Đề nghị giám sát chất lượng nguồn nước tại các cơ sở cấp nước sạch TP Hải Phòng: Xử phạt Công ty CP Phát triển nước sạch Hưng Đạo vì cấp nước sạch không đạt tiêu chuẩn |
Khẩn trương ổn định nước sạch sinh hoạt tại khu đô thị Thanh Hà
Liên quan đến tình trạng hàng ngàn cư dân tại khu đô thị Thanh Hà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) nước có mùi thuốc tẩy, thiếu nước, mất nước nhiều ngày nay, ngày 17/10, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Công ty Nước sạch Hà Đông phối hợp với Công ty CP Nước mặt sông Đuống, Công ty CP Đầu tư Nước sạch sông Đà cùng các đơn vị liên quan điều tiết nguồn cấp ổn định cho khu đô thị Thanh Hà với sản lượng khoảng 2.000m3/ngày-đêm.
Nguồn cấp này được lấy từ nguồn Nhà máy nước sông Đuống với các trạm cấp nước do Công ty TNHH Nước sạch Hà Đông quản lý.
Khu đô thị Thanh Hà hiện có 23 tòa nhà với khoảng 16.000 cư dân sinh sống. |
Để bảo đảm cấp nước ổn định cho khu đô thị Thanh Hà về lâu dài, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 phối hợp Công ty CP Nước sạch Thanh Hà khẩn trương xây dựng kế hoạch cải tạo trạm cấp nước cục bộ trong khu đô thị trên.
Kế hoạch cần bảo đảm công suất thiết kế và chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, hoàn thành trước ngày 31/1/2024.
Cùng với đó, các đơn vị thực hiện công tác nội kiểm, thông báo công khai cho người dân, báo cáo gửi Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội và cơ quan có thẩm quyền để giám sát theo quy định, trước khi cấp nước cho người dân.
Theo Sở Xây dựng, trước đó, Sở đã nhận được kiến nghị của ông Nguyễn Phúc Thịnh - Tổ trưởng Tổ dân phố 3, khu đô thị Thanh Hà ngày 2/10/2023 phản ánh tình hình cung cấp nước sạch tại khu đô thị Thanh Hà: Mất nước cục bộ, chất lượng nước không đúng kiểm nghiểm nghiệm...
Ngày 11/10, Sở đã có văn bản số 8149/SXD-HT đề nghị các đơn vị phối hợp đảm bảo cấp nước ổn định cho khu đô thị Thanh Hà.
Ngày 13/10/2023, Sở đã chủ trì làm việc với các đơn vị: UBND huyện Thanh Oai, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC), Công ty CP phát triển địa ốc Cienco 5, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông, Công ty CP Nước sạch Sông Đuống, Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà, Công ty CP Nước sạch Nam Hà Nội, Công ty CP Nước sạch Thanh Oai và đại diện cư dân khu đô thị Thanh Hà... để rà soát, thống nhất các giải pháp cấp nước ổn định cho khu đô thị Thanh Hà.
Nhiều người dân sinh sống tại khu đô thị Thanh Hà khốn khổ vì mất nước, nước sạch không đảm bảo. |
Ngay sau văn bản của Sở Xây dựng được phát đi, ông Nguyễn Trọng Khiển - Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, Công ty Nước sạch Hà Đông đã trung chuyển nguồn nước từ sông Đuống về khu đô thị Thanh Hà với lưu lượng 800m3/ngày đêm.
Theo ông Khiển, huyện sẽ làm việc với Công ty Nước sạch Hà Đông và đề nghị tăng công suất đảm bảo cung cấp nước cho khu đô thị Thanh Hà.
Ngoài ra, huyện Thanh Oai cũng đề nghị Sở Xây dựng, UBND TP Hà Nội cho phép đấu nối đường ống từ ngã ba Xa La về khu đô thị Thanh Hà và yêu cầu doanh nghiệp liên quan thực hiện cải tạo trạm cấp nước.
Thiếu nước, nước nhiễm Amoni, Clo, nguyên nhân từ đâu?
Khu đô thị Thanh Hà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) đang có khoảng 16.000 người dân sinh sống, tại 23 tòa nhà. Từ những ngày đầu tháng 10/2023, nguồn nước sạch đổ về các tòa nhà tại khu đô thị Thanh Hà xuất hiện mùi thuốc tẩy.
Sau đó, không ít người dân, trong đó có cả trẻ nhỏ xuất hiện mẩn ngứa, dị ứng da, đỏ nhiều vùng da. Hiện tượng này đã gây ra nhiều lo lắng trong cư dân, đặc biệt là các phụ nữ mang thai.
Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Trí (66 tuổi, cư dân sinh sống tại khu đô thị Thanh Hà) khẳng định: “Nước sạch sinh hoạt rất bất thường vì xả nước ra có rất nhiều mùi clo, mùi giống như thuốc tẩy và rất khó ngửi. Cháu trai tôi tắm là bị ngứa ở trên má, quanh môi, người lớn vào nhà tắm mà đóng cửa cũng rất khó thở”.
Bà Trần Thị Trí bức xúc với phóng viên về tình trạng nước sạch có mùi thuốc tẩy. |
Bà Trần Thị Trí bức xúc, bà và cháu trai đều xuất hiện mẩn ngứa, dị ứng da trong thời gian nước sạch sinh hoạt có mùi clo.
Theo bà Trí, trước đây, nước sạch sinh hoạt không bị nặng mùi, chỉ thỉnh thoảng mất nước (khoảng 2 tháng trước đây). Tuy nhiên, từ đầu tháng 10 là nước sạch bắt đầu nặng mùi. Trong tình thế buộc phải sử dụng nước sạch sinh hoạt, bà Trí lo lắng nước sạch sinh hoạt ảnh hưởng tới sức khỏe gia đình và nước bị nhiễm chất gì, chất đó ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe người dùng(?).
Bởi bà Trí cho rằng, bằng mắt thường không thể nhận biết nước có ô nhiễm, có bẩn hay không, mà chỉ có thể nhận biết bằng khứu giác. Do đó, để giải quyết tình trạng khan nguồn cung nước sạch, gia đình bà Trí đã mua các bình nước đóng chai để sử dụng thay thế.
“Người lớn vẫn bắt buộc phải tắm nước vòi, còn trẻ nhỏ thì chúng tôi sử dụng nước đóng bình để tắm. Mỗi bình nước 5 lít chúng tôi phải mua với giá 30.000 đồng”, bà Trí cho hay.
Chung tình cảnh với bà Trí, chị Nguyễn Thị Ánh (SN1997, cư dân khu đô thị Thanh Hà) luôn trang bị cho gia đình thuốc bôi trị ngứa, dị ứng mỗi khi cơ thể xuất hiện các nốt mẩn đỏ.
Chị Ánh bức xúc: “Nước không được sạch, xuất hiện mùi nồng, có đôi lúc sử dụng hay bị nhớt ra tay, tay và chân bị ngứa thường xuyên nhưng chúng tôi vẫn phải dùng vì có mỗi nước này. Lúc ngứa thì bôi thuốc là hết”.
Theo chị Ánh, hiện tượng nước có mùi thuốc tẩy bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 10/2023.
Ghi nhận của phóng viên trong những ngày qua cho thấy, nhiều người sinh sống tại KĐT Thanh Hà vẫn mang trong mình nỗi hoang mang, lo lắng về chất lượng nước sinh hoạt. Rất nhiều gia đình đã mua nước đóng chai/bình để sử dụng trong thời gian trước mắt.
Theo kết quả xét nghiệm môi trường của Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) ngày 10/10, thành phầm Amini trong nước đạt ngưỡng 11,46 mg/l. Ảnh: NVCC |
Chị Trần Thị An – sinh sống ở toàn HH03-D cho biết, sau khi nhận thông tin phản ánh của người dân, các đơn vị chức năng đã tiến hành lấy mẫu nước tại gia đình chị An để xét nghiệm môi trường. Đến ngày 10/10, Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) đã thông báo kết quả xét nghiệm hàm lượng Amoni trong nước 11,46 mg/l, gấp 38 lần ngưỡng cho phép, hàm lượng clo cũng vượt ngưỡng hàng chục lần.
Theo chị An, sau khi nhận kết quả xét nghiệm, rất nhiều người dân tại đây đã tỏ rõ sự lo lắng vì khi tiếp cận được kết quả, người dân đã tìm hiểu qua nhiều nguồn và biết rằng, chỉ số Amoni là một tác nhân gây nên ung thư. Bởi vậy, chị An đã “thủ” sẵn nhiều thùng nước đóng chai để sử dụng thay thế nước sạch sinh hoạt trong tòa nhà.
Theo chị An, hiện nay, các cư dân sinh sống tại khu đô thị Thanh Hà đang mua nước sạch sinh hoạt với giá khoảng 5.973 đồng/m3 với 10 khối đầu và hơn 7.000 đồng đồng/m3 với lượng sử dụng từ 10 – 20m3.
Không chỉ phải sử dụng nước sạch sinh hoạt có mùi, những ngày này, các cư dân tại KĐT Thanh Hà cũng đang đối diện với tình trạng mất nước, thiếu nguồn cung nước sạch phục vụ sinh hoạt người dân.
Trước tình trạng này, ông Dương Đình Trình – Phó giám đốc Công ty CP nước sạch Thanh Hà đã có thông tin tới báo chí.
Ông Trình lý giải, hiện tượng nước nặng mùi là do nguồn cung cấp nước sạch không thể đáp ứng được nguồn cầu cho khu đô thị Thanh Hà. Do đó, để giải quyết tình thế cấp bách, Công ty CP nước sạch Thanh Hà đã sử dụng một phần nước giếng khoan thay thế. Theo ông Trình, vì lưu lượng thay đổi và phải bổ sung nước sạch quá gấp nên chưa thể xử lý kịp các vấn đề vi sinh.
Ngọc Linh