Hà Nội làm gì để phòng, chống cháy nổ?

02/07/2024 - 19:19
(Bankviet.com) Một trong những giải pháp được UBND TP. Hà Nội đề xuất để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác PCCC là bổ sung nguồn nước vào ngõ, phố nhỏ.
Hà Nội: Nghi có người nhảy cầu Vĩnh Tuy, để lại thư tuyệt mệnh với đôi dép và số điện thoại Phú Yên: Nâng cao ý thức người dân trong phòng tránh cháy nổ điện Bình Dương: Kiểm tra, tuyên truyền phòng ngừa các sự cố cháy nổ về điện

Sáng 2/7, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ mười bảy, HĐND thành phố Hà Nội đã có báo cáo tổng hợp ý kiến của các đại biểu thảo luận tại các tổ. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã trả lời, làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm.

Về Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC & CNCH) trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030, các đại biểu đề nghị UBND thành phố rà soát, cập nhật những nội dung liên quan trong Luật Thủ đô (sửa đổi), Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2050 và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô tầm nhìn đến năm 2065.

Hà Nội làm gì để phòng, chống cháy nổ?
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã trả lời, làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, trong quá trình xây dựng Đề án, UBND thành phố đã bám sát định hướng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), tiếp thu ý kiến của Ban pháp chế HĐND thành phố, UBND thành phố đã cập nhật, bổ sung ngay những vấn đề liên quan công tác PCCC và CNCH của Luật vào dự thảo Đề án.

Cụ thể, về biện pháp xử lý đối với các cơ sở, công trình vi phạm về PCCC, HĐND thành phố quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định.

Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cấp điện, cấp nước đối với một số trường hợp công trình vi phạm về PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và các cơ sở karaoke, vũ trường không bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC.

Quá trình xây dựng dự thảo, UBND thành phố đã chỉ đạo đồng bộ để thống nhất các nội dung Đề án với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 gồm: Hệ thống giao thông phục vụ PCCC, hệ thống cung cấp nước phục vụ PCCC, hệ thống thông tin liên lạc phục vụ PCCC, quy hoạch mạng lưới doanh trại, trụ sở đơn vị Cảnh sát PCCC&CNCH...

Hà Nội làm gì để phòng, chống cháy nổ?
Các đại biểu tại kỳ họp

Bên cạnh việc rà soát, bổ sung các nội dung quy định liên quan PCCC tại Luật Thủ đô (sửa đổi), UBND thành phố đã cập nhật ngay các văn bản về PCCC mới nhất vừa được ban hành là Nghị định số 50 ngày 10/5/2024 của Chính phủ và định hướng tại dự thảo Luật PCCC và CNCH vừa được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7.

Với ý kiến của đại biểu về việc rà soát kỹ nguồn kinh phí trước khi quyết định ban hành Đề án, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, theo tờ trình của UBND thành phố, sơ bộ khái toán dự kiến kinh phí để thực hiện Đề án đến năm 2030 là khoảng 26.341 tỷ đồng; nhưng thực tế có đến 19.960 tỷ đồng (chiếm 75,8%) là để thực hiện theo quy định pháp luật, các Nghị quyết, Đề án, Chương trình, Kế hoạch về PCCC mà HĐND, UBND thành phố đã ban hành.

Đối với nội dung này, UBND thành phố đã tổ chức khảo sát, lấy ý kiến (trong đó có Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư) để đảm bảo tính thống nhất. Sau khi đề án được ban hành, UBND thành phố giao các đơn vị khảo sát, lập các dự án, gói dự án, dự toán kinh phí cụ thể để thực hiện Đề án; đảm bảo việc sử dụng nguồn kinh phí, ngân sách được hiệu quả, đúng quy định pháp luật.

Với kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những giải pháp, cơ chế, chính sách có tính đột phá, ưu tiên những giải pháp mang tính khả thi để khắc phục các tồn tại, vướng mắc trong công tác PCCC và CNCH của thành phố… Ông Dương Đức Tuấn cho biết, tại dự thảo Đề án, UBND thành phố đã đề xuất một số giải pháp: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về PCCC của chủ cơ sở, chủ hộ gia đình, thực hiện ngay các giải pháp trước mắt, trong đó, có giải pháp ngăn cháy, thoát nạn, lắp đặt phương tiện cảnh báo cháy sớm. Đối với hạ tầng, cần bổ sung nguồn nước vào ngõ nhỏ, phố nhỏ trong các khu dân cư.

Bên cạnh đó, thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) và Chỉ thị số 19 ngày 24/6/2024 của Chính phủ, UBND thành phố tiếp tục nghiên cứu tham mưu HĐND thành phố các quy định cụ thể về chế tài xử lý đối với các công trình vi phạm; có hướng dẫn cụ thể về giải pháp để đảm bảo an toàn cho nhóm cơ sở loại hình nhà trọ, chung cư mini, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh.

Đối với việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả 5 nhóm giải pháp, 13 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá và 5 nhiệm vụ định kỳ, thường xuyên nêu tại dự thảo Đề án… Phó Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, sau khi được HĐND thành phố thống nhất thông qua về chủ trương, UBND thành phố sẽ ký quyết định ban hành Đề án và đồng thời có kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích, yêu cầu, tiến độ đề ra; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác PCCC và CNCH của thành phố.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết của HĐND thành phố (đặc biệt là tập trung tuyên truyền nội dung của Đề án, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và người dân) từ trong lực lượng PCCC tới toàn thể nhân dân, đảm bảo thực hiện Nghị quyết thực sự hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân cũng như huy động được sự tham gia của toàn xã hội trong công tác PCCC và CNCH của thành phố…

Phong Vân - Linh Phạm

Theo: Báo Công Thương