Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank, HNX: BAB) là ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023. Ngân hàng này ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt hơn 426 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ. Đây là mức thu nhập lãi thuần thấp nhất của Bac A Bank kể từ đầu năm 2019 tới nay.
ối với các mảng kinh doanh nghiệp vụ, trong khi lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đi ngang so với cùng kỳ, duy trì ở mức 23 tỷ đồng, thì lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư sụt giảm 46%, xuống còn hơn 13 tỷ đồng.
Điểm sáng trong kỳ kinh doanh đến từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, khi lãi thuần đạt hơn 35 tỷ đồng, tăng gấp 19 lần so với con số ít ỏi 1,8 tỷ đồng ghi nhận vào quý III/2022.
Kết thúc quý III, tổng thu nhập hoạt động của Bac A Bank đạt 512 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ.
Hình minh họa. |
Mặc dù tổng chi phí hoạt động trong kỳ đã được tiết giảm 13%, nhưng vẫn neo ở mức cao, ghi nhận ở mức 407 tỷ đồng. Trong đó, chi phí nhân viên chiếm tới 58%, ghi nhận ở mức 238 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ.
Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng tín dụng chỉ đạt 105 tỷ đồng, giảm gần 3 lần so với cùng kỳ. Trừ đi các khoản chi phí và hoàn nhập dự phòng rủi ro tín dụng, Bac A Bank lãi trước thuế 77 tỷ đồng. Tiếp tục khấu trừ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp, sau cùng, Bac A Bank chỉ lãi sau thuế gần 64 tỷ đồng, “bốc hơi” 72% so với cùng kỳ. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay.
Sự sụt giảm này chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi khi thu nhập lãi thuần trong quý chỉ đạt 426 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ. Dù chi phí hoạt động trong kỳ đã giảm 12,6% nhưng vẫn không đủ bù đắp được sự sụt giảm đáng kể của thu nhập lãi thuần. Thêm vào đó, BacABank còn tăng 13,8% chi phí trích lập dự phòng rủi ro, cũng khiến lợi nhuận ngân hàng thu hẹp.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Bac A Bank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 1.645 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 551 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 444 tỷ đồng.
Được biết, năm 2023, Bac A Bank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.100 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 3 quý, nhà băng này mới chỉ thực hiện được 50% kế hoạch năm. Trong 3 tháng cuối năm, Bac A Bank sẽ phải nỗ lực rất nhiều để có thể "lội ngược dòng".
Điểm tích cực trong báo cáo tài chính kỳ này của BacABank là tốc độ tăng quy mô tổng tài sản và huy động vốn vẫn duy trì ở mức hai con số. Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản BacABank tăng 12,6%, đạt 145.000 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng tăng 18,2% so với đầu năm và tín dụng tăng 4,8% so với đầu năm.
Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank, UPCoM: PGB) hôm nay (18/10) cũng đã công bố báo cáo tài chính quý III/2023, với lợi nhuận trước thuế lao dốc tới 60%. Cụ thể, thu nhập lãi thuần của PGBank đạt gần 279 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nguồn thu ngoài lãi đều sụt giảm mạnh như lãi từ dịch vụ giảm 42%, lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 61% và lãi từ hoạt động khác giảm tới 76% so với cùng kỳ 2022.
Trong kỳ, dù PGBank đã giảm 26% chi phí dự phòng rủi ro, chỉ còn trích hơn 57 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng này vẫn ghi nhận lãi trước thuế giảm 60% so với cùng kỳ, đạt gần 57 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, ngoại trừ nguồn thu chính tăng 10% so với cùng kỳ, đạt hơn 959 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tất cả các nguồn thu ngoài lãi đều sụt giảm.
PGBank dành ra 144 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 34%, do đó ngân hàng này chỉ thu được 360 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 7% so với cùng kỳ.
Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của ngân hàng này còn 47.832 tỷ đồng, thu hẹp 2% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt giảm 35% còn 215 tỷ đồng, tiền gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm 50% còn 425 tỷ đồng và cho vay khách hàng tăng 5%, đạt 30.485 tỷ đồng. Về phía nguồn vốn, tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác giảm 21% còn 7.245 tỷ đồng và tiền gửi của khách hàng tăng 9%, đạt 34.098 tỷ đồng.
Về chất lượng tài sản, tổng nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 9 là 796 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Đặc biệt, nợ dưới tiêu chuẩn tăng tới 184%, từ 62 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 176 tỷ đồng. Kết quả này đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,56% lên 2,61%.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB) cũng đã công bố báo cáo tài chính quý III/2023, lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt là 3.117 tỷ đồng và 2.427 tỷ đồng, giảm 31%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 8.279 tỷ đồng và 6.530 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý III/2023, tổng tài sản VPBank đạt 780.213 tỷ đồng, tăng 23,6% so với đầu năm, tương ứng vượt 32,5 tỷ USD.
Ở chiều huy động vốn, VPBank ghi nhận mức tăng trưởng gần 35% so với đầu năm, bỏ xa mức trung bình ngành 5,9%. Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng tăng trưởng hơn 22% so với đầu năm, góp phần nâng tỷ lệ CASA/tổng huy động vốn lên mức 17%, giúp ngân hàng tối ưu chi phí vốn đầu vào.
Đáng chú ý, thông tin đang được cổ đông VPBank đón chờ nhất là kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Theo Hội đồng quản trị VPBank, ngày đăng ký cuối cùng thực hiện việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt là ngày 10/11/2023 và thời gian dự kiến thực hiện chia cổ tức là ngày 20/11/2023.
Ngoài các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý III/2023, SSI Reseach dự báo Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HOSE: TPB) và Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HOSE: TCB) cũng sẽ ghi nhận mức giảm lợi nhuận lần lượt từ 25-32% và từ 12-15%.
Theo SSI Research, NIM suy giảm và gánh nặng trích lập dự phòng là một số nguyên nhân khiến lợi nhuận trước thuế của TPBank giảm trong quý. Còn tại Techcombank, NIM cũng tiếp tục gặp áp lực trong quý III/2023 do cơ chế linh hoạt lãi suất áp dụng với một số khách hàng. Trong khi đó, chi phí vốn chưa có nhiều cải thiện khi ngân hàng phải giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống dưới 30% kể từ 1/10/2023. Tỷ lệ này của ngân hàng là 31,6% tại thời điểm cuối tháng 6/2023.
Đáng chú ý, một “ông lớn” trong nhóm Big4 là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) cũng nằm trong danh sách lợi nhuận giảm sút.
SSI Research ước tính lợi nhuận BIDV có thể giảm 12% mặc dù tăng trưởng tín dụng và huy động vẫn duy trì tốt ở mức 8,4% và 7,2% so với đầu năm tính tại thời điểm cuối tháng 9. Nguyên nhân chính vẫn đến từ gánh nặng trích lập dự phòng. Ngân hàng sẽ tích cực xử lý nợ để duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức hợp lý.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB, HOSE: MSB) và Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB, HOSE: VIB) cũng không nằm ngoài dự báo này. Áp lực về NIM và gánh nặng trích lập dự phòng sẽ khiến MSB và VIB giảm lần lượt từ 6-13% và giảm 3% lợi nhuận trước thuế quý III so với cùng kỳ.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB): SSI Research kỳ vọng ACB sẽ ghi nhận lợi nhuận trước thuế khoảng 4,8 - 5 nghìn tỷ đồng tăng 7% - 12% so với cùng kỳ trong quý III /2023, với mức tăng trưởng tín dụng là 8,5% so với đầu năm.
Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay vẫn sẽ khiến NIM thu hẹp trong III /2023. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến sẽ dao động quanh mức 1,1%. Nhìn chung, ACB sẽ đạt 20 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2023, tăng 17% so với năm 2022.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank): Trong quý III/2022, VietinBank ghi nhận chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao kỷ lục là 8,3 nghìn tỷ đồng, khiến lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 4,1 nghìn tỷ đồng. Theo đó, mặc dù tăng trưởng tín dụng vào cuối tháng 9 dự kiến sẽ ở mức khoảng 11-12% so với cùng kỳ tăng 9-10% so với đầu năm và NIM giảm so với cùng kỳ, dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trong quý III/2023 sẽ đạt 20-22% so với cùng kỳ do chi phí dự phòng giảm từ mức cao của cùng kỳ 2022.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank): SSI Research cũng ước tính HDBank sẽ đạt 2,9 - 3,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế tăng 7 đến 14% so với cùng kỳ trong quý III/2023 nhờ khoản lãi từ việc bán cổ phiếu VJC. Đà tăng trưởng huy động tiếp tục được duy trì trong quý III/2023 với mức tăng trưởng khoảng 50% so với đầu năm, trong khi tăng trưởng tín dụng là 11%-12% so với đầu năm.
Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank): MBBank tăng trưởng tín dụng mạnh khoảng 14% so với đầu năm, NIM duy trì ổn định và chất lượng tài sản cải thiện nhẹ là những động lực chính giúp lợi nhuận quý III/2023 có thể đạt khoảng 7,3 - 7,5 nghìn tỷ đồng tăng 16 - 19% so với cùng kỳ.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank): SSI Research kỳ vọng lợi nhuận trước thuế sẽ đạt 2,4 - 2,5 nghìn tỷ đồng trong quý III/2023, tăng 57% đến 63% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng đạt 8,5%. NIM đi ngang so với quý trước, trong khi tỷ lệ nợ xấu dự kiến đạt khoảng 2%.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank): Vietcombank có mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng chậm hơn so với các ngân hàng khác, chỉ ở mức 3,6% so với đầu năm tính đến cuối tháng 9/2023. SSI Research cho rằng động lực tăng trưởng chính vẫn đến từ mảng khách hàng doanh nghiệp. Tuy nhiên, NIM thu hẹp do tiền gửi khách hàng tiếp tục tăng trưởng nhanh (tăng 8,3% so với đầu năm).
Đồng thời ngân hàng cũng tiếp tục hỗ trợ lãi suất cho khách hàng trong kỳ. Chất lượng tài sản dự kiến sẽ giảm nhẹ, cùng với sự gia tăng của nợ xấu và nợ Nhóm 2. Do đó, kỳ vọng lợi nhuận trước thuế trong quý III/2023 sẽ đạt khoảng 9 nghìn tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ và giảm 4% so với quý trước).
Nhận định triển vọng kinh doanh quý cuối năm, bộ phận phân tích Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng lãi suất huy động đã về vùng đáy và khó có thể giảm thêm trong quý IV/2023, lãi suất thực đang dần thu hẹp, lạm phát tăng lên và tín dụng tăng tốc hơn trong quý IV.
Theo VDSC, ngân hàng là một trong những nhóm có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế tích cực hơn trong quý IV này do cùng kỳ năm ngoái có mức nền lợi nhuận thấp.
BacABank (BAB) có quý kinh doanh “bết bát”, lợi nhuận trước thuế giảm tới 73% so với cùng kỳ Mới đây, Ngân hàng BacABank đã tiên phong là nhà băng đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý III/2023. Theo ghi nhận, BacABank ... |
VPBank công bố BCTC quý III/2023: Tổng tài sản vượt mốc 32 tỷ USD Ngân hàng VPBank vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023. Theo đó, lũy kế 9 tháng đầu năm, nhà băng báo lợi nhuận ... |
Hải Chi