Gói tín dụng lớn, cửa vay có mở?

11/04/2025 - 20:29
(Bankviet.com) Đà tăng của tín dụng được dự báo sẽ mạnh lên trong quý II/2025 khi các ngân hàng đang tập trung cho vay ra ở nhiều lĩnh vực then chốt.
Khu vực 12 ‘góp’ 189 nghìn tỷ đồng để tín dụng tăng 16% Thủ tướng: Sẽ tiếp tục giảm thuế VAT, triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng Huy động vốn tăng không kịp mức tăng tín dụng

Vốn khủng chờ khách vay

Gói vay kinh doanh thế chấp lãi suất chỉ từ 5,39%/năm dành cho hộ kinh doanh cá thể đã được VPBank triển khai từ tuần này, mức lãi suất cho vay này đã giảm 1% so với trước đây. Với chính sách tài trợ 100% nhu cầu vốn, khoản vay có thể lên tới 20 tỷ đồng, hạn mức vay tối đa 80% giá trị tài sản bảo đảm và thời gian vay linh hoạt lên tới 20 năm, khách hàng có thể chủ động hơn trong kế hoạch kinh doanh, đảm bảo dòng tiền ổn định, giảm áp lực tài chính và tập trung vào việc phát triển hoạt động sản xuất.

Theo đại diện VPBank, việc triển khai gói lãi suất vay kinh doanh thế chấp ưu đãi lần này không chỉ là giải pháp hỗ trợ dòng tiền mà còn là động lực giúp hộ kinh doanh mở rộng sản xuất, đầu tư hiệu quả và tăng trưởng bền vững, giúp các hộ kinh doanh vượt qua giai đoạn khó khăn và phát triển mạnh mẽ hơn.

Cũng từ tháng 4/2025, VIB chính thức ra mắt gói Vay mua căn hộ, nhà phố năm 2025 quy mô 45.000 tỷ đồng với lãi suất 5,9% - 6,9% - 7,9% cố định trong 6 - 12 - 24 tháng, sau đó lãi suất được duy trì ở mức độ hợp lý, bằng lãi suất cơ sở cộng với biên độ 2,9%. Với gói vay này, trong 5 năm đầu, khách hàng chỉ phải trả 1 triệu đồng tiền gốc mỗi tháng cho 1 tỷ dư nợ, tức là 0,1%/tháng, thấp hơn rất nhiều so với mức 0,3% đến 0,8% thường thấy trên thị trường. Ngoài ra, khách hàng có thể chủ động tùy chỉnh phương án trả nợ gốc, trả nợ trước hạn phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính ở từng giai đoạn.

VietinBank thì đưa ra giải pháp đột phá, tạo đà cho nhà đầu tư bất động sản công nghiệp thông qua việc hỗ trợ cấp vốn lên tới 70% tổng mức đầu tư, với thời hạn vay kéo dài đến 15 năm với lãi suất chỉ từ 5,8%/năm cho khách hàng vay vốn.

Gói tín dụng lớn, cửa vay có mở?
Ngành ngân hàng thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc "bơm máu" cho nền kinh tế. Ảnh: Duy Minh

Đây chỉ là số ít trong hàng chục gói tín dụng thuộc nhiều lĩnh vực mà các ngân hàng thương mại tập trung đưa ra cho nền kinh tế trong quý II này. Dòng vốn khủng đang được nền kinh tế mong chờ, và đã được ngành ngân hàng công bố triển khai, chính là gói tín dụng 500.000 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số, đặc biệt là các dự án hạ tầng trọng điểm.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang từng bước phục hồi và tái cơ cấu sau nhiều cú sốc từ cả bên trong và bên ngoài, thông tin về gói tín dụng ưu đãi trị giá 500.000 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng các ngân hàng thương mại triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ đã tạo nên một làn gió mới tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp. Đây là một bước đi mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm lớn của ngành ngân hàng trong việc "bơm máu" cho nền kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực then chốt như hạ tầng và công nghệ số.

Theo đó, các ngân hàng sẽ căn cứ danh mục dự án trọng điểm ngành giao thông, điện và công nghệ số do Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì ban hành để xác định đúng đối tượng cho vay, xem xét, thẩm định các dự án theo quy định của pháp luật. Mức lãi suất cho vay sẽ được xác định và công khai áp dụng theo chương trình trong từng thời kỳ trên tinh thần hỗ trợ khách hàng giảm chi phí vốn, nhằm góp phần tháo gỡ và thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số.

Không hạ chuẩn tín dụng

Gói tín dụng 500.000 tỷ đồng không đơn thuần là một con số khổng lồ. Điều quan trọng là định hướng sử dụng vốn rõ ràng, tập trung vào những lĩnh vực có sức lan tỏa cao, như phát triển hạ tầng, chuyển đổi số và công nghệ cao - những "trụ cột" cho tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Điểm sáng của chương trình lần này là sự cân bằng giữa hỗ trợ doanh nghiệp và đảm bảo an toàn hệ thống tài chính. Ngân hàng Nhà nước đặc biệt lưu ý không hạ chuẩn tín dụng, mà khuyến khích sáng tạo trong cơ chế tiếp cận, từ đồng tài trợ đến giãn nợ, cơ cấu lại nhóm nợ và miễn giảm lãi suất khi cần thiết.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trong cuộc họp với các ngân hàng thương mại về triển khai gói tín dụng này đã nhấn mạnh: việc triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng và các chính sách hỗ trợ kịp thời là rất cấp bách, thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Vì thế, các ngân hàng "chỉ bàn làm, không bàn lùi".

"Bàn làm" với nhiều giải pháp cung ứng vốn đã được các nhà băng đưa ra, trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo các quy định của pháp luật về cho vay. Đơn cử như Vietcombank đang tài trợ hàng loạt dự án trọng điểm như đường dây truyền tải điện Lào Cai - Vĩnh Yên, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, sân bay quốc tế Long Thành và sẽ tiếp tục tài trợ các dự án khác. VIB khẳng định sẽ dành ra gói tín dụng 5.000 - 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn khoảng 1%, chủ động bám sát các chính sách ưu tiên của Chính phủ để cung ứng vốn cho nền kinh tế…

Tổng giám đốc Vietcombank, ông Lê Quang Vinh bày tỏ, để vốn ngân hàng "tới" được doanh nghiệp công nghệ đổi mới sáng tạo thì cần xem xét xây dựng cơ chế góp vốn và chia sẻ lợi ích, thay vì áp dụng hình thức cho vay truyền thống.

Đại diện Agribank, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc, khẳng định ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là về lãi suất thì cũng nêu quan điểm rằng cần rõ ràng về trách nhiệm trong việc cho vay để các ngân hàng yên tâm mạnh dạn triển khai gói tín dụng này.

Việc các ngân hàng đồng loạt cam kết nguồn lực cho thấy niềm tin thị trường đang được tái thiết. Đây là thời điểm then chốt để dòng vốn tín dụng đóng vai trò "bánh đà" đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

Theo các chuyên gia kinh tế, gói tín dụng 500.000 tỷ hỗ trợ các dự án hạ tầng trọng điểm, công nghệ số không chỉ tiếp sức cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn mà còn mang lại lợi ích cho hàng triệu người lao động trong các chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước bị ảnh hưởng bởi các chính sách thương mại của nhiều nền kinh tế trên thế giới, việc các ngân hàng chủ động đề xuất giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn giảm phí là một biểu hiện cụ thể của tinh thần chia sẻ đúng thời điểm. Dòng vốn không chỉ đơn thuần là tiền bạc, mà còn là niềm tin được hồi sinh, điều mà doanh nghiệp Việt đang rất cần lúc này.

Tại các hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng được tổ chức gần đây, băn khoăn được nhiều doanh nghiệp đề cập là điểm nghẽn lớn vẫn là tài sản bảo đảm, đặc biệt với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì thế, các doanh nghiệp mong muốn tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý và thời hạn phù hợp để mở rộng sản xuất.

Thuỳ Linh

Theo: Báo Công Thương