Hà Nội: 100 gian hàng tham gia Triển lãm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo huyện Thường Tín

04/11/2023 - 05:05
(Bankviet.com) Từ ngày 3/11 đến 5/11, diễn ra Triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo huyện Thường Tín, TP. Hà Nội năm 2023.
Cách nào để nâng tầm sản phẩm thủ công mỹ nghệ của đồng bào dân tộc? Xúc tiến, quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội tại thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) Festival Bảo tồn và phát triển Làng nghề Việt Nam 2023 sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 12/11/2023

Triển lãm có quy mô 100 gian hàng trưng bày, giới thiệu khoảng 500 - 600 sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo của các nghệ nhân và làng nghề tiêu biểu tại huyện Thường Tín và trên địa bàn TP. Hà Nội.

Nghệ nhân Vũ Huy Mến làng nghề sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín) bên những tác phẩm nghệ thuật của mình (ảnh Nguyễn Hạnh)
Nghệ nhân Vũ Huy Mến làng nghề sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín) bên những tác phẩm nghệ thuật của mình. Ảnh: Nguyễn Hạnh

Lễ khai mạc Triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo huyện Thường Tín - TP. Hà Nội năm 2023 được diễn ra vào 19h00 ngày 3/11/2023, tại Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao huyện Thường Tín.

Các hoạt động trải nghiệm, trình diễn nghề thủ công truyền thống như: Sơn mài Hạ Thái; thêu tay xã Dũng Tiến; thêu tay xã Thắng Lợi; lược sừng Thụy Ứng (xã Hòa Bình); điêu khắc gỗ (xã Hiền Giang) sẽ được diễn ra từ 8h00 - 17h00 ngày 4/11/2023.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 192 năm huyện Thường Tín, tỉnh Hà Nội xưa (TP. Hà Nội ngày nay), chào mừng Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 sẽ diễn ra vào 19h30 ngày 4/11/2023.

Đây là dịp để công chúng, những người yêu thích, quan tâm đến ngành thủ công mỹ nghệ có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm sáng tạo, có giá trị thẩm mỹ, mang tính ứng dụng cao của nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống, sản xuất và thân thiện với môi trường.

Triển lãm là tiền đề cho việc xây dựng và hình thành sàn giao dịch các thiết kế, mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo trên địa bàn thành phố, phục vụ cho phát triển ngành thủ công mỹ nghệ nói chung và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn Hà Nội.

Đồng thời tạo môi trường cung cấp thông tin trao đổi, tư vấn hiệu quả về thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ giữa các nhà thiết kế với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ngành thủ công mỹ nghệ.

Hiện Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề tập trung chủ yếu ở các nghề như mây tre đan, vàng bạc đồng kim khí, đồ gỗ mỹ nghệ, hoa nghệ thuật, sơn mài, khảm trai, gốm sứ, dệt lụa, thêu ren... Các nghề thủ công mỹ nghệ của Hà Nội đã và đang phát huy những giá trị truyền thống to lớn, tạo dựng bản sắc văn hóa riêng của Thăng Long - Hà Nội.

Thường Tín được biết đến không chỉ là vùng đất danh hương, khoa bảng mà còn là đất trăm nghề. Nhiều làng nghề nổi tiếng hình thành từ rất sớm mà tên làng gắn liền với sản phẩm của nghề như: Lược sừng Thụy Ứng; bánh dày Quán Gánh; sơn mài Hạ Thái; thêu Quất Động, Thắng Lợi, Dũng Tiến; tiện Nhị Khê; điêu khắc gỗ, đá Nhân Hiền; gỗ mỹ nghệ Vạn Điểm… Đặc biệt, nghề thêu phục chế trang phục cung đình ở làng Đông Cứu, xã Dũng Tiến được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo huyện Thường Tín - TP. Hà Nội năm 2023 góp phần phát huy tiềm năng thế mạnh của Thủ đô trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo; nâng cao nhận thức của các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn thành phố về ngành thiết kế và công nghiệp văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Đồng thời, kết nối, mở rộng hợp tác kinh doanh giữa các tổ chức, các chuyên gia, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực thiết kế và công nghiệp sáng tạo.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương