Hàng trăm nghìn tấn mặt hàng giá rẻ từ Trung Quốc, Lào vào thị trường Việt: Sắp phải chịu thuế 5%

21/04/2025 - 08:25
(Bankviet.com) Từ 1/7/2025, Luật Thuế GTGT sửa đổi sẽ chính thức áp dụng mức thuế 5% đối với mặt hàng này, thay đổi chính sách trước đây (miễn GTGT).
Hàng hóa - Giá cả

Hàng trăm nghìn tấn mặt hàng giá rẻ từ Trung Quốc, Lào vào thị trường Việt: Sắp phải chịu thuế 5%

Hạ Vy 21/04/2025 8:00

Từ 1/7/2025, Luật Thuế GTGT sửa đổi sẽ chính thức áp dụng mức thuế 5% đối với mặt hàng này, thay đổi chính sách trước đây (miễn GTGT).

Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2025, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 483.000 tấn phân bón, trị giá trên 144 triệu USD. So với tháng trước, sản lượng giảm 1,7% nhưng kim ngạch lại tăng 2,1%, cho thấy giá nhập khẩu phân bón đang tăng nhẹ.

phanbon.jpg
Hàng trăm nghìn tấn phân bón giá rẻ từ Lào, Trung Quốc đổ bộ Việt Nam chuẩn bị áp thuế GTGT 5%

Tính lũy kế trong quý I/2025, lượng phân bón nhập khẩu lên tới 1,3 triệu tấn, trị giá 430 triệu USD – tăng mạnh 20,5% về lượng và 22,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giá bình quân đạt 318 USD/tấn, tăng 1,5%.

Đáng chú ý, Trung Quốc là thị trường cung cấp phân bón lớn nhất cho Việt Nam, với hơn 581.000 tấn, chiếm gần 45% tổng lượng nhập khẩu, trị giá hơn 144 triệu USD, tăng 25% về lượng và 39% về kim ngạch. Giá nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc hiện khoảng 249 USD/tấn, thấp hơn mặt bằng chung, nhưng đã tăng gần 12% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, Nga và Lào cũng là những nhà cung cấp lớn. Nga cung cấp 142.000 tấn với giá trung bình 581 USD/tấn – cao gần gấp đôi so với Trung Quốc. Trong khi đó, Lào xuất khẩu sang Việt Nam hơn 101.000 tấn phân bón, trị giá trên 26 triệu USD, với giá bình quân khoảng 260 USD/tấn.

Hiện nay, ngành trồng trọt chiếm 64–68% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp, và chi phí phân bón chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu chi phí sản xuất cây trồng.

Nhu cầu phân bón tại Việt Nam dao động 10,5 – 11 triệu tấn/năm, gồm:

Urea: 1,6 – 1,8 triệu tấn

DAP: 0,9 – 1 triệu tấn

Kali: 0,9 – 1 triệu tấn

Tuy nhiên, trong khi sản xuất phân bón trong nước chiếm hơn 70%, thì phân bón nhập khẩu – phần lớn giá rẻ từ Trung Quốc và các nước ASEAN – lại tạo ra sức ép cạnh tranh giá lớn với doanh nghiệp nội địa.

Hiện tại, thuế nhập khẩu ưu đãi với phân bón là 0–6% tùy loại, trong đó nhiều dòng như SA, MAP, Kali clorua, Kali sulphate được miễn thuế. Phân Urea, DAP, NPK áp thuế 6%, nhưng vẫn có thể được miễn thuế theo hiệp định thương mại tự do nếu đủ điều kiện xuất xứ.

Trước sự mất cân bằng giữa phân bón nội và nhập khẩu, Luật Thuế GTGT (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2024 đã bổ sung một điểm mới quan trọng: áp thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% đối với mặt hàng phân bón, chính thức có hiệu lực từ 1/7/2025.

Theo phân tích của chuyên gia, việc áp thuế GTGT 5% là bước đi cần thiết để tạo sự công bằng giữa phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu. Bởi lẽ, doanh nghiệp nội hiện phải chịu thuế đầu vào (vật tư, máy móc, điện…) nhưng không được khấu trừ, trong khi phân bón nhập khẩu lại miễn toàn bộ thuế GTGT, tạo lợi thế không công bằng.

Chuyên gia đánh giá rằng, với cơ cấu thị trường hiện tại – sản phẩm nội chiếm ưu thế về sản lượng – thì việc áp thuế GTGT sẽ giúp doanh nghiệp nội điều chỉnh mặt bằng giá, dẫn tới việc các nhà nhập khẩu cũng phải giảm giá bán để cạnh tranh.

Đây được xem là bước "cứu tinh" cho ngành sản xuất phân bón trong nước, vừa đảm bảo tính cạnh tranh, vừa giúp người nông dân hưởng lợi từ mức giá ổn định, hợp lý hơn.

Hạ Vy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán