Tính đến thời điểm này, chỉ duy nhất TPBank hé lộ kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 với 4.400 tỷ đồng lợi nhuận, tăng hơn 45% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, theo dự báo của SSI Research, lợi nhuận của đa phần ngân hàng trong 9 tháng đầu năm nay khả quan.
Cụ thể, quý III/2021, một số ngân hàng TMCP có vốn nhà nước như Vietcombank, VietinBank chỉ tăng trưởng lợi nhuận ở mức khiêm tốn do tập trung giảm lãi suất, hỗ trợ khách hàng. Theo SSI Research, trong quý này, lợi nhuận của Vietcombank chỉ tăng 0,3%, VietinBank tăng 3,3%. Ước cả năm, Vietcombank tăng lợi nhuận 5,4%, VietinBank tăng 2,7%.
Tuy nhiên, các ngân hàng TMCP tư nhân vẫn tăng trưởng lợi nhuận tốt. Ngoại trừ VIB, hầu hết các ngân hàng đều tăng trưởng lợi nhuận tốt trong quý này, như Techcombank tăng 35,7%, ACB tăng 13-15%, HDBank tăng 15%, MB tăng 10-12%, VPBank tăng 14%...
Mặc dù tốc độ tăng trưởng chậm lại, song Vietcombank vẫn được dự báo là quán quân lợi nhuận năm nay, với 24.300 tỷ đồng. Techcombank bám đuổi sát với 22.300 tỷ đồng, tăng trưởng gần 41%. Tuy nhiên, thứ hạng này chưa tính đến trường hợp VPBank hạch toán gần 1,4 tỷ USD vào lợi nhuận năm nay.
Các ngân hàng tiếp theo tiếp tục ghi nhận lợi nhuận khả quan cả năm là ACB tăng 24,2%, HDBank tăng 33,4%, MB tăng 42,2%, TPBank tăng 33,3%, VPBank tăng 29,4%, VIB tăng 25,4%...
Theo giới phân tích, bất chấp dịch Covid-19 và giãn cách xã hội, tín dụng của nhiều ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt, nhờ đó kết quả kinh doanh vẫn khả quan. Đơn cử, 9 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của HDBank là 9,5%. Con số này tại TPBank là 15%, tại MB là 12-13%, tại VIB là 11%, tại Techcombank là 16%, tại Vietcombank là 11,5%...
Sang năm 2022, theo giới phân tích, triển vọng lợi nhuận của các ngân hàng tiếp tục được dự báo tích cực. Các ngân hàng TMCP tư nhân duy trì được phong độ lợi nhuận, trong khi khối ngân hàng TMCP nhà nước dự báo có sự tăng trưởng bứt phá với kỳ vọng nền kinh tế hồi phục trở lại.
Sau hơn 2 tháng ảm đạm, cổ phiếu ngân hàng đã bắt đầu khởi sắc trở lại trong vài phiên giao dịch cuối tuần qua. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn nghi ngờ về khả năng tăng giá của cổ phiếu ngân hàng trong ngắn hạn.
Dù vậy, chuyên gia phân tích của các công ty chứng khoán vẫn đánh giá cao khả năng phục hồi của dòng cổ phiếu ngân hàng. Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Nghiên cứu khách hàng cá nhân của Ngân hàng MBS cho rằng, cổ phiếu ngân hàng sẽ không có sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, song nhìn chung vẫn diễn biến tích cực.
“Chi phí vốn rẻ, lãi suất cho vay được được kỳ vọng duy trì như trong quý II/2021, nợ xấu dù tăng nhẹ, nhưng các ngân hàng đã chủ động tăng mạnh trích lập dự phòng từ đầu năm, chất lượng tài sản vẫn được đảm bảo…, giúp cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng bền vững trong dài hạn”, ông Sơn nhận định.
Mặc dù vậy, theo chuyên gia này, với dòng cổ phiếu ngân hàng, nhà đầu tư chỉ nên lựa chọn một số mã cổ phiếu dẫn đầu dòng tiền, có triển vọng lợi nhuận tốt và khả năng quản trị rủi ro tốt.
Đồng quan điểm, ông Đặng Trần Phục, nhà sáng lập của AZFin Việt Nam cho rằng, việc cổ phiếu ngân hàng sau khi tạo đỉnh cuối tháng 6 - đầu tháng 7/2021 đã quay đầu đi xuống là bình thường.
“Cổ phiếu ngân hàng sau khi tăng rất mạnh hơn 1 năm qua, thì cần có thời gian nghỉ để định giá rẻ hơn, sau đó bứt phá tiếp là bình thường. Tuy nhiên, ở giai đoạn tới, cổ phiếu ngân hàng sẽ có sự phân hóa, ngân hàng nào quản trị rủi ro tốt, kinh doanh vượt trội sẽ tiếp tục bứt phá…”, ông Phục nhận định.
Trên thực tế, ngay cả với cổ phiếu của các ngân hàng được nhận định tăng trưởng khả quan, thì nhà đầu tư cũng cần thận trọng. Đơn cử, VietinBank có thể lấy lại đà tăng trưởng lợi nhuận mạnh vào năm 2022, song giới chuyên cho rằng, do tỷ suất sinh lời giảm, chi phí dự phòng rủi ro tăng, nên giá cổ phiếu CTG của VietinBank sẽ chậm lại trong nửa cuối năm nay và chỉ nên xem xét từ năm 2022. Hay như VIB, dù triển vọng lợi nhuận của ngân hàng này rất tốt nhờ sở hữu nhiều thế mạnh, song định giá cổ phiếu VIB đang trở nên đắt đỏ…
Điều quan trọng nhất với các nhà đầu tư, theo các chuyên gia, là khi lựa chọn cổ phiếu nào thì phải nắm vững doanh nghiệp đó, tránh vay tiền để đầu tư chứng khoán, sau đó lại vay thêm một lần nữa trên thị trường chứng khoán (vay margin), lãi chồng lãi khiến rủi ro tài chính rất cao.
Hiện nay, giá cổ phiếu ngân hàng đã điều chỉnh giảm 15-16% so với mức đỉnh, hầu hết thông tin tiêu cực đã phản ánh vào giá. Vì vậy, tôi cho rằng, cổ phiếu ngân hàng đang hấp dẫn nếu so sánh rủi ro và lợi nhuận. Nhà đầu tư nên lựa chọn cổ phiếu của các ngân hàng có khả năng tăng trưởng tín dụng mạnh, có khả năng tăng thu ngoài lãi, có chất lượng tài sản tốt… Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích của VNDirect.
Hà Tâm/baodautu.vn
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam