Hà Nội: Thủ phủ thời trang Ninh Hiệp ế khách, tiểu thương xoay chiều bán hàng trên "chợ mạng"

09/03/2024 - 15:23
(Bankviet.com) Trước đây, chợ đầu mối quần áo Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) luôn tấp nập, nhưng nhiều tháng trở lại đây, tình hình kinh doanh của các tiểu thương rất ế ẩm.
Quản lý thị trường Hà Nội tiếp tục kiểm tra hàng giả hàng nhái tại điểm nóng Ninh Hiệp Thu giữ gần 4.700 hàng giả, nhái, nhập lậu ở chợ Ninh Hiệp Tiểu thương chợ Ninh Hiệp đồng loạt đóng cửa, “né’ sự truy quét hàng giả

Người mua hàng vắng bóng, chủ buôn ngao ngán

Với gần 4.000 hộ kinh doanh - chợ Ninh Hiệp được biết đến là thủ phủ thời trang lớn nhất miền Bắc. Trước đây, khu vực này hàng ngày luôn tấp nập người mua kẻ bán và vận chuyển hàng. Nhưng mấy năm trở lại đây không còn cảnh tượng đó, mà đổi lại là cảnh đìu hiu, ế ẩm.

Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày này chợ Ninh Hiệp luôn trong tình trạng vắng người. Một số chủ buôn chán nản ngồi sử dụng điện thoại, có người thì ngồi ngóng khách đến mua hàng. Theo khảo sát, đa số các mặt hàng đều treo biển giảm giá, nhưng chẳng có khách mua buôn.

Hà Nội: Thủ phủ thời trang Ninh Hiệp ế khách, tiểu thương xoay chiều bán hàng trên
Xã Ninh Hiệp có rất nhiều khu chợ thời trang nổi tiếng sầm uất, nhưng giờ rơi cảnh đìu hiu, vắng vẻ

Theo lý giải của các cơ sở kinh doanh thời trang tại chợ Ninh Hiệp, với sự cạnh tranh từ các trung tâm thương mại lớn và phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử. Số lượng khách đến chợ ngày một ít đi. Không còn những cảnh tượng mua bán tấp nập, người ra người vào như trước đây, khiến nhiều hộ kinh doanh phải đối mặt với tình trạng hàng hóa ứ đọng, không lưu thông.

Vì ế ẩm nên chủ cơ sở kinh doanh cũng không dám nhập nhiều hàng mới, hàng cũ lại khó bán nên lâu dần, chợ thưa thớt người qua lại. Nhiều cửa hàng cũng chỉ treo lèo tèo vài mẫu hàng.

Chị Ngọc – chủ một cửa hàng tại chợ Ninh Hiệp cho biết: “Thông thường vào dịp đầu năm, khách đến gom hàng rất nhiều do đây là thời điểm chuẩn bị cho đầu mùa hè nên nhiều mẫu mã mới, đẹp. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây việc buôn bán đã không còn diễn ra như xưa”.

Các chủ hàng ngồi bấm điện thoại và trong tình trạng ngán ngẩm

Các hộ kinh doanh cũng chia sẻ thêm, chi phí hoạt động một ngày để duy trì 1 ki-ôt cũng không hề nhỏ. Nếu tính 4 nhân công lao động với mức lương trung bình 7 triệu đồng/tháng cộng thêm tiền thuê ki-ôt (trung bình khoảng 8m2) sẽ rơi vào khoảng 60 triệu đồng/tháng. Cái khó là khách thuê ki-ôt phải đóng tiền theo năm. Theo tính toán, trung bình nếu duy trì có cửa hàng vắng khách mỗi ngày lỗ vài triệu đồng. Vì vậy, nhiều ki-ôt đã phải đóng cửa, sang nhượng hoặc cho thuê lại cửa hàng.

Hà Nội: Thủ phủ thời trang Ninh Hiệp ế khách, tiểu thương xoay chiều bán hàng trên
Nhiều ki-ôt phải đóng cửa, sang nhượng cho thuê lại cửa hàng

Hiệu quả từ việc thay đổi phương thức kinh doanh

Trước tình trạng hàng hóa ế ẩm, một số chủ buôn đã nhanh nhạy thay đổi thể thức kinh doanh như lên các sàn thương mại điện tử, hoặc livestream trên các nền tảng mạng xã hội nổi tiếng như: TikTok, Facebook, Shopee... và đã đem lại những kết quả khả quan.

Theo ghi nhận, nhiều chủ buôn ở Trung tâm thương mại Sơn Long đang dần chuyển đổi sang mô hình bán trực tuyến trên sàn thương mại điện tử và tạo ra doanh số tích cực. So với việc ngồi yên chờ khách đến mua, đây được xem là một cách bán hàng hiệu quả trong bối cảnh hiện nay.

Theo anh Tâm – một chủ hàng đang bán quần áo trên Tiktok shop cho biết, với tâm lý của nhiều người, nếu đặt hàng với số lượng lớn, họ vẫn đến xem quần áo tận nơi rồi mới lấy. Đơn hàng online chủ yếu là đơn nhỏ lẻ. "Chính cách bán hàng này giúp tôi có thêm nhiều khách hàng mới và bán được nhiều hơn hẳn so với ngày trước", anh Tâm nói.

Hà Nội: Thủ phủ thời trang Ninh Hiệp ế khách, tiểu thương xoay chiều bán hàng trên
Bán hàng qua sàn thương mại điện tử đang là phương thức kinh doanh hiệu quả cho nhiều cửa hàng

"Thông qua việc livestream bán hàng, dần dần tình hình buôn bán đã khả quan hơn. Nếu như thời điểm đầu, người xem không nhiều vì chưa quen, hiện nay lượng khách hàng xem đã lên tới cả trăm người, số lượng đơn hàng chốt được cũng tăng cao. Đây được xem là hướng đi mới trong việc cải thiện tình hình kinh doanh tại đây", anh Tâm cho biết thêm.

Có thể thấy, hoạt động kinh doanh trên thương mại điện tử đã đem lại hiệu quả và là giải pháp hữu hiệu cho nhiều cơ sở kinh doanh hàng hóa theo phương thức trực tiếp. Theo Metric hiện có 637.273 shop bán hàng trên 5 sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, Sendo,trong vòng một năm từ 1/9/2022 đến 31/8/2023, tổng doanh thu ngành hàng thời trang trên các sàn thương mại điện tử khoảng 38.500 tỷ đồng, hơn 365 triệu sản phẩm giao thành công.

Năm 2023 đã bùng nổ mạnh mẽ hình thức livestream và bán hàng đa kênh đã đem lại doanh thu khổng lồ cho những nhà bán hàng thương mại điện tử chuyên nghiệp.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, thương mại điện tử những năm qua đang dần phổ biến và khẳng định vai trò quan trọng tạo ra sự đa dạng trong cách tiếp cận khách hàng mới. Thay vì ngồi một chỗ trông chờ khách đến thì nay cơ hội vẫn còn đang mở bung cho những ai biết nắm bắt.

Trung Đức

Theo: Báo Công Thương