Vụ 4 tiếp viên hàng không xách hơn 11kg ma tuý: Khởi tố 55 bị can TP. Hồ Chí Minh: Khởi tố vụ án tiếp viên hàng không “làm lây lan dịch Covid-19” |
Ngày 7/9, dư luận trong nước xôn xao trước thông tin vụ việc hai nữ tiếp viên hàng không bị cảnh sát thành phố Incheon (phía tây thủ đô Seoul, Hàn Quốc) bắt giữ, để điều tra về hành vi buôn lậu tinh dầu cần sa.
Theo báo chí Hàn Quốc, hai tiếp viên khoảng 20 tuổi, bị cáo buộc mang số tinh dầu cần sa trị giá 300 triệu Won (khoảng hơn 5 tỷ đồng) tới Hàn Quốc. Tinh dầu cần sa được để vào các hộp đựng mỹ phẩm, giấu trong hành lý.
Kết quả điều tra từ phía cảnh sát Incheon cho thấy 2 nữ tiếp viên khai nhận việc chuyển hộ hàng hóa từ Việt Nam sang Hàn Quốc và ngược lại. Mỗi lần vận chuyển các tiếp viên này nhận được khoảng 68.000 Won (1,2 triệu VND). Hai nữ tiếp viên nói rằng chỉ nhận chuyển hàng hộ, không biết bên trong là chất bị cấm.
Liên quan đến vụ việc trên, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đã nắm được thông tin hai tiếp viên hàng không bị bắt tại Hàn Quốc, vì tình nghi buôn lậu tinh dầu cần sa và yêu cầu các hãng hàng không báo cáo.
Hiện chưa rõ danh tính của 2 nữ tiếp viên nói trên, tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là nếu trường hợp cơ quan chức năng Hàn Quốc xác định chính xác số hàng hóa đó là cần sa dạng lỏng và có hành vi buôn lậu ma túy, thì 2 nữ tiếp viên sẽ bị xử lý như thế nào? Và trong trường hợp này, 2 nữ tiếp viên sẽ phải làm gì để bảo vệ chính mình trước nghi vấn liên quan vụ việc và đang bị bắt giữ tại Hàn Quốc?
Tiếp viên hàng không Việt Nam bị bắt vì tình nghi buôn lậu tinh dầu cần sa vào Hàn Quốc. (Ảnh: MBC) |
Về vấn đề này, luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, vụ việc phát hiện liên quan đến 2 nữ tiếp viên mang vật mỹ phẩm nhưng trong đó có chứa chất cấm (ma túy, chất gây nghiện,..) xảy ra tại Hàn Quốc, nếu không có ngoại lệ thì sẽ do cơ quan Hàn Quốc điều tra và xét xử theo pháp luật Hàn Quốc. Trước hết, 2 nữ tiếp viên đang bị bắt giữ để điều tra và sau đó sẽ có kết luận của cơ quan Hàn Quốc, lúc đó mới xác định 2 nữ tiếp viên có phạm tội hay không.
Theo luật sư Phượng, với tình hình hiện nay, gia đình hoặc sự giúp đỡ của cộng đồng, đơn vị sử dụng lao động nên tìm kiếm luật sư hành nghề đăng ký tại Hàn Quốc, để tiếp xúc với 2 nữ tiếp viên. Việc này đầu tiên là để trấn an tinh thần và đồng thời nắm được thông tin vụ việc, diễn biến việc điều tra và luật sư sẽ có các phương án để xác minh, tìm các hướng để bảo vệ cho họ.
Một vấn đề khác cũng được nhắc đến, đó là trường hợp nếu đúng như lời 2 nữ tiếp viên khai nhận chỉ vận chuyển hàng hộ và không biết việc hàng hóa đó là cần sa dạng lỏng, thì sẽ bị xử lý như thế nào? Luật sư Phượng cho rằng, vụ việc này sẽ được giải quyết tại Hàn Quốc, với những nguyên tắc chung của pháp luật với các quốc gia phát triển, việc vận chuyển hàng hóa cho người khác nhưng không biết, không thể phát hiện ra chất bị cấm, thì khả năng không bị xử lý hình sự (không phạm tội) có thể được đặt ra.
“Tuy nhiên, tùy theo từng vụ việc cụ thể sẽ có những đánh giá khác nhau, trong đó việc xác định nhận thức của 2 nữ tiếp viên, lịch sử những lần trước đó, các chứng cứ trao đổi, trả công... và sẽ thể hiện tại kết luận của cơ quan Hàn Quốc”, luật sư Trần Đức Phượng phân tích.
Theo đánh giá của các chuyên gia pháp lý, với tình trạng hiện nay, nếu mời luật sư hành nghề đăng ký tại Hàn Quốc thì họ sẽ có đủ chức năng hành nghề và có những phương án bảo vệ tốt nhất, trực tiếp đối với hai nữ nhân viên này. Với cơ quan chức năng của Việt Nam (tại Việt Nam hoặc cơ quan đại diện tại Hàn Quốc), thì có thể thông qua quan hệ ngoại giao để nắm bắt các thông tin liên quan đến vụ việc. Từ đó, có các biện pháp hỗ trợ như xác minh thông tin, tài liệu tại Việt Nam, tìm kiếm luật sư...
Ngoài ra, những vụ việc mà nạn nhân là người bị những kẻ chủ mưu lợi dụng để vận chuyển chất cấm cho chúng, vấn đề cung cấp càng nhiều thông tin liên quan cho cơ quan thẩm quyền thì càng tốt bấy nhiêu. Chỉ khi có đầy đủ diễn biến của vụ việc, thì càng chứng minh cho việc họ bị lợi dụng.
Khôi Nguyên