Hà Nội: Dập tắt đám cháy khu lán tạm gần chợ đầu mối nông sản Văn Quán Điểm tên các mặt hàng nông sản Việt chiếm ưu thế khi xuất khẩu sang Quảng Đông (Trung Quốc) |
Hội nghị với chủ đề "Nông dân là chủ thể, trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững".
Tận dụng lợi thế từ phát triển kinh tế tuần hoàn
Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì. Tham dự hội nghị có 300 đại biểu trong đó có trên 70 nông dân tiêu biểu là đại diện cho 10,2 triệu hộ hội viên nông dân cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, qua 4 lần tổ chức Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, nhiều vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương tập trung giải quyết, tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự hội nghị |
Đảng ta đã khẳng định, nông nghiệp là lợi thế của quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, tích hợp đa giá trị theo hướng giữ vững an ninh lương thực, bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn...
Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân và người dân nông thôn là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.
Nhiều đại biểu tham dự đã đưa ra nhiều ý kiến kiến nghị, với mong muốn Chính phủ cũng như các Bộ, ngành có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành nông nghiệp. Trong đó, vấn đề phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp được nhiều nông dân quan tâm.
Cụ thể, theo nông dân Đặng Văn Bảy đến từ xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre chia sẻ, con tôm Việt Nam hiện đã có mặt ở trên 180 nước trên thế giới, hàng năm, riêng kim ngạch xuất khẩu ngành tôm đạt 3,5-4 tỷ USD, trở thành mặt hàng chủ lực không chỉ của ngành nông nghiệp, mà của cả nền kinh tế.
Trong thời gian qua, ở một số địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đã phát triển mô hình lúa-tôm cho hiệu quả khá tốt. Chính phủ cũng đã có chủ trương về xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp, trong đó có hệ sinh thái ngành tôm; xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD ngành tôm.
Ông Đặng Văn Bảy mong muốn thời gian tới Chính phủ sẽ có những chính sách hỗ trợ nông dân để xây dựng chuỗi công nghiệp và hệ sinh thái tôm phát triển mạnh hơn.
Thông tin về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, lợi thế của đồng bằng sông Cửu Long là nơi có nhiều mô hình sinh thái, "tôm ôm lúa" như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, lan tới Bến Tre, Trà Vinh. Đây chính là nông nghiệp tuần hoàn.
"Hiện bà con mới chỉ chú trọng bán tôm chứ chưa nghĩ tới bán gạo cấy từ ruộng tôm. Đó là điều chúng ta cần thay đổi tư duy để có thể tận dụng hết những lợi thế của ngành nông nghiệp" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan trao đổi.
Vấn đề của ngành hàng tôm ở đồng bằng sông Cửu Long là về môi trường, liên kết chuỗi ngành hàng giữa nông dân và doanh nghiệp. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phải nhanh chóng xây dựng Hiệp hội ngành hàng tôm, trong đó có sự tham gia của hợp tác xã, doanh nghiệp, người nuôi tôm, nếu cứ làm riêng thì vấn đề tổn thất về dịch bệnh… của con tôm ở đồng bằng sông Cửu Long đáng báo động.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin thêm, hiện một số thị trường nhập khẩu lớn đã áp dụng các quy định về chống bán phá giá tôm nước mặn, do người nuôi không bảo đảm môi trường. Do đó, cần kêu gọi bà con, nông dân cùng tham gia hợp tác xã, xây dựng chuỗi liên kết, cấu trúc lại ngành hàng tôm để cùng nhau sản xuất an toàn.
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Sau môi trường thì vấn đề bất cập thứ hai của ngành tôm chính là con giống. Việc chưa kiểm soát được chất lượng con giống cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của ngành tôm. Đây chính là điểm yếu kém của ngành nông nghiệp. Và để giải quyết vấn đề này, rất cần sự chung tay, liên kết của các hộ dân trong việc cần cấu trúc ngành hàng từ sản xuất cho tới doanh nghiệp, tới thị trường, kể cả bộ phận thương lái, những người cung cấp thức ăn, giống, vật tư đầu vào…
Về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hệ sinh thái nuôi tôm và trồng lúa cũng là một mô hình kinh tế tuần hoàn. Để làm tốt, quy hoạch vẫn là vấn đề đầu tiên và Nhà nước phải làm, như tỉnh Bến Tre phải dành bao nhiêu ha để nuôi tôm kết hợp trồng lúa.
Nhà nước cũng phải có cơ chế, chính sách, đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do; tạo cơ hội cho doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm đầu vào như phân bón, sinh phẩm… và lo đầu ra cho sản phẩm. Các ngân hàng phải vào cuộc với tín dụng phù hợp.
Cùng với đó, Nhà nước phải bảo đảm môi trường chung; đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng thủy lợi phù hợp như cống Cái Lớn – Cái Bé tại Đồng bằng sông Cửu Long…
Theo đó, Thủ tướng mong bà con nông dân tiếp tục kiến nghị, đề xuất các chính sách phù hợp để Nhà nước có chính sách, hỗ trợ phù hợp như về giống tôm, giống lúa, phân bón, thủy lợi…
Gỡ khó thông tin thị trường và xây dựng thương hiệu nông sản
Một trong những vấn đề liên quan đến thông tin về thị trường và vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản cũng được đề cập tại hội nghị.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Đỗ Thị Mỹ Thơm Giám đốc Hợp tác xã Hùng Thơm (Gia Lai), chuyên làm các sản phẩm chanh dây chế biến, phục vụ xuất khẩu đặt vấn đề: Phần lớn nông dân rất cần cù, chịu khó trong sản xuất, nhưng điểm hạn chế lớn nhất của bà con nông dân là thiếu thông tin về thị trường và vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản.
Theo đó, bà Thơm đặt câu hỏi, Chính phủ có giải pháp gì để giúp nông dân nắm bắt đầy đủ, kịp thời các thông tin thị trường trong nước và xuất khẩu, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ nông sản?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân tham dự hội nghị |
Thông tin về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, trước đó, Thủ tướng Chính phủ trong những câu trả lời trước cũng đề cập rất nhiều đến vấn đề này. Quan trọng nhất hiện nay là Bộ Công Thương vẫn phải nắm bắt được tín hiệu thị trường cũng như nắm bắt được nhu cầu để cung cấp được thông tin cho bà con trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh của mình.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ ra một số nhiệm vụ Bộ đang triển khai như: Thứ nhất là xây dựng chính sách, thể chế. Thứ hai là kết nối cung cầu. Thứ ba là cố gắng phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan để tiến hành các biện pháp xúc tiến như đào tạo tập huấn, nâng cao nhận biết cũng như giải quyết khó khăn bà con nông dân gặp phải khi có những bất lợi ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
Về chính sách pháp luật, Bộ Công Thương cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành rất nhiều quyết định liên quan để đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030. Trong đó, thể hiện rất nhiều dự án, các chương trình cụ thể liên quan như dự án kênh tiêu thụ nông sản theo chuỗi liên kết bền vững, truy xuất nguồn gốc nông sản, bản đồ số hóa/Xây dựng các dự án về kho dự trữ, đào tạo bồi dưỡng kiến thức kỹ năng kinh nghiệ kinh doanh nông sản…
Đặc biệt Bộ Công Thương tiếp tục triển khai đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Trong đó, chú trọng tuyên truyền quảng bá tạo thuận lợi cho hoạt động tiêu thụ. Đây là nền tảng vững chắc để chúng ta tiến hành triển khai cơ sở thông tin thị trường, đồng thời đảm bảo có nguồn tin đáng tin cậy.
Bộ Công Thương cũng phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương tổ chức nhiều hoạt động tại địa bàn vừa cung cấp trao đổi thông tin vừa có các chương trình hỗ trợ kết nối, thu mua chế biến tiêu thụ sản phẩm địa phương…
Vấn đề thông tin xuất khẩu, Bộ Công Thương cung cấp rất đầy đủ, minh bạch qua trang web, kênh Thương vụ. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng phải chuẩn bị những thông tin bất lợi của thị trường. Ví dụ với sản phẩm tôm, cá từng phải chứng kiến các nước áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá. Như vậy, Bộ Công Thương thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng đã triển khai đề án thiết lập kênh thông tin hệ thống cảnh báo sớm.
Về xây dựng và bảo vệ thương hiệu, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân mong muốn bà con nông dân cố gắng kết hợp những đặc tính văn hóa, giá trị thẩm thấu, sản phẩm tinh túy trong những sản phẩm của mình để chúng ta xây dựng nên câu chuyện. Còn để xây dựng thương hiệu lớn thì chắc chắn phải có sự liên kết, có vai trò của doanh nghiệp để đồng hành với nhau.
Về nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, để có kiến thức và nhận thức thì phải thông qua quá trình dạy và học. Nhà nước tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn bằng các hình thức khác nhau như các cơ quan báo chí có các chương trình truyền thông với nội dung, thời lượng phù hợp, thúc đẩy xuất bản các loại sách phổ biến kiến thức, hướng dẫn… Ngược lại, người nông dân cũng phải nỗ lực học tập, nghiên cứu, không ngừng nâng cao kiến thức, hiểu biết.
Để có thị trường bền vững, Nhà nước phải đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại, kết nối người nông dân với các đại sứ quán, cơ quan đại diện thương mại… Về phần mình, người nông dân phải có các sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất sạch, sản xuất xanh, thương hiệu, mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý…
Đỗ Nga