Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai đã công bố kết quả đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị du lịch Đại Phước River. Theo đó, liên danh bốn công ty gồm Công ty CP Đầu tư Hà Phú Riverland, Công ty TNHH Thương mại - Đầu tư Xây dựng Thành Lợi, Công ty CP HB Grand Land và Công ty CP Đầu tư G7 – Invest là nhà đầu tư duy nhất muốn làm dự án.
Phối cảnh quy hoạch xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai |
Theo thông tin mời đầu tư mà Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai công bố trước đó, dự án Khu đô thị du lịch Đại Phước River nằm tại xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, có diện tích 49,79 ha. Hiện trạng khu đất là đất ở nông thôn, đất nông nghiệp, đất giao thông và đất sông suối. Trong đó, diện tích đất chuyên trồng lúa nước nằm trong dự án khoảng 14,4 ha.
Sơ tổng vốn đầu tư Khu đô thị du lịch Đại Phước River là gần 6.416 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là khoảng 472 tỷ.
Do dự án không thuộc lĩnh vực địa bàn được hưởng ưu đãi đầu tư, nhà đầu tư phải nộp các loại thuế và nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật hiện hành. Nhà đầu tư phải có cam kết bảo đảm đầu tư khu đô thị mới theo hướng hiện đại có điểm nhấn kiến trúc của khu vực và đảm bảo tỷ lệ về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội trong dự án theo quy định. Về năng lực tài chính, tỉnh Đồng Nai yêu cầu vốn chủ sở hữu tối thiểu nhà đầu tư phải thu xếp là 962,3 tỷ đồng.
Dự án có thời hạn hoạt động 50 năm, tiến độ thực hiện khoảng 6 năm.
Đáng chú ý, ba trong số bốn doanh nghiệp thuộc liên danh nói trên có mối liên hệ với Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest (HOSE: VPI).
Trong đó, Hà Phú Riverland được ghi nhận là công ty liên kết trong báo cáo tài chính của Văn Phú Invest. Theo tìm hiểu, doanh nghiệp bất động sản này được thành lập vào năm 2021, có trụ sở tại TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Hà Phú Riverland có số vốn điều lệ ban đầu là 250 tỷ đồng, được góp bởi ba cổ đông: Công ty TNHH Thương mại - Đầu tư Xây dựng Thành Lợi (100 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ sở hữu 40%), Công ty TNHH Kamala World Nhơn Trạch (3,5 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ sở hữu 29,4%) và Văn Phú Invest (76,5 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ sở hữu 30,6%). Trong đó, Thành Lợi cũng là một doanh nghiệp góp mặt trong liên danh đăng ký thực hiện dự án Đại Phước River.
Theo tìm hiểu, ngày 13/12/2023, Hà Phú Riverland đã tăng vốn điều lệ lên mức 300 tỷ đồng. Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của Văn Phú Invest ghi nhận, doanh nghiệp vẫn duy trì tỷ lệ vốn nắm giữ trực tiếp tại Hà Phú Riverland là 30%. Trong kỳ kinh doanh quý IV, Văn Phú Invest phát sinh giao dịch góp vốn trị giá 15 tỷ đồng vào công ty liên kết này.
Hà Phú Riverland là công ty liên kết của Văn Phú Invest |
Về nhà đầu tư tiếp theo là Thành Lợi, doanh nghiệp được thành lập năm 2006, có trụ sở tại phường Ninh Xá, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Dữ liệu tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, giai đoạn 2020 – 2021, Thành Lợi liên tục thực hiện tăng vốn điều lệ. Ngày 21/7/2020, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần, từ mức 120 tỷ đồng lên mức 360 tỷ đồng. Chưa đầy một năm sau, vào tháng 3/2021, con số này tiếp tục được nâng lên mức 568 tỷ đồng. Đến tháng 12/2021, doanh nghiệp tiếp tục tăng vốn lên mức 1.890 tỷ đồng, cao gấp 3,3 lần trước đó. Qua các lần tăng vốn, tỷ lệ sở hữu của hai cổ đông là ông Nguyễn Đình Lợi (cũng là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật) và bà Nguyễn Thị Hà không thay đổi, vẫn duy trì ở mức 60:40.
Đáng chú ý, Thành Lợi cũng là một đối tác của Văn Phú Invest. Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của Văn Phú Invest cho thấy, Thành Lợi đang cho Văn Phú vay một khoản dài hạn trị giá 550 tỷ đồng sẽ đáo hạn cả gốc lẫn lãi vào tháng 7/2025.
Thành Lợi đang cho Văn Phú vay một khoản dài hạn trị giá 550 tỷ đồng sẽ đáo hạn cả gốc lẫn lãi vào tháng 7/2025 |
Một doanh nghiệp khác cũng liên quan tới Văn Phú Invest là G7 – Invest. Theo tìm hiểu, doanh nghiệp được thành lập vào năm 2015, có trụ sở tại Hà Nội. Trong lần thực hiện thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp gần nhất vào tháng 5/2021, G7 – Invest đã tăng vốn đột biến gấp hơn 16 lần, từ mức 14 tỷ đồng lên mức 230 tỷ đồng. Cần biết, G7 – Invest là một trong những cái tên từng xuất hiện trong “profile” của Chủ tịch Văn Phú Invest Tô Như Toàn. Báo cáo quản trị của Văn Phú Invest từ năm 2015 đến năm 2020 ghi nhận, ông Tô Như Toàn là thành viên HĐQT của G7 – Invest.
Doanh nghiệp cuối cùng trong liên danh là HB Grand Land. Theo tìm hiểu, doanh nghiệp bất động sản này được thành lập năm 2019, có trụ sở tại phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. HB Grand Land có số vốn điều lệ ban đầu là 950 tỷ đồng, được góp bởi ba cổ đông sáng lập là ba cá nhân Lê Tùng Hoa, Nguyễn Thế Hùng và Phan Vinh Thuỷ với số tiền lần lượt là 674,5 tỷ đồng, 161,5 tỷ đồng và 114 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 71%, 17% và 12%. Thời điểm mới thành lập, cổ đông lớn nhất, ông Lê Tùng Hoa (sinh năm 1969) là Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, tháng 4/2020, vị trí này đã được chuyển giao cho ông Nguyễn Thanh Tùng (sinh năm 1993) và sau đó đến tháng 5/2021 thì do một cổ đông sáng lập khác là ông Nguyễn Thế Hùng (sinh năm 1987) đảm nhiệm. Theo tìm hiểu, bên cạnh vai trò tại HB Grand Land, ông Hùng còn là đại diện pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư Cao Răm, Công ty CP Đầu tư tổng hợp HĐT Quân Chu và Công ty TNHH Khu đô thị Nam Quảng Trường số 2.
Được biết, HB Grand Land hiện đang đầu tư dự án Khu dân cư số 2 Nam Quảng trường có quy mô 19 ha tại các phường Dân Chủ, Phương Lâm, Quỳnh Lâm và Thái Bình, TP Hòa Bình.
Văn Phú Invest (VPI) huy động 650 tỷ đồng trái phiếu "bơm" vốn cho công ty con Văn Phú Invest (VPI) dự kiến sử dụng phần diện tích sở hữu riêng của Công ty TNHH MTV Đầu tư Hùng Sơn và 16,5 ... |
Cơ hội nào cho cổ phiếu Văn Phú Invest (VPI)? Cổ phiếu VPI là một trong những mã chứng khoán bất động sản không bị ảnh hưởng nhiều trong giai đoạn thị trường chứng khoán ... |
“Hụt hơi” trong quý IV, luỹ kế năm 2023, doanh thu thuần của Văn Phú Invest chỉ đạt 1.877 tỷ đồng, giảm 13% so với ... |
Hà Lê