<h1 class="sc-longform-header-title block-sc-title arx-block-focus">Giá sầu riêng hôm nay 24/5: Đi ngang, Indonesia âm thầm gia nhập cuộc đua tỷ đô

24/05/2025 - 03:03
(Bankviet.com) Giá sầu riêng hôm nay 24/5 giữ ổn định trên cả nước, dao động từ 25.000 – 90.000 đồng/kg. Indonesia tăng tốc gia nhập cuộc đua xuất khẩu sang Trung Quốc.
Hàng hóa - Giá cả

Giá sầu riêng hôm nay 24/5: Đi ngang, Indonesia âm thầm gia nhập cuộc đua tỷ đô

Kim Dung 24/05/2025 3:02

Giá sầu riêng hôm nay 24/5 giữ ổn định trên cả nước, dao động từ 25.000 – 90.000 đồng/kg. Indonesia tăng tốc gia nhập cuộc đua xuất khẩu sang Trung Quốc.

Giá trong nước ổn định, giao dịch quanh mức 25.000 – 90.000 đồng/kg

Theo khảo sát của trang Chogia.vn sáng 24/5, thị trường sầu riêng tại các vùng trọng điểm trong cả nước không ghi nhận biến động mới so với phiên liền trước. Hầu hết các loại vẫn duy trì mức giá ổn định, phản ánh sự cân bằng cung – cầu trong giai đoạn giữa vụ.

sau24.jpg
Giá sầu riêng hôm nay 24/5 giữ ổn định trên cả nước, dao động từ 25.000 – 90.000 đồng/kg

Cụ thể, giống sầu riêng RI6 loại đẹp lựa tại miền Tây Nam Bộ vẫn được thu mua trong khoảng 60.000 – 65.000 đồng/kg. Loại xô phổ biến được giao dịch quanh mức 25.000 – 30.000 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương. Tại khu vực miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, giá RI6 cũng không thay đổi, dao động từ 52.000 – 60.000 đồng/kg với hàng tuyển và từ 25.000 – 30.000 đồng/kg với hàng xô.

Đối với sầu riêng Thái – giống chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường – giá thu mua loại đẹp vẫn giữ mức cao 85.000 – 90.000 đồng/kg. Loại xô dao động từ 45.000 – 50.000 đồng/kg tại miền Tây và từ 32.000 – 35.000 đồng/kg tại khu vực Tây Nguyên.

Việc giá sầu riêng giữ ổn định trong nhiều ngày liên tiếp cho thấy thị trường đang chững lại sau giai đoạn tăng nhanh hồi đầu tháng 5. Các thương lái cho biết sức tiêu thụ nội địa vẫn tốt, trong khi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đang bước vào giai đoạn ổn định về sản lượng và kiểm soát chất lượng.

Indonesia tăng tốc xuất khẩu, Trung Quốc siết quy chuẩn nhập khẩu

Trong khi Việt Nam và Thái Lan đã xác lập chỗ đứng vững chắc tại thị trường Trung Quốc, Indonesia đang ráo riết chuẩn bị để gia nhập “cuộc chơi lớn”. Theo các báo cáo từ truyền thông khu vực, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã hoàn tất việc kiểm tra các đồn điền và cơ sở đóng gói sầu riêng tại Indonesia từ tháng 3 để đánh giá khả năng cấp phép nhập khẩu.

Công ty PT Ammar Durian Indonesia – đơn vị xuất khẩu sầu riêng tại Trung Sulawesi – khẳng định có thể rút ngắn thời gian vận chuyển hàng đông lạnh từ một tháng xuống chỉ còn một tuần nếu được vận chuyển trực tiếp từ cảng Pantoloan. Điều này vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo chất lượng hàng hóa tới Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, Indonesia sẽ khó cạnh tranh ngay lập tức với Việt Nam và Thái Lan vì phần lớn sản lượng sầu riêng nước này vẫn phục vụ tiêu dùng nội địa. Hơn nữa, Trung Quốc đang áp dụng quy định nghiêm ngặt về dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và vi sinh vật đối với mặt hàng trái cây nhập khẩu, đặc biệt sau các vụ việc liên quan đến thuốc nhuộm auramine O và kim loại nặng cadmium trong thời gian gần đây.

Vì vậy, trong giai đoạn đầu, các doanh nghiệp Indonesia đang cân nhắc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh thay vì tươi, nhằm đáp ứng các quy chuẩn an toàn thực phẩm của Trung Quốc.

Việt Nam và Thái Lan chuyển hướng Ấn Độ, mở rộng thị phần quốc tế

Trong bối cảnh thị trường Trung Quốc ngày càng siết chặt tiêu chuẩn nhập khẩu, Thái Lan và Việt Nam – hai nhà cung cấp sầu riêng lớn nhất hiện nay – đang chủ động chuyển hướng sang các thị trường tiềm năng khác.

Thái Lan đặc biệt đẩy mạnh xuất khẩu sang Ấn Độ, châu Âu và Mỹ. Theo kế hoạch, trong tháng 4, Thủ tướng Ấn Độ dự kiến sẽ thăm Bangkok và Thái Lan kỳ vọng sẽ tận dụng sự kiện này để mở rộng kênh tiêu thụ cho sầu riêng. Chính phủ Thái cũng đã triển khai chiến dịch truyền thông và xúc tiến thương mại tại các siêu thị lớn tại New Delhi và Mumbai.

Về phía Việt Nam, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn cũng đã chuẩn bị kịch bản phân phối đa quốc gia, nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Cùng với việc nâng cấp cơ sở đóng gói và logistics tại các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, Việt Nam đang tăng tốc chuẩn hóa quy trình truy xuất nguồn gốc để đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường khó tính.

Động thái này không chỉ mở ra cơ hội tăng trưởng cho ngành sầu riêng, mà còn giúp nâng cao giá trị thương hiệu trái cây Việt trên bản đồ nông sản thế giới.

Kim Dung

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán