Thị trường bất động vẫn nóng với nhiều thương vụ M&A Kỳ vọng sức bật của thị trường M&A năm 2021 62.000 thương vụ M&A trên toàn cầu được thực hiện trong năm 2021 |
Bất động sản chiếm số lượng giao dịch lớn
Báo cáo “Hoạt động tập trung kinh tế 6 tháng đầu năm 2022” vừa được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) phát hành cho biết, năm 2022 là một năm sôi động đối với các giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam. Hoạt động M&A tiếp tục thu hút nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp trong nước, quỹ đầu tư nước ngoài; các doanh nghiệp cũng sử dụng M&A để tập trung nguồn lực vào việc nâng cao năng lực doanh nghiệp và chuyển đổi các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.
Thống kê của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay các lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, công nghiệp, nông nghiệp, thực phẩm, thương mại điện tử, logistics chứng kiến nhiều giao dịch M&A.
Cụ thể, lĩnh vực bất động sản có khoảng 20 M&A giao dịch nổi bật, đáng chú ý là giao dịch Công ty CP DRH Holdings cho công ty con là Công ty CP Kinh doanh và Phát triển Bất động sản Đông Sài Gòn nhận chuyển nhượng lên đến 99% cổ phần tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Hòa Bình; Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) mua 57,82 triệu cổ phiếu Công ty CP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex; Công ty CP Phát triển Sunshine Homes đã quyết định nhận chuyển nhượng cổ phần tại Công ty CP Sao Ánh Dương...
Capital Place - tòa nhà văn phòng hạng A ở trung tâm Hà Nội được Viva Land mua lại với giá 550 triệu USD |
Lĩnh vực bán lẻ có khoảng 10 giao dịch nổi bật, trong đó nổi bật Masan chi 110 triệu USD (tương đương 2.500 tỷ đồng) để mua thêm 31% cổ phần và trở thành công ty mẹ của chuỗi trà sữa Phúc Long. Sau giao dịch, Tập đoàn Masan sở hữu tổng cộng 51% cổ phần Phúc Long.
Ngân hàng Singapore United Overseas Bank (UOB) mua lại mảng bán lẻ của Citigroup tại 4 quốc gia Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam với giá khoảng 4,915 tỷ đô la Singapore. Hay, Thế Giới Di Động liên doanh với PT Erafone Aratha Retailindo, công ty con của Tập đoàn Erajaya để thành lập PT Era Blue Elektronic.
Trong lĩnh vực thực phẩm có khoảng 7 giao dịch nổi bật: Giao dịch M&A giữa Nova Consumer và Công ty TNHH Thực phẩm Mặt trời mọc (Sunrise Foods), qua đó Nova Consumer sở hữu công ty Anco Family Food; Liên doanh giữa Hoàng Anh Gia Lai và Công ty Dược phẩm Đông Á để thành lập Công ty Bapi; Temasek, SeaTown Private Capital Master Fund (Singapore) và Periwinkle Pte Ltd mua 35,95% cổ phần trong Golden Gate từ Prosperity Food Concepts Pte. Ltd (Singapore) và các cổ đông cá nhân khác…
Ngoài ra, một số giao dịch điển hình trong 6 tháng đầu năm 2022 trong các lĩnh vực khác có thể kể đến: Nhóm doanh nghiệp của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai mua 100% cổ phần của Công ty Cổ phần Gia súc Lơ Pang; Công ty cổ phần Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ liên doanh với Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam hợp tác phát triển chăn nuôi lợn; Tập đoàn PAN đã chi hơn 524 tỷ mua thâu tóm cổ phiếu Bibica.
Doanh nghiệp nội tiếp tục chiếm ưu thế
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã tiếp nhận tới 62 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, xấp xỉ số hồ sơ tiếp nhận trong cả năm 2020 và bằng gần 1⁄2 số hồ sơ tiếp nhận trong năm 2021.
Hầu hết các giao dịch tập trung kinh tế nộp hồ sơ thông báo đến Cục thuộc ngưỡng thông báo về tổng doanh thu, tổng tài sản của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế, chiếm gần 92% tổng số hồ sơ thông báo.
Chủ thể tham gia giao dịch tập trung kinh tế là các doanh nghiệp với loại hình đa dạng, gồm công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty liên doanh. Mỗi giao dịch có từ hai doanh nghiệp tham gia trở lên.
Trong 62 giao dịch tập trung kinh tế được thông báo tới Cục có tổng số 202 doanh nghiệp tham gia, trong đó, số lượng doanh nghiệp nước ngoài (được thành lập và hoạt động tại nước ngoài) là 82 doanh nghiệp (chiếm 40,59%), trong khi số lượng các doanh nghiệp nội địa chiếm ưu thế hơn với 120 doanh nghiệp (chiếm 59,41%).
“Tỷ lệ này có sự thay đổi đáng kể so với năm 2021, khi tương quan giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước lần lượt khi đó là 24,93% và 75,07%” - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhận định.
6 tháng đầu năm 2022, thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam sôi động với hàng loạt thương vụ M&A “đình đám” |
Cũng trong 62 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, có 51 giao dịch tập trung kinh tế có hình thức mua lại doanh nghiệp, chiếm 82% tổng số giao dịch được thông báo; 3 giao dịch tập trung kinh tế có hình thức sáp nhập doanh nghiệp, chiếm 5% tổng số giao dịch được thông báo; 8 giao dịch tập trung kinh tế có hình thức liên doanh giữa các doanh nghiệp, chiếm 13% tổng số giao dịch được thông báo.
Trong 62 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, số lượng giao dịch được thực hiện tại Việt Nam chiếm đa số với 39 giao dịch, chiếm 62,9%, trong khi đó 37% số giao dịch được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam với 23 giao dịch.
Đa số các giao dịch tập trung kinh tế thông báo được thực hiện tại Việt Nam (chiếm 63%). Trong đó, đa phần các bên tham gia tập trung kinh tế là các doanh nghiệp Việt Nam và một bên là doanh nghiệp Việt Nam hoặc doanh nghiệp nước ngoài.
Các doanh nghiệp tham gia giao dịch tập trung kinh tế này đều có thị phần hoặc thị phần kết hợp dưới 20% (dưới ngưỡng an toàn). Trong đó, số giao dịch tập trung kinh tế có thị phần, thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 0-5% chiếm 62%, từ 5-10% chiếm 19%, từ 10-20% chiếm 19% và trên 20% chiếm 0%.
Chỉ có 1 giao dịch thông báo tập trung kinh tế thuộc trường hợp phải thẩm định chính thức trên thị trường vận tải đường biển do có tiềm ẩn tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường liên quan.
Hoàng Lan