Giáo viên dạy học bằng tiếng nước ngoài phải có trình độ ngoại ngữ từ bậc 4 trở lên

13/08/2024 - 03:17
(Bankviet.com) Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục.
Nữ thủ khoa 'kép' với ước mơ trở thành giáo viên ngoại ngữ dạy các em nhỏ thiếu may mắn Trường Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội công bố điểm sàn Bộ Nội Vụ đề xuất giảm thời gian tuyển dụng công chức

Thu hút sinh viên nước ngoài vào học tập tại Việt Nam

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường và các cơ sở giáo dục hiện được áp dụng thực hiện theo Quyết định số 72/2014/QĐ-TTg ngày 17/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định số 72/2014/QĐ-TTg ban hành đã tạo hành lang cơ sở pháp lý quan trọng đối với việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục, góp phần nâng cao năng lực ngoại ngữ cho người học và người dạy.

Tháng 5/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện rà soát, lấy ý kiến của các địa phương và các cơ sở giáo dục đại học về việc thực hiện Quyết định 72/2014/QĐ-TTg. Kết quả rà soát đã cho thấy bên cạnh những ưu điểm khi thực hiện việc dạy và học bằng ngoại ngữ tại một số địa phương và các cơ sở giáo dục đại học vẫn còn những hạn chế của Quyết định 72/2014/QĐ-TTg như chưa rõ ràng về điều kiện cơ sở vật chất, năng lực ngoại ngữ của người dạy và người học dẫn đến chậm muộn trong việc giải quyết thủ tục hành chính và hiệu quả của việc triển khai thực hiện.

Ngoài ra, một số lý do khách quan của các địa phương như thiếu giáo viên đạt chuẩn năng lực về trình độ ngoại ngữ, một số giáo viên mặc dù có chứng chỉ ngoại ngữ đủ điều kiện nhưng khả năng giao tiếp, giảng dạy và truyền đạt bằng tiếng Anh còn hạn chế, không đảm bảo được chất lượng dạy học; trình độ của người học chưa đồng đều, thiếu động lực học tập và rèn luyện ngoại ngữ.

Trên cơ sở tiếp thu đề xuất của địa phương và các cơ sở giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục.

Dự thảo Nghị định được ban hành nhằm mục đích: Thúc đẩy việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong các cơ sở giáo dục nâng cao năng lực ngoại ngữ cho người học và người dạy, góp phần đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo. Đồng thời, giúp thu hút sinh viên nước ngoài vào học tập tại Việt Nam; thúc đẩy đầu tư và xã hội hóa giáo dục, giúp đảm bảo quyền lợi của người học và người dạy.

Giáo viên dạy học bằng tiếng nước ngoài phải có trình độ ngoại ngữ từ bậc 4 trở lên
Giáo viên dạy học bằng tiếng nước ngoài phải có trình độ ngoại ngữ từ bậc 4 trở lên

Nghị định được áp dụng đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; không áp dụng đối với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư của nước ngoài trong giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Theo đó, đối với giáo dục phổ thông, các trường có thể được dạy và học một số môn học, hoạt động giáo dục hoặc một số nội dung của một số môn học, hoạt động giáo dục bằng tiếng nước ngoài; ưu tiên đối với các môn học thuộc các lĩnh vực toán học, khoa học tự nhiên, công nghệ và tin học.

Đối với giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, chương trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt có thể được giảng dạy một phần hoặc toàn bộ bằng tiếng nước ngoài.

Chương trình, tài liệu sử dụng để dạy và học bằng tiếng nước ngoài không được có nội dung gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng; không truyền bá tôn giáo, xuyên tạc lịch sử; không ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và phải bảo đảm điều kiện liên thông giữa các trình độ đào tạo.

Giáo viên có trình độ ngoại ngữ từ bậc 4 trở lên

Dự thảo Nghị định quy định, giáo viên dạy môn học bằng tiếng nước ngoài ở bậc THCS phải có năng lực ngoại ngữ tối thiểu bậc 4, bậc THPT phải có tối thiểu bậc 5 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.

Giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ ngoại ngữ không thấp hơn trình độ bậc 5 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.

Những người được đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ toàn thời gian ở nước ngoài được miễn yêu cầu về năng lực ngoại ngữ trong trường hợp ngoại ngữ đó là ngôn ngữ giảng dạy ở các trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

Người học tham gia chương trình dạy và học bằng tiếng nước ngoài theo tinh thần tự nguyện và có khả năng theo học môn học được dạy và ngoại ngữ. Việc kiểm tra đầu vào đối với người học do cơ sở giáo dục thực hiện và được mô tả trong đề án tổ chức dạy và học bằng tiếng nước ngoài.

Đối với giáo dục phổ thông, việc kiểm tra, thi cuối năm học, cuối cấp học của các môn học được dạy bằng tiếng nước ngoài có thể được thực hiện bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài.

Đối với giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, việc kiểm tra, thi, đánh giá, công nhận tốt nghiệp, cấp bằng, chứng chỉ đối với tất cả các môn học được dạy và học bằng tiếng nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Về mức thu, sử dụng và quản lý học phí, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất, trên cơ sở tính đúng, tính đủ, lấy thu bù chi và có sự đồng thuận của người học, cơ sở giáo dục chủ động xây dựng mức thu, kinh phí hỗ trợ, học phí cho từng năm học và khóa học đối với từng môn học, mô đun, học phần được dạy và học bằng tiếng nước ngoài để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thông báo công khai cho người học biết trước khi tuyển sinh:

Mức thu, sử dụng và quản lý học phí, khoản thu dịch vụ hỗ trợ phục vụ việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài tại các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập của địa phương thực hiện theo quy định của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Mức thu học phí đối với các môn học, mô đun, học phần được dạy và học bằng tiếng nước ngoài tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo quy định hiện hành.

Việc quản lý học phí, khoản thu dịch vụ hỗ trợ, công tác kế toán và thống kê, tổng hợp vào báo cáo quyết toán hằng năm của đơn vị phải được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành, bảo đảm tính công khai và minh bạch. Cơ sở giáo dục phải thực hiện yêu cầu về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của cơ quan tài chính, cơ quan kiểm toán và cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương