Áp lực tỷ giá neo cao
Trong thời gian qua, tỷ giá liên tục xô đổ các kỷ lục dưới những áp lực trong nước như giá vàng trong nước vẫn chưa cho thấy chiều hướng giảm và vào cuộc họp ngày 20/3, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra quyết định giữ nguyên lãi suất khiến cho việc chênh lệch lãi suất giữa USD-VND tiếp tục kéo dài.
Đối với áp lực tỷ giá, CTCK Rồng Việt (VDSC) đưa ra quan điểm, VND có thể mất giá khoảng 3% trong nửa đầu năm 2024. Đã có thời điểm, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đã vượt ngưỡng tâm lý là 25.000 VND/USD.
Tỷ giá niêm yết của Vietcombank đã tăng lên 25.130 VND/USD tại phiên giao dịch ngày 3/4, tăng 2,9% so với cuối năm 2024.
"Tỷ giá trên thị trường vượt đỉnh cũ đã thiết lập vào tháng 11/2022, đà tăng này có thể tiếp diễn đưa tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng lên sát ngưỡng 25.500 đồng/USD như mức neo của tỷ giá trên thị trường tự do. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kỳ vọng áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt trong nửa sau của quý II/2024 khi FED bắt đầu cắt giảm lãi suất", chuyên gia VDSC đánh giá.
CTCK MB (MBS Research) cũng cho rằng, việc tỷ giá tăng chỉ là tạm thời và tỷ giá có thể quay trở lại vùng dao động trong khoảng 24.500 – 24.800 VND/USD trong những tháng tiếp theo.
Những yếu tố tích cực hỗ trợ tỷ giá được chuyên gia MBS chỉ ra, bao gồm:
Thứ nhất, Chính phủ đã có những chỉ đạo kiểm soát để bình ổn thị trường vàng.
Thứ hai, giới đầu tư đang kỳ vọng FED sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào kỳ họp vào tháng 6 và điều này sẽ thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa USD và VND, góp phần hạn chế hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất và giảm áp lực mất giá đối với VND.
Thứ ba, những yếu tố vĩ mô tích cực. Số liệu thặng dư thương mại lạc quan khi lũy kế 3 tháng đầu năm 2024 đạt 8 tỷ USD (gấp 2 lần so với cùng kỳ), dự trữ ngoại hối vẫn đang ở mức tốt và dự kiến đạt 110 tỷ USD trong năm 2024. Dòng vốn FDI thực hiện 3 tháng ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Du lịch phục hồi mạnh mẽ khi khách quốc tế đến Việt Nam trong quý I/2024 tăng 72% so với cùng kỳ và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra đạidịch COVID-19.
"Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024", MBS Research nhấn mạnh.
Tại hội thảo “Khơi thông nguồn vốn ra thị trường” mới đây, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành linh hoạt, sử dụng các công cụ điều hành trong điều kiện cần thiết sẽ can thiệp từ quỹ dự trữ quốc gia.
Dư thừa thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng
Kể từ đầu tháng 3, diễn biến lãi suất liên ngân hàng cho thấy chiều hướng giảm từ mức lãi suất 1,4% xuống còn 0,8% khi nhu cầu sử dụng tiền đã không còn căng thẳng sau dịp Tết nguyên đán. Nhu cầu tín dụng yếu khiến thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng dư thừa.
Để ứng phó với vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đã hút về một lượng tiền với quy mô khoảng 163,5 nghìn tỷ đồng trên thị trường mở (tính đến ngày 3/4/2024).
Theo quan sát, việc hút ròng qua kênh tín phiếu Ngân hàng Nhà nước được kích hoạt từ 11/3 và duy trì hơn nửa tháng, lãi suất bình quân là 1,5%/năm và kỳ hạn là 28 ngày. Lượng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước đang lưu hành trên thị trường là 172 nghìn tỷ đồng, sẽ đáo hạn dần trong tháng 4/2024.
Ở chiều ngược lại, Ngân hàng Nhà nước có động thái bơm tiền qua kênh thị trường mở trong hai phiên giao dịch đầu tháng 4 với quy mô khoảng 8,5 nghìn tỷ đồng, lãi suất cho vay kỳ hạn 7 ngày là 4%/năm.
Đánh giá về động thái trên, VDSC cho biết, vào tháng 4/2023, sau một đợt hút ròng với kỳ hạn dài mà tiền chưa quay trở lại hệ thống, Ngân hàng Nhà nước cũng có hành động tương tự khi thực hiện bơm tiền qua nghiệp vụ mua kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản cho hệ thống.
"Do đó, chúng tôi cho rằng hoạt động điều tiết của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường mở không phải là vấn đề đáng quan ngại...", chuyên gia VDSC lưu ý.
Câu hỏi đang chờ đợi trong quý II và cả thời gian còn lại của năm 2024 là mức độ phục hồi của nhu cầu vốn trong nền kinh tế.
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 25/3/2024 đạt 0,26% so với cuối năm trước. Mức tăng trưởng trong hoạt động cho vay của nền kinh tế trong quý I/2024 như vậy là thấp hơn đáng kể so với diễn biến các năm trước (trung bình 5 năm giai đoạn 2019-2023, tín dụng tăng 3,2% so với đầu năm).
Hiện tại, mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 đã giảm cả ở chiều huy động và cho vay. Theo thống kê của NHNN, lãi suất huy động giảm chậm hơn lãi suất cho vay trong quý I/2024, giảm lần lượt 40 điểm cơ bản và 60 điểm cơ bản so với đầu năm.
"Chúng tôi cũng quan sát thấy nhiều ngân hàng tích cực đưa ra các ưu đãi nhằm kích thích nhu cầu vay vốn. Cùng với hoạt động kinh tế quý I/2024 vẫn tạo tiền đề cho sự cải thiện trong các quý tới, chúng tôi duy trì quan điểm lạc quan trong thận trọng rằng doanh nghiệp và người dân sẽ "thẩm thấu" được tác động trễ của chính sách nới lỏng tiền tệ trong các quý tới, từ đó bộc lộ được qua hành vi tăng tiêu dùng và đầu tư", chuyên gia VDSC lưu ý.
MBS dự báo, lãi suất đầu vào có khả năng tạo đáy trong quý II/2024 và cải thiện nhẹ trong bối cảnh khả năng kinh tế hồi phục và tín dụng dần cải thiện.
"Chúng tôi dự kiến lãi suất huy động sẽ tăng khoảng 0,3%-0,5% và sẽ tiến dần về mức lãi suất tại thời điểm đầu năm khi một số ngân hàng đã cho thấy có sự điều chỉnh huy động trái chiều trong tháng 3", chuyên gia MBS Research nhận định.
Mặt khác, các chuyên gia cũng cho rằng, thị trường bất động sản đang có những dấu hiệu ấm dần trở lại do nhu cầu gia tăng và nguồn cung bị hạn chế trong 2 năm gần đây khi gần như không có dự án mới được phê duyệt sẽ thúc đẩy tín dụng tại các sản phẩm bất động sản thứ cấp.
Bên cạnh đó, việc duy trì mức lãi suất thấp như hiện tại của Ngân hàng Nhà nước tác động tích cực đến mở rộng kinh doanh và gia tăng trữ lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp, sẽ được đẩy mạnh giúp tăng trưởng tín dụng cải thiện trong 6 tháng tới.
Quỳnh Lê