Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 7309/BKHĐT-ĐTNN gửi liên danh Công ty CP Cảng Sài Gòn và Terminal Investment Limited Holding S.A (liên danh Cảng Sài Gòn - TIL) về Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn. Đây là dự án do Cảng Sài Gòn (thành viên của VIMC) và TIL (thành viên của Mediterranean Shipping Company - MSC) – một trong những hãng tàu lớn nhất thế giới – đề xuất.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm tại cửa sông Cái Mép (phía trái luồng Vũng Tàu - Thị Vải). Hình minh họa |
Công văn này được đưa ra sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo thẩm định về dự án, yêu cầu liên danh nhà đầu tư bổ sung các thông tin liên quan để đảm bảo dự án đầy đủ điều kiện và cơ sở pháp lý trước khi trình lên Thủ tướng Chính phủ. Những thông tin cần bổ sung bao gồm tên dự án, diện tích, tiến độ, tổng mức đầu tư, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tiêu chí công nghệ và đánh giá sơ bộ tác động môi trường.
Trong hồ sơ đề xuất của liên danh Cảng Sài Gòn - TIL, dự án được đặt tên là Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn, nằm tại huyện Cần Giờ, TP.HCM. Tuy nhiên, theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, khu vực này được gọi là Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Để phù hợp với quy hoạch, UBND TP.HCM đang xây dựng đề án nghiên cứu về cảng trung chuyển tại Cần Giờ.
Theo Quyết định số 442/QĐ-TTg ngày 22/5/2024, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm tại cửa sông Cái Mép (phía trái luồng Vũng Tàu - Thị Vải). Cảng được quy hoạch với chức năng trung chuyển container quốc tế, kết hợp với khu bến Cái Mép để hình thành cụm cảng trung chuyển quốc tế lớn. Với khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 24.000 TEU (tương đương 250.000 tấn), cảng này sẽ phục vụ trung chuyển hàng hóa cho cảng biển trong nước và các nước khu vực.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã yêu cầu liên danh Cảng Sài Gòn - TIL rà soát lại tên và vị trí của dự án trong hồ sơ để đảm bảo phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời phải đảm bảo tính nhất quán về diện tích đất rừng phòng hộ và diện tích rừng ngập mặn tự nhiên được đề xuất trong dự án.
Một trong những yêu cầu quan trọng từ phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư là liên danh nhà đầu tư phải làm rõ vị trí của dự án trong vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Cần có bản đồ mô tả rõ vị trí của dự án đối với vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển, cùng với các biện pháp bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đảm bảo đa dạng sinh học. Đây là điều kiện quan trọng để đánh giá sơ bộ tác động của dự án lên khu vực này.
Ngoài ra, dự án có đoạn luồng chung với cảng Cái Mép - Thị Vải, nên liên danh nhà đầu tư cũng phải bổ sung thêm đánh giá tổng hợp về tác động của việc hai cảng này kết nối và vận hành, đặc biệt là tác động đến lòng, bờ bãi sông. Điều này sẽ giúp tránh những tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên của khu vực.
Về tổng mức đầu tư, liên danh nhà đầu tư đề xuất dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 113.531,7 tỷ đồng (tương đương 4,8 tỷ USD), với kế hoạch giải ngân khoảng 50.000 tỷ đồng trong vòng 10 năm đầu và toàn bộ vốn sẽ được giải ngân hết trong vòng 22 năm. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án này không hoàn toàn khớp với yêu cầu của Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội, quy định rằng nhà đầu tư chiến lược phải giải ngân vốn trong vòng 5 năm kể từ khi nhận giấy chứng nhận đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã yêu cầu liên danh Cảng Sài Gòn - TIL rà soát và bổ sung giải trình về tiến độ thực hiện, đảm bảo thời gian hoàn thành dự án không kéo dài quá mức và khả thi trong việc huy động vốn.
Theo báo cáo thẩm định số 5590/BC-BKHĐT, dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn được đánh giá là có đầy đủ căn cứ chính trị và pháp lý để xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự án này được đưa vào nhóm các dự án chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, không chỉ của TP.HCM mà còn toàn vùng Đông Nam Bộ. Khi hoàn thành, cảng sẽ bổ sung tiềm năng cho hệ thống cảng biển hiện hữu, tương hỗ và khai thác hiệu quả nhất tiềm năng của cụm cảng biển số 4.
Với vai trò trung tâm trung chuyển vận tải quốc tế, cảng này sẽ đưa Việt Nam lên bản đồ hàng hải thế giới, trở thành khâu quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, dự án không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn quan trọng về quốc phòng, an ninh, giúp tăng cường sức cạnh tranh quốc gia.
Bên cạnh việc đầu tư vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật và giao thông kết nối, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược có đủ năng lực tài chính và công nghệ là yếu tố quyết định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu nhà đầu tư giải trình chi tiết về việc sử dụng công nghệ trong quá trình vận hành cảng, đặc biệt là việc chưa lựa chọn thiết bị vận chuyển container tự động – yếu tố quan trọng để hướng tới một dự án cảng biển hiện đại và bền vững.
Ngoài những yếu tố về công nghệ, dự án còn phải tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu liên danh nhà đầu tư đánh giá chi tiết về tác động của dự án đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ, hệ sinh thái biển và đưa ra các biện pháp giảm thiểu tác động. Điều này bao gồm cả các tác động từ quá trình nạo vét, thi công và nhận chìm vật chất nạo vét.
Dự án cũng cần tính toán kỹ các rủi ro liên quan đến xói lở, bồi lắng, và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trình thi công và vận hành. Cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu liên danh nhà đầu tư phải tham vấn các bên liên quan, bao gồm cả Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, để đảm bảo dự án phù hợp với quy chế quản lý khu dự trữ sinh quyển.
Tại cuộc họp về hồ sơ đầu tư của dự án vào tháng 8/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm thẩm định các điều kiện, mục tiêu và yêu cầu về đầu tư khai thác của dự án. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu việc xác định lộ trình đầu tư phải dựa trên kết quả đánh giá kỹ lưỡng tác động giữa Cảng Cần Giờ và các cảng khác như Cái Mép, đảm bảo sự đồng bộ trong khai thác luồng hàng hải và hạ tầng dùng chung.
Dự án khu công nghiệp 105ha tại Bắc Giang được phê duyệt: Cơ hội vàng cho nhà đầu tư Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định phê duyệt dự án khu công nghiệp Châu Minh - Bắc Lý - Hương Lâm, ... |
Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc: Thúc đẩy đầu tư và áp dụng mô hình BIM Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và ... |
Thủ tướng yêu cầu hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường cao tốc trước năm 2025 Ngày 17/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia và ... |
Tân An