Tóm tắt: Thế giới đang trải qua những năm tháng của nền kinh tế tri thức, công nghệ phát triển một cách mạnh mẽ. Cùng với đó là sự ra đời của nhiều doanh nghiệp kỳ lân, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo với những mô hình kinh doanh độc đáo. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra: Yếu tố nào dẫn tới sự ra đời của nhiều startup chất lượng như vậy? Do chính sách của Chính phủ, vai trò của doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư, từ chính các startup hay từ những bước đi của các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học? Bài viết này lý giải theo cách tiếp cận về giáo dục khởi nghiệp - yếu tố quan trọng hàng đầu đối với nhiều quốc gia, qua đó gợi mở một số kinh nghiệm có thể giúp ích cho Việt Nam.
Từ khóa: đổi mới sáng tạo, giáo dục khởi nghiệp, startup
EDUCATION FOR INNOVATIVE STARTUPS - INTERNATIONAL EXPERIENCE AND LESSONS FOR VIETNAM
Abstract: The world is going through years of a knowledge-based economy, together with fast and strong development of technology. Along with that, many unicorns and innovative businesses with unique business models are emerged. Many questions are being raised: What factors lead to the birth of such high-quality startups? Is it the government's policies, the role of large corporations, investors, or the steps taken by research institutions and universities themselves? This article explains, from the perspective of entrepreneurial education - a truly important factor for many countries, thereby also suggesting some valuable experiences that can be helpful for Vietnam's conditions.
Keywords: start-up, innovation, experience
1. ĐẶT VẤN ĐỀ VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
Khởi nghiệp mang lại rất nhiều giá trị cho bản thân cũng như nhiều lợi ích cho xã hội và cho người lao động. Hoạt động khởi nghiệp đang ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững ở nhiều quốc gia. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh sự đóng góp của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong phát triển kinh tế, đặc biệt thông qua tạo việc làm và tăng tính đa dạng của nền kinh tế, vì vậy thúc đẩy khởi nghiệp đã trở thành mục tiêu quan trọng. Trong những năm gần đây, Việt Nam cũng thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khởi nghiệp, đặc biệt khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới, tích hợp công nghệ...
Có nhiều cách phân loại về khởi nghiệp và giữa chúng có một số đặc điểm khác nhau. Một số cách phân loại cơ bản như sau: Khởi nghiệp thiếu kiến thức và vì kế sinh nhai với Khởi nghiệp trên cơ sở có kiến thức nghề nghiệp; Khởi nghiệp ở phạm vi quốc tế với Khởi nghiệp ở phạm vi thị trường trong nước; Khởi nghiệp bằng cách tạo doanh nghiệp mới độc lập với Khởi nghiệp nội bộ trong công ty; Khởi nghiệp dạng truyền thống với Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là yếu tố có vai trò quan trọng thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - từ cấp độ các trường phổ thông tới bậc đại học, cũng như các hình thức giáo dục khởi nghiệp khác. Trước hết, bài viết sẽ tổng hợp lại kinh nghiệm quốc tế về giáo dục khởi nghiệp; Sau đó sẽ có nhiều bài học rút ra cho Việt Nam.
2. KHÁI QUÁT KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ GIÁO DỤC KHỞI NGHIỆP
Những quốc gia có kết quả khởi nghiệp mạnh mẽ với nhiều thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp đều có một công thức chung là sự tập trung cho giáo dục khởi nghiệp được quan tâm, hướng đến đối tượng thanh niên làm nòng cốt, bắt đầu từ cấp học THPT. Một số quốc gia tiêu biểu như Mỹ, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan có một số điều đáng để Việt Nam tham khảo, học hỏi.
Đầu tiên là Mỹ. Quốc gia này giáo dục khởi nghiệp cho học sinh cấp THPT tập trung vào phát triển kỹ năng mềm, tư duy sáng tạo và khả năng làm việc nhóm. Giảng viên thường sử dụng các phương pháp dạy học tương tác và thực hành để khuyến khích học sinh tham gia tích cực và rèn kỹ năng quan trọng. Tại cấp độ đại học, phương pháp giảng dạy thường kết hợp giữa lý thuyết và thực tế. Sinh viên thường tham gia vào các bài giảng, thảo luận nhóm, nghiên cứu trường hợp và dự án thực tế để áp dụng kiến thức vào thực tế kinh doanh. Cũng bởi vì môi trường kinh doanh ở Mỹ là đa dạng, cạnh tranh, văn hóa nước Mỹ khuyến khích sáng tạo nên nguồn tài nguyên về vốn, nhân lực hỗ trợ để các trường đại học được tiếp cận khởi nghiệp có phần thoải mái, qua đó khuyến khích được sinh viên mạnh dạn đưa ý tưởng vào thực tế kinh doanh, đưa ra được nhiều giải pháp độc đáo tới thị trường. Chúng ta đều biết các trường đại học hàng đầu của Mỹ như Havard, MIT, Stanford… có nhiều sinh viên khởi nghiệp thành công, đem lại những sản phẩm hữu dụng cho cả thế giới (Trần Đức Chiều, 2018).
Một quốc gia tại châu Âu đáng được học hỏi về khởi nghiệp và giáo dục khởi nghiệp là Đan Mạch. Là một trong những quốc gia có tỷ lệ khởi nghiệp cao nhất thế giới, Đan Mạch có một hệ thống giáo dục khởi nghiệp phát triển và đa dạng, bao gồm các chương trình đào tạo khởi nghiệp tại các trường đại học và các trung tâm khởi nghiệp. Đan Mạch cũng có một hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp rộng lớn, bao gồm các chương trình tài trợ và các cơ quan chính phủ hỗ trợ. Khởi nghiệp và giáo dục khởi nghiệp của Đan Mạch giải quyết các vấn đề sáng tạo và kinh doanh bền vững. Ngoài cơ quan của Chính phủ, các trường đại học, thì hệ thống Hiệp hội của đất nước này cũng có những đóng góp rất lớn, họ tham gia sâu rộng vào hỗ trợ các trường đại học trong nước cũng như có những đóng góp lớn trong những dự án có ý nghĩa và sức lan tỏa lớn, như dự án Global Pathways, một dự án về giáo dục khởi nghiệp lồng ghép giáo dục doanh nhân kinh doanh bền vững do Liên minh châu Âu tài trợ (Vietnam Plus, 2023).
Thái Lan, một trong những quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, đưa giáo dục khởi nghiệp vào giảng dạy cho học sinh, sinh viên từ những năm 2000 với những chương trình mang tính thực chiến cao. Các trường đại học đều có vườn ươm doanh nghiệp với mục đích kết nối với chính phủ và doanh nghiệp thông qua các Công viên khoa học nhằm hỗ trợ hạ tầng tiện ích, giúp giảm thiểu nguy cơ cho các startup. Nhiều trường đại học xây dựng những khóa học và các hoạt động nhằm huấn luyện tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên và gắn kết với sự phát triển của địa phương, khu vực.
Trong những năm gần đây, khởi nghiệp và giáo dục khởi nghiệp của Thái Lan đã gắn chặt với chiến lược quốc gia Thailand 4.0. Chính phủ đã dành ngân sách để hỗ trợ trực tiếp các trường đại học thương mại hóa kết quả nghiên cứu của giảng viên và sinh viên trong trường kết hợp với các đối tác doanh nghiệp. Cuộc cách mạng 4.0 đã là làn gió thúc đẩy mạnh mẽ cho Thailand4.0 và các trường đại học, các doanh nhân trẻ ứng dụng các công nghệ mới, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, AI. Điểm đặc biệt của Thái Lan là họ khá rõ ràng cho những dự án tập trung phát triển địa phương, nội địa, hay hướng tới toàn cầu, qua đó có những hỗ trợ phù hợp (Phạm Văn Hiền, 2021).
3. MỘT SỐ KINH NGHIỆM RÚT RA VÀ ĐỀ XUẤT KHUYẾN NGHỊ CHO VIỆT NAM
Qua việc tham khảo về giáo dục khởi nghiệp của các quốc gia, có thể thấy một số đặc điểm nổi bật sau:
- Các cấp học khác nhau, bao gồm cấp phổ thông và đại học, có mục tiêu và chuẩn đầu ra riêng về kiến thức và kỹ năng được trang bị cho người học. Do đó, các yêu cầu đối với các thành phần chương trình đào tạo cũng khác nhau, bao gồm giảng viên, tài liệu, nội dung và phương pháp giảng dạy. Chủ đề về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hướng tới kinh doanh bền vững được đưa vào ngay từ cấp học phổ thông.
- Vai trò của nhà trường đối với việc đào tạo sinh viên về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rất quan trọng, đặc biệt là trong trường hợp các trường đại học. Sự chủ động của nhà trường trong việc kết nối với cựu sinh viên, các doanh nhân thành công và các bên liên quan thông qua mô hình vườn ươm tại trường là điều cần thiết. Điều này giúp hỗ trợ sinh viên phát triển nghiên cứu của mình thành các ý tưởng khả thi và mô hình kinh doanh có thể triển khai.
- Chính phủ, các bộ ngành, địa phương chú trọng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp một cách đồng bộ, trong đó coi việc giáo dục và đào tạo khởi nghiệp là một thành tố quan trọng. Chính phủ, qua các bộ, ngành liên quan như Bộ Kinh tế, Bộ Giáo dục, Bộ Khoa học và Công nghệ… đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính sách và hỗ trợ tài chính cho giáo dục và đào tạo khởi nghiệp. Họ tạo ra các chương trình và quỹ để hỗ trợ các trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức khởi nghiệp trong việc cung cấp kiến thức, kỹ năng và nguồn lực cho các startup. Ngoài ra, các địa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng môi trường khởi nghiệp thông qua việc cung cấp không gian làm việc chung, tổ chức sự kiện networking và hỗ trợ tài chính cho các startup. Sự phối hợp và đồng bộ giữa chính phủ, các bộ ngành và địa phương là cần thiết để tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ và hỗ trợ phát triển khởi nghiệp.
Giáo dục khởi nghiệp nói chung, đặc biệt khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần được thực thi có tính hệ thống ngay từ trong trường học phổ thông tới các cấp học cao hơn và cần có những điều kiện cần thiết trong giảng dạy để cung cấp cho học sinh, sinh viên. Đó là tiêu chuẩn về giảng viên, tài liệu giảng dạy, phương pháp giảng dạy và xác định được các thang bậc, mục tiêu mà người học cần đạt tới trong mỗi giai đoạn. Mặc dù mục tiêu của giáo dục khởi nghiệp đã được cụ thể hóa và truyền thông tới các trường (theo đề án 1665 của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/10/2017 về “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”), tuy vậy, nhìn chung kết quả đạt được chưa được phổ rộng tới các trường thuộc các cấp học và các địa phương trong cả nước và cũng chưa xác định được rõ giữa các cấp trường, khối trường. Một số địa phương có kết quả và truyền thông mạnh mẽ như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, tuy vậy, các tỉnh thành khác thì kết quả còn khá rời rạc.
Qua tham khảo những bài học thành công của một số quốc gia, xét trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, tác giả có một số đề xuất như sau:
Thứ nhất, đối với cấp học phổ thông. Cần cung cấp cho học sinh các kỹ năng xã hội, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, quản trị cảm xúc, và tư duy sáng tạo. Những kỹ năng này cần được áp dụng và thực hành trong các tình huống liên quan đến các buổi học giới thiệu về kinh doanh cho học sinh. Tiếp theo, cần giới thiệu cho các em một số kiến thức cơ bản về khởi nghiệp – gắn với mô hình đổi mới sáng tạo. Đồng thời, cần truyền cảm hứng cho học sinh bằng cách chia sẻ những thành công cụ thể về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kinh doanh bền vững tại địa phương (có thể truyền đạt trực tiếp) hoặc từ các trường hợp thành công ở địa phương khác hoặc quốc gia khác (qua kết nối trực tuyến).
Để đạt được mục tiêu về kiến thức và kỹ năng cho học sinh, cần các giải pháp về nguồn giảng viên, chuyên gia, tài liệu học tập, và phương pháp giảng dạy. Đối với giảng viên tại các trường phổ thông, cần lựa chọn những giáo viên phù hợp và đào tạo cho họ về phương pháp và tài liệu giảng dạy theo quy chuẩn. Nếu không thể tìm được giáo viên phù hợp, trường có thể đề nghị hoặc hợp tác với các trường đại học hoặc đơn vị khác để tiếp cận các giảng viên đáp ứng tiêu chuẩn giảng dạy và hỗ trợ nhà trường. Mặc dù việc giảng dạy này không phải là môn học chính khóa và không tính điểm, nhưng điều này mang ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của giáo viên và học sinh về phát triển kinh tế và kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới sáng tạo trong giáo dục đang được khuyến khích và nhân rộng ở nước ta.
Thứ hai, đối với cấp học cao đẳng và đại học. Tại cấp độ này, các trường đại học cần giáo dục về khởi nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo và liên quan đến kinh doanh bền vững. Áp dụng công nghệ và ứng dụng nghiên cứu để xây dựng các mô hình kinh doanh giải quyết các vấn đề thực tế trong cuộc sống và theo hướng phát triển xanh, bền vững.
Mặc dù mục tiêu của giáo dục và triển khai khởi nghiệp không phải lúc nào cũng tạo ra các nhóm sinh viên khởi nghiệp hoặc thành lập các doanh nghiệp mới ngay tại trường, nhưng sẽ truyền cảm hứng, rèn kỹ năng, cung cấp kiến thức và thúc đẩy tinh thần ham học hỏi và khám phá của sinh viên. Điều này sẽ khuyến khích họ tham gia khởi nghiệp và kinh doanh bền vững trong tương lai hoặc đóng góp tích cực cho hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ngay sau khi tốt nghiệp. Đó có thể là việc làm nhân viên ban đầu cho các startup, việc trở thành các nhà đồng sáng lập, nhà đầu tư thiên thần, nhà hoạch định chính sách và nhiều vai trò khác.
Ngoài việc đưa môn học khởi nghiệp vào giảng dạy tại trường với nội dung phù hợp – gắn với các cấp độ đổi mới sáng tạo cho sinh viên của các ngành khác nhau, các trường đại học cần tạo ra không gian để sinh viên trong và ngoài trường có nhiều cơ hội tương tác và chia sẻ kiến thức liên ngành về kinh doanh, tài chính, công nghệ, môi trường, nông nghiệp, giáo dục, y học và nhiều lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, cần mở rộng kết nối với các chuyên gia là nhà cố vấn khởi nghiệp, nhà đầu tư thiên thần và các doanh nhân. Các trường cần thành lập các bộ phận hoặc trung tâm hỗ trợ sinh viên về đào tạo, tư vấn và cố vấn với các tình huống cụ thể của doanh nghiệp. Điều này cũng giúp sinh viên áp dụng những kiến thức lý thuyết được trang bị từ giảng viên. Các trung tâm này có thể được xem như những vườn ươm - nơi kết nối nguồn cung và cầu về tri thức, và cần được triển khai, mở rộng trong các trường theo cách tiếp cận đổi mới sáng tạo, tiếp cận nguồn lực đa dạng và thực tiễn.
Thứ ba, cần sự phối hợp hiệu quả của các bộ ngành, địa phương, nhà trường trong triển khai giáo dục khởi nghiệp, đặc biệt khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho học sinh, sinh viên. Các chính sách đã được ban hành từ cấp độ Trung ương, địa phương nên việc thực thi chính sách thông qua truyền thông, phối hợp và kế hoạch tổ chức thực hiện là vấn đề cần được tính đến để đảm bảo tính nhất quán và hiệu quả về mặt kinh phí tổ chức cũng như thời gian, chất lượng. Các cuộc thi, các đề án hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, hay đối với các tỉnh thành phố cần sự phối hợp để đảm bảo đào tạo đúng đối tượng, hỗ trợ đúng nhóm cần, nhóm ưu tiên tại các trường và đạt được những mục tiêu của mỗi đề án trong hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có hỗ trợ nhóm học sinh, sinh viên.
KẾT LUẬN
Để phát triển kinh tế bền vững cần có một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và kinh doanh bền vững, giáo dục khởi nghiệp có vai trò không nhỏ trong đó. Nguồn nhân lực chất lượng cao trong vai trò sản xuất và tiêu dùng bền vững sẽ tiếp tục là những mục tiêu về giáo dục khởi nghiệp của Việt Nam trong những năm tới đây. Qua tham khảo kinh nghiệm giáo dục khởi nghiệp của Mỹ, Đan Mạch và Thái Lan, bài viết đã gợi mở một số bài học mà giáo dục khởi nghiệp của Việt Nam có thể tham khảo về các kiến thức và kỹ năng cần giáo dục cho mỗi nhóm đối tượng, về sự phối hợp của các bên liên quan và về sự chủ động của các trường. Chúng ta cùng hy vọng thế hệ học sinh, sinh viên của Việt Nam tới đây với những bước tiến của mình sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh và tiềm năng của đất nước, sớm có nhiều những kỳ lân khởi nghiệp xuất hiện trên bản đồ thế giới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Honjo, Y. (2015). Why are entrepreneurship levels so low in Japan? Japan and the World Economy, 36, 88–101. https://doi.org/https://doi.or...
2. Phạm Văn Hiền (2021). Kinh nghiệm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp của các trường đại học ở một số nước phát triển và bài học cho Việt Nam. Tạp chí Khoa học trường đại học Hồng Đức, số 54.2021.
Siu, W., & Martin, R. G. (1992). Successful entrepreneurship in Hong Kong. Long Range Planning, 25(6), 87–93. https://doi.org/https://doi.or...(92)90174-Z
Trần Đức Chiều (2018). Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Tạp chí Tài chính, 2018.
Trần Thị Minh Tâm (2021). Kinh nghiệm về hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của một số nước trên thế giới và gợi ý cho Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 7 tháng 3/2021
Vietnam Plus (2023). Kinh doanh bền vững để đảm bảo tương lai tốt đẹp cho thế hệ mai sau. Nguồn truy cập https://link.gov.vn/v0t2JCBZ, ngày 9/7/2023.
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 13 năm 2023
TS. Vũ Thị Minh Luận - TS. Bùi Thúy Vân