<h1 class="sc-longform-header-title block-sc-title arx-block-focus">Chỉ sở hữu vỏn vẹn 18 cổ phiếu MSN, Chủ tịch Masan vẫn trở lại Top siêu giàu

27/05/2025 - 23:22
(Bankviet.com) Sở hữu cổ phiếu khiêm tốn, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang vẫn trở lại Top những người giàu nhất Việt Nam.
Chân dung

Chỉ sở hữu vỏn vẹn 18 cổ phiếu MSN, Chủ tịch Masan vẫn trở lại Top siêu giàu

Hồng Giang 26/05/2025 17:53

Sở hữu cổ phiếu khiêm tốn, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang vẫn trở lại Top những người giàu nhất Việt Nam.

Theo cập nhật mới nhất từ tạp chí Forbes, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Masan (HoSE: MSN), vừa chính thức trở lại danh sách tỷ phú USD sau một thời gian vắng bóng. Cụ thể, khối tài sản của ông Quang hiện đạt mức 1 tỷ USD, đứng thứ 5 trong danh sách tỷ phú USD của Việt Nam và ở vị trí 2.933 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới.

forbes.png

Dù chỉ nắm giữ 18 cổ phiếu MSN theo công bố công khai, ông Nguyễn Đăng Quang Chủ tịch HĐQT Masan Group vẫn là người chèo lái hệ sinh thái tiêu dùng - bán lẻ lớn bậc nhất Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Quang còn đang giữ vai trò và là thành viên HĐQT tại 4 công ty thành viên, gồm: Masan Corporation, Công ty CP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM, Công ty CP Phúc Long Heritage và Phó Chủ tịch thứ nhất HĐQT của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Vợ ông Nguyễn Đăng Quang là bà Nguyễn Hoàng Yến, hiện là thành viên HĐQT Masan Group và đang nắm giữ gần 50,9 triệu cổ phiếu MSN, tương đương 3,36% vốn điều lệ, với giá trị quy đổi khoảng 1.544 tỷ đồng.

Con gái ông Nguyễn Đăng Quang là Nguyễn Yến Linh, trong khoảng thời gian từ ngày 29/10 đến 18/11/2024, đã mua vào gần 8,5 triệu cổ phiếu MSN, tương đương 0,56% vốn điều lệ Masan Group, với giá trị thị trường ước khoảng 257,98 tỷ đồng. Ngoài Nguyễn Yến Linh, hai người con khác của ông Quang và bà Yến là Nguyễn Thùy Linh hiện đang sở hữu 223 cổ phiếu MSN, còn Nguyễn Đăng Linh chưa nắm giữ cổ phiếu nào.

Trên thị trường chứng khoán, tính đến ngày 26/5/2025, cổ phiếu MSN đang được giao dịch ở mức 68.800 đồng/cổ phiếu, đưa vốn hóa thị trường của Masan Group lên tới 137.788 tỷ đồng.

Về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2025, Masan Group ghi nhận doanh thu hợp nhất gần 18.900 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý nhất là lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 394 tỷ đồng, tăng gần gấp bốn lần so với cùng kỳ, cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ sau giai đoạn tái cấu trúc.

mns(1).jpg
Kết quả kinh doanh của Masan trong 5 năm gần đây

Sự tăng trưởng này đến từ cả bốn trụ cột chính trong hệ sinh thái gồm Masan Consumer (MCH), WinCommerce (WCM), Masan MEATLife (MML) và Phúc Long Heritage (PLH). Trong đó, nổi bật nhất là WinCommerce - đơn vị vận hành hệ thống bán lẻ WinMart/WinMart+ - đã đạt lợi nhuận dương sau một thời gian dài thực hiện cải tổ chiến lược.

Ngoài cổ phần tại Masan Group, ông Nguyễn Đăng Quang còn đang trực tiếp nắm giữ hơn 30 nghìn cổ phiếu tại Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer Holdings; UPCoM: MCH), tương đương giá trị khoảng 3,94 tỷ đồng. Với thị giá cổ phiếu MCH hiện ở mức 129.700 đồng, vốn hóa thị trường của doanh nghiệp này vào khoảng 136.372 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, trong năm 2024, Masan Consumer ghi nhận doanh thu gần 30.900 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 7.800 tỷ đồng, lần lượt tăng 9,4% và 10,1% so với năm 2023. Năm 2025, Masan Consumer đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu từ 10% đến 15%, tương ứng từ 33.500 đến 35.500 tỷ đồng.

Trong tháng 2/2025, MCH đã tiến hành lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua kế hoạch hủy giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM và chuyển niêm yết lên HoSE, với kỳ vọng gia tăng thanh khoản, nâng tầm minh bạch và cải thiện vị thế trên thị trường vốn.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group

Ở lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông Nguyễn Đăng Quang hiện là Phó Chủ tịch thứ nhất HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - HOSE: TCB). Ông đang sở hữu 18.806.352 cổ phiếu TCB, tương đương 0,2662% cổ phần, với giá trị thị trường khoảng 570,77 tỷ đồng, dựa trên thị giá 30.350 đồng/cổ phiếu vào ngày 26/5/2025.

Với mức vốn hóa khoảng 214.418 tỷ đồng, Techcombank tiếp tục là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần có hiệu quả hoạt động hàng đầu tại Việt Nam.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, Techcombank vẫn giữ vững vị thế nhờ chiến lược kinh doanh bền vững. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế đạt 7.236 tỷ đồng trong quý I/2025, giảm nhẹ 7,3% so với cùng kỳ nhưng vẫn nằm trong nhóm dẫn đầu ngành. Tổng tài sản tăng 11,7% lên gần 990.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 665.300 tỷ đồng và tiền gửi khách hàng xấp xỉ 570.000 tỷ đồng.

Tỷ lệ CASA được giữ ở mức 39,4%, thuộc nhóm cao nhất ngành, giúp ngân hàng duy trì chi phí vốn thấp và lợi thế cạnh tranh dài hạn. Tỷ lệ nợ xấu chỉ tăng nhẹ lên 1,23% và vẫn nằm trong vùng kiểm soát tốt, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu duy trì trên 111%. Đặc biệt, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II đạt 15,3%, cao gần gấp đôi so với mức tối thiểu 8%, cho thấy nền tảng tài chính vững vàng và khả năng quản trị rủi ro vượt trội.

Bên cạnh các doanh nghiệp chủ lực kể trên, hệ sinh thái của ông Nguyễn Đăng Quang còn bao gồm Masan High-Tech Materials (MSR) - đơn vị khai khoáng và chế biến vật liệu công nghệ cao, cùng nhiều công ty khác như Masan MEATLife (UPCoM: MML)VinaCafé Biên Hòa - doanh nghiệp có thương hiệu lâu đời trong ngành cà phê Việt Nam…

Trước đó, tại ĐHDCĐ thường niên năm 2025, ông Nguyễn Đăng Quang nhấn mạnh rằng Masan đã hoàn tất giai đoạn đầu tiên trong hành trình 5 năm xây dựng nền tảng tiêu dùng - bán lẻ tích hợp. Bước sang giai đoạn hai, mục tiêu trọng tâm của tập đoàn là củng cố thị phần chi tiêu và gia tăng lợi nhuận. Ông cho rằng, yếu tố then chốt để hiện thực hóa mục tiêu này chính là chuyển đổi số.

Theo ông Quang, chuyển đổi số chính là “mảnh ghép còn thiếu” để Masan chuyển mình từ hình ảnh một tập đoàn truyền thống, xóa bỏ định kiến về đa ngành, và khẳng định vị thế là một nền tảng trải nghiệm tiêu dùng tích hợp như Walmart, Amazon, Alibaba, Reliance hay Apple đã từng làm được. “Chuyển đổi số sẽ là yếu tố phân định rõ ràng giữa những nhà vô địch tương lai và những người thất bại”, ông nhấn mạnh.

Việc Chủ tịch Masan trở lại danh sách tỷ phú USD không chỉ là dấu mốc cá nhân mà còn phản ánh khả năng hồi phục và tái tăng trưởng rõ nét của toàn bộ hệ sinh thái Masan. Trong bối cảnh môi trường kinh tế - tài chính còn nhiều thách thức, tầm nhìn dài hạn và chiến lược chuyển đổi số toàn diện có thể sẽ là đòn bẩy để Masan tiếp tục mở rộng ảnh hưởng và tạo dựng giá trị bền vững trong giai đoạn tới.

Hồng Giang

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán