Tham dự tọa đàm, về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế; cùng đại diện Vụ Pháp chế, Vụ Chính sách tiền tệ, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Môi trường, có ông Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện chiến lược, chính sách nông nghiệp và môi trường.
Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, có: ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; ông Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách kiêm Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); ông Lê Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Rủi ro, Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank); các thành viên ủy ban Chính sách, Tổ giúp việc, cùng đại diện các tổ chức tín dụng hội viên Hiệp hội Ngân hàng tham dự trực tiếp và trực tuyến.
Về phía Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), có: ông Phạm Đức Tuấn, Thành viên Ủy ban Chính sách Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Thành viên Hội đồng thành viên Agribank; cùng đại diện Lãnh đạo các Ban, Trung tâm và đơn vị sự nghiệp tại Trụ sở chính Agribank.
Tọa đàm còn có sự tham dự của Đại diện các tổ chức quốc tế như: Nhóm Công tác Ngân hàng BWG; Cơ quan Phát triển Pháp (AFD); Công ty TNHH Kiểm toán Ernst & Young.
Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh ngành Ngân hàng chủ động triển khai thực hiện kế hoạch đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới theo tinh thần Nghị quyết 66-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 140/NQ-CP của Chính phủ.
Ngành Ngân hàng đi đầu trong phát triển tài chính xanh
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết, thời gian qua, Đảng, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến vấn đề về tăng trưởng xanh. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Chính phủ đã ban hành khung pháp lý, chiến lược phát triển thị trường tài chính xanh và một số nghị định triển khai. Mới đây, ngày 4/7/2025, Thủ Tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh.
Nhấn mạnh ngành Ngân hàng là một trong những đơn vị đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu này, TS. Nguyễn Quốc Hùng thông tin, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động công bố Sổ tay hướng dẫn hệ thống quản lý rủi ro môi trường – xã hội (ESMS) trong hoạt động cấp tín dụng. Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xác định vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng trong thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia và tập trung đầu tư vốn trong lĩnh vực tài chính xanh. Trong 10 năm trở lại đây, ngành Ngân hàng đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực về tăng trưởng xanh.
Bản thân chính các TCTD cũng thực hiện rất nghiêm túc việc xanh hóa, giảm phát thải trong quá trình hoạt động của mình như: sử dụng năng lượng hiệu quả, áp dụng các biện pháp giảm rác thải tại nguồn, giảm lượng rác thải ra môi trường;...
Đồng quan điểm, ông Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách cho rằng, với vai trò là kênh dẫn vốn chủ lực của nền kinh tế, các ngân hàng và tổ chức tín dụng có tiềm năng to lớn trong việc định hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển xanh, từ năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, đến các dự án tiết kiệm năng lượng và xử lý chất thải.
"Sự tham gia tích cực của các tổ chức tín dụng đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa, khuyến khích doanh nghiệp và cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường", ông Trần Phương Phát biểu.
Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách thông tin, nhận thức rõ vai trò tiên phong để đồng hành cùng các mục tiêu phát triển trọng yếu của đất nước, các ngân hàng thương mại đã nghiêm túc triển khai kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng theo Quyết định 1604/QĐ-NHNN của NHNN, thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, triển khai đầy đủ hiệu quả Thông tư 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý rủi ro môi trường; cũng như NHNN phối hợp cùng IFC xây dựng Sổ tay hướng dẫn hệ thống quản lý rủi ro môi trường - xã hội (ESMS) trong hoạt động cấp tín dụng.
Ở góc độ NHNN, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế khẳng định, nhận thức được tầm quan trọng của nguồn lực ngân hàng góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, NHNN đã triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp để tạo điều kiện triển khai, thúc đẩy hoạt động tín dụng xanh như: rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng đối với khách hàng nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ và phù hợp với xu hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các TCTD tập trung nguồn lực phát triển tín dụng xanh (Chỉ thị số 03/CT-NHNN), xác định và thống kê hoạt động cấp tín dụng cho 12 lĩnh vực xanh (Công văn 9050/NHN-TD), báo cáo tình hình quản lý rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; làm thành viên của nhiều diễn đàn tài chính quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, huy động nguồn lực, nâng cao năng lực,… trong việc đẩy mạnh hoạt động tín dụng xanh, từng bước nâng cao vị thế của Việt Nam tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế về tiền tệ ngân hàng, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế...
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, trên cơ sở triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, đã có sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động của toàn hệ thống các TCTD. Đến cuối tháng 3/2025, dư nợ tín dụng xanh đạt trên 704.244 tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024, chiếm tỷ trọng 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế; tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân đạt hơn 21,2%/năm trong giai đoạn 2017-2024, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế. Đến cuối tháng 3/2025, dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,62 triệu tỷ đồng, tăng gần 1% so với cuối năm 2024 với số món được đánh giá rủi ro môi trường xã hội đạt gần 1,3 triệu món, tăng hơn 15 lần so với thời điểm bắt đầu thực hiện năm 2017.
Điều này phản ánh mức độ nhận thức và cam kết cao hơn của hệ thống ngân hàng trong việc “xanh hóa” danh mục cho vay và kiểm soát tác động môi trường của các dự án tín dụng.
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ Agribank, Phó Trưởng ban Chỉ đạo ESG Agribank cũng cho biết, nông nghiệp xanh luôn là điểm đến quan trọng của dòng tín dụng xanh, chiếm tới hơn 29% tổng dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam (bên cạnh khoảng 37% dành cho năng lượng tái tạo). Điều này cho thấy ngành nông nghiệp đang được ưu tiên huy động vốn xanh, phù hợp với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng một nền kinh tế xanh bao trùm ở nông thôn.
Theo Phó Trưởng ban Chỉ đạo ESG Agribank, với việc triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực xanh của Agribank có sự tăng trưởng ổn định qua từng năm, tỷ trọng tài trợ dự án xanh trong tổng dư nợ tín dụng của Agribank tăng từ 0,9% năm 2020 lên 1,7% năm 2024. Trong năm 2024, Agribank tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về số lượng khách hàng được cấp tín dụng thuộc lĩnh vực xanh với hơn 42.000 khách hàng và tổng dư nợ đạt gần 29.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đạt hơn 15.000 tỷ đồng, chiếm hơn 53%; tiếp đến là lĩnh vực lâm nghiệp bền vững với dư nợ đạt hơn 6.900 tỷ đồng, chiếm gần 24%; thứ ba là lĩnh vực nông nghiệp xanh với dư nợ gần 6.500 tỷ đồng, chiếm hơn 22% tổng dư nợ tín dụng xanh.
Hay tại BIDV, bà Nguyễn Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Ban Khách hàng Doanh nghiệp BIDV cho biết, phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh được Ban Lãnh đạo BIDV coi là định hướng chiến lược xuyên suốt. Trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2021–2025, tầm nhìn đến 2030, BIDV đặt ra mục tiêu trở thành ngân hàng Net Zero vào năm 2050.
Năm 2023, BIDV phát hành thành công 100 triệu USD trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế ICMA – trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam phát hành trái phiếu xanh theo chuẩn quốc tế và được Tạp chí The Asset vinh danh là Tổ chức phát hành trái phiếu ESG tiêu biểu nhất Việt Nam. Năm 2024, BIDV tiếp tục phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu bền vững, huy động vốn cho các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo, giao thông bền vững, công trình xanh, nhà ở xã hội – góp phần lan tỏa các giá trị bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tính đến ngày 31/5/2025, BIDV đã cấp tín dụng xanh cho 1.569 khách hàng với 1.943 dự án/phương án, tổng dư nợ xanh đạt 78.076 tỷ đồng, chiếm khoảng 3,7% tổng dư nợ, trong đó lĩnh vực năng lượng xanh và tái tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất (73,4%). Trong giai đoạn 2021–2025, dư nợ tín dụng xanh của BIDV tăng trưởng bình quân 26%/năm, từ 32.000 tỷ đồng cuối năm 2020 lên khoảng 81.000 tỷ đồng cuối năm 2024.
Thách thức pháp lý cần hoàn thiện để phát triển tài chính xanh
Đóng vai trò tiên phong nhưng một trong những rào cản, thách thức lớn nhất trong quá trình triển khai phát triển thị trường tài chính xanh ở Việt Nam là khuôn khổ pháp lý vẫn chưa thật sự đồng bộ và hoàn thiện.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho hay, vốn ngân hàng là vốn tập trung, trong khi việc huy động nguồn lực tài chính cho mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 cần khoản đầu tư khoảng 6,8% GDP mỗi năm, tương đương 368 tỷ USD cho đến năm 2050 (theo báo cáo của Ngân hàng thế giới). Điều này đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn trong và ngoài nước thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực của kinh tế xanh.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cũng chỉ ra, dù đã có quy định của pháp luật về tín dụng xanh nhưng vẫn cần văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan về quy trình, thủ tục xác nhận dự án xanh; thiếu quy định và xác nhận dự án tuần hoàn và dự án đáp ứng khung tiêu chuẩn thực hành ESO; các văn bản hướng dẫn cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích về tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh chưa được hoàn thiện đồng bộ để tạo động lực khơi thông thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh.
Cùng với đó, nhu cầu vốn thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia rất lớn, trong khi các nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư từ thị trường tài chính, thị trường tín chỉ carbon còn chưa phát triển hoặc chưa triển khai gây áp lực vốn dài hạn cho hệ thống ngân hàng; số lượng các dự án xanh đáp ứng tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, có tính khả thi, hiệu quả tài chính chưa nhiều...
Bên cạnh khuôn khổ pháp lý còn hạn chế, đại diện Agribank đã cung cấp thêm khó khăn trong việc tiếp nhận nguồn vốn vay, ủy thác từ các tổ chức quốc tế. Bà Nguyễn Thị Thu Hà chỉ rõ, tuy nguồn vốn xanh quốc tế đầu tư vào Việt Nam rất lớn và có xu hướng tăng trưởng nhanh nhưng mức lãi suất chưa thực sự cạnh tranh với huy động vốn trong nước, trong khi tiêu chí, yêu cầu cho vay khắt khe và phức tạp trong việc xác định đối tượng cho vay phù hợp. Việt Nam không còn là quốc gia có thu nhập thấp được ưu tiên hỗ trợ về lãi suất cho vay. Do đó, TCTD không còn tiếp cận được các nguồn vốn quốc tế giá rẻ, ưu đãi lãi suất,...
Phó Giám đốc Ban Khách hàng Doanh nghiệp BIDV thì chỉ ra khó khăn trong thu thập dữ liệu, đo lường phát thải và minh bạch thông tin tài chính xanh và đội ngũ cán bộ thẩm định tín dụng xanh còn thiếu kinh nghiệm chuyên sâu về môi trường, phát triển bền vững.
Giải pháp khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng xanh
Tọa đàm cũng đã diễn ra phiên thảo luận nhằm tập trung phân tích các hành lang, khung pháp lý tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng triển khai tài chính xanh tại Việt Nam, đồng thời đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm hoàn thiện khung pháp lý.
Từ những rào cản trong thực tiễn, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho rằng, để mở rộng, khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng đòi hỏi sự phối, kết hợp từ các bộ, ngành, NHNN và các TCTD.
Theo đó, NHNN sẽ tiếp tục triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030.
Các bộ, ngành, TCTD cũng cần phối hợp để xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh; phát triển thị trường trái phiếu xanh, thị trường cacbon trong nước nhằm tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ các TCTD được tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi, nhất là huy động nguồn lực quốc tế để có điều kiện cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành/lĩnh vực xanh.
Ở góc độ các TCTD, đại diện BIDV kiến nghị cần: Hoàn thiện khung pháp lý tổng thể; tạo cơ chế khuyến khích; phát triển nguồn nhân lực; chuẩn hóa dữ liệu, minh bạch thông tin.
Ông Văn Công Bình, Giám đốc Môi trường và Xã hội, Khối Khách hàng Doanh nghiệp HDBank cho rằng, cần sớm triển khai cơ chế bảo lãnh tín dụng xanh, đặc biệt cho các SMEs; có cơ chế hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay thực hiện dự án xanh, tương tự như chính sách hỗ trợ lãi suất cho lĩnh vực ưu tiên; cơ quan quản lý nghiên cứu đưa ra các chỉ tiêu KPI tài chính xanh bắt buộc cho hệ thống ngân hàng; xem xét ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho các ngân hàng đối với khoản thu nhập từ hoạt động tài trợ dự án xanh.
Bên cạnh đó, nên có cơ quan đánh giá, xác nhận tiêu chuẩn dự án xanh độc lập; có cơ chế khuyến khích phát hành trái phiếu xanh, đơn giản hóa quy trình phát hành, đồng thời ưu đãi thuế phí phát hành đối với doanh nghiệp thực hiện các dự án đạt chuẩn xanh; xây dựng một chương trình chính sách tài chính xanh tổng thể, có khen thưởng, giám sát và chế tài thực thi, giúp các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia được thực hiện đồng bộ, minh bạch và hiệu quả hơn.
Để nâng cao hiệu quả tín dụng xanh và tăng khả năng tiếp cận vốn xanh cho khu vực nông thôn, đại diện Agribank khuyến nghị một số chính sách trọng tâm, gồm:
Một là, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý hướng dẫn cụ thể thực hiện Quyết định số 21 và tạo cơ chế ưu đãi tài chính khuyến khích tín dụng xanh.
Hai là, NHNN sớm hoàn thiện hướng dẫn quản lý rủi ro xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, tham chiếu các tiêu chuẩn quốc tế để các TCTD có thể xây dựng hệ thống quản lý rủi ro xã hội đáp ứng yêu cầu của các tổ chức quốc tế.
Ba là, Chính Phủ, NHNN có nhiều chính sách thúc đẩy đối với các ngành nghề, lĩnh vực đáp ứng tiêu chí tín dụng xanh. Trên cơ sở đó, các TCTD có thể xây dựng các sản phẩm tín dụng xanh theo định hướng của chính phủ cũng như phù hợp với từng phân khúc khách hàng.
Bốn là, Chính phủ, NHNN và HHNH tiếp tục tuyên truyền, phổ biến về sự cần thiết phát triển bền vững, tín dụng xanh khuyến khích lối sống, tiêu dùng xanh hài hòa với thiên nhiên, gắn với các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam; hỗ trợ các TCTD trong nước ngày càng tiếp cận được nhiều hơn các quỹ tài chính, gói tài trợ đối với tín dụng xanh của các tổ chức trên thế giới.
Năm là, NHNN xây dựng và cập nhật hệ thống dữ liệu về tình hình tuân thủ, vi phạm yêu cầu về môi trường của doanh nghiệp, tạo cơ sở cho các TCTD trong việc thẩm định, xác định mức độ rủi ro môi trường khi đánh giá khách hàng vay, từ đó hạn chế/giảm cấp các khoản vay cho hoạt động gây hại môi trường.
Ngoài ra, Agribank cũng kiến nghị cần: đa dạng hóa nguồn vốn và tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển tín dụng xanh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số cũng có thể giúp tăng khả năng tiếp cận vốn xanh ở nông thôn; Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường có các chính sách thúc đẩy phát triển thị trường carbon.
Đưa ra một số giải pháp tổng thể, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (Fe Credit) cho rằng, Chính phủ được kỳ vọng sẽ thiết lập các khuôn khổ và chính sách nhằm thúc đẩy cả nguồn cung tài chính, tín dụng xanh cũng như khuyến khích nhu cầu từ người dân và doanh nghiệp. Các công ty tài chính cung cấp các sản phẩm tín dụng tiêu dùng mang tính khuyến khích để người tiêu dùng sử dụng nguồn tín dụng trong việc mua sắm các sản phẩm xanh.
Từ góc độ cộng đồng và người dân, yếu tố quan trọng để thúc đẩy tín dụng xanh là nâng cao khả năng nhận thức và mức độ quan tâm về sản phẩm, dịch vụ xanh. Thông qua các cơ chế chính sách và sự đa dạng hóa dịch vụ, người dân có thể sử dụng tín dụng xanh để tiếp cận mới như vay tiền đầu tư vào nhà ở xanh, vay mua ô tô điện hoặc xe sử dụng năng lượng tái tạo khác, vay tiền đầu tư vào các sản phẩm năng lượng tái tạo, dịch vụ tài chính điện tử xanh, bảo hiểm xanh và quỹ đầu tư xanh. Việc hình thành một lối sống xanh sẽ là yếu tố nền tảng, giúp hình thành nên thị trường tiêu dùng các sản phẩm dịch vụ xanh và từ đó tham gia vào thị trường tín dụng xanh.
Liên quan đến những kiến nghị của đại diện NHNN và các TCTD liên quan đến việc phân loại danh mục xanh, ông Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách nông nghiệp và môi trường cũng đã đưa ra một số giải đáp. Là người trực tiếp dự thảo Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh, ông Mai Thanh Dung chia sẻ, danh mục phân loại xanh hiện đang quá ít so với thực tiễn. Tuy nhiên, vì mới và để đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện, Ban soạn thảo mới chỉ chọn những tiêu chí rất xanh để đưa vào danh mục. Trong quá trình thực hiện, danh mục này sẽ tiếp tục được cập nhật, bổ sung, đặc biệt là những dự án mang lại lợi ích, đạt mục tiêu lợi ích môi trường thì sẽ sớm được xem xét bổ sung vào danh mục phân loại xanh.
Từ thực tế đó, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách nông nghiệp và môi trường khẳng định quá trình thực thi Quyết định số 21 chắc chắn sẽ chưa được hoàn thiện, chưa được đầy đủ.
Tại tọa đàm, bà Tan Mona, Giám đốc Tài chính Bền vững khu vực ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm của Standard Chartered trong quá trình phát triển tài chính xanh tại châu Á, châu Âu và Việt Nam. Standard Chartered đã ban hành quy định về tín dụng xanh áp dụng toàn cầu, đồng thời, đồng hành cùng các ngân hàng Việt Nam chuyển đổi xanh.
Kết luận tọa đàm, ông Phạm Đức Tuấn, Thành viên Ủy ban Chính sách thuộc Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Thành viên Hội đồng thành viên Agribank khẳng định, tọa đàm đã làm sáng tỏ những thách thức pháp lý đang cần hoàn thiện để phát triển tài chính xanh. Các đề xuất, kiến nghị cũng rất thiết thực, mang tính chiến lược, mở ra hướng đi mới cho tài chính xanh tại Việt Nam.
Ngọc Lê