quý, đá quý có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên trong một ngày.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân kinh doanh trò chơi có thưởng bao gồm trò chơi điện tử có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; casino; xổ số; đặt cược phải nhận biết khách hàng khi khách hàng thực hiện giao dịch với tổng giá trị từ 60 triệu đồng trở lên trong một ngày.

Phù hợp với thực tiễn

Đánh giá về dự thảo quy định giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo Ngân hàng Việt Nam, luật sư Trần Xuân Tiền cho rằng, quy định này được xây dựng và ban hành trong thời điểm hiện tại là phù hợp với hoàn cảnh, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam, đảm bảo thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền; đáp ứng được yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện,…

Hơn nữa, về mức giá trị giao dịch được giữ nguyên là 300 triệu đồng cũng được coi là phù hợp, căn cứ vào quá trình triển khai Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg thời gian qua và tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam cũng như đảm bảo ngưỡng giá trị giao dịch theo khuyến nghị của FATF.

"Nếu dự thảo được thông qua và đi vào thực thi sẽ tạo căn cứ pháp lý vững chắc cho công tác quản lý nhà nước đối với các giao dịch về tiền tệ, nâng cao trách nhiệm, vai trò của các cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam" - luật sư Tiền nhấn mạnh.

Đồng thời, theo luật sư Tiền, quy định này cũng góp phần nâng cao trách nhiệm của các tổ chức tài chính, các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan và đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình hoạt động.

Khi có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo sẽ nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống tội phạm, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu rửa tiền để có biện pháp ngăn ngừa, xử lý, hạn chế hậu quả xảy ra, bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia.

Theo đó, trước những lo ngại của người dân về việc tài sản của mình luôn bị theo dõi, hay những lo ngại của ngân hàng rằng sẽ mất khách và những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, luật sư Tiền cho rằng, những lo ngại này là không cần thiết.

"Bởi lẽ, báo cáo trên được xây dựng không nhằm hạn chế giao dịch tiền mặt, con số 300.000.000 đồng cũng không phải là con số giới hạn trong các giao dịch về tiền tệ, và việc báo cáo chỉ áp dụng trong trường hợp khách hàng thực hiện giao dịch không thường xuyên" - luật sư Tiền thông tin.

Và hơn hết, đây là trách nhiệm của tổ chức tín dụng đối với cơ quan giám sát, nếu có vấn đề gì bất thường, có dấu hiệu vi phạm mới tiến hành xử lý, hoàn toàn không cản trở, gây khó khăn cho người dân hay cho hoạt động của các tổ chức tín dụng và các tổ chức khác có liên quan.

Đỗ Nga

Theo: Báo Công Thương