Nếu không hoàn thành kế hoạch thoái vốn, Bộ Tài chính sẽ không đạt được khoản thu theo dự toán, ảnh hưởng tới dự toán thu ngân sách trên tổng thể. |
Bộ Tài chính vừa có dữ liệu về hoạt động thoái vốn Nhà nước trong 3 tháng đầu năm 2023. Theo đó, trong 3 tháng đầu năm 2023, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn tại 4 doanh nghiệp với giá trị là 41,2 tỷ đồng, thu về 168,4 tỷ đồng.
Trong đó, SCIC thoái vốn tại 3 doanh nghiệp với giá trị 6,8 tỷ đồng thu về 33,6 tỷ đồng, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thoái vốn tại Công ty CP Ắc quy Tia sáng với giá trị 34,4 tỷ đồng thu về 134,8 tỷ đồng.
Trước đó, trong năm 2022, SCIC thoái vốn tại Công ty CP Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam với giá trị 195 tỷ đồng, thu về 390 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn tại 31 doanh nghiệp với giá trị là 688,7 tỷ đồng, thu về 3.900,6 tỷ đồng.
Liên quan đến công tác cổ phần hoá, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước chỉ ghi nhận 1 doanh nghiệp cổ phần hoá là Công ty TNHH MTV Phà An Giang thuộc danh mục cổ phần hoá giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân của tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, Bộ Tài chính cho biết, do doanh nghiệp cổ phần hoá, thoái vốn có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, đa ngành, đa lĩnh vực, nhiều tài sản chuyên ngành, khó xác định giá trị nên việc xử lý tài chính tài sản, nợ, xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị phần vốn nhà nước và công tác chuẩn bị hồ sơ, phương án cần nhiều thời gian. Một số doanh nghiệp còn tồn tại nhiều vấn đề phải xử lý về tài chính; một số đơn vị vi phạm quy định về quản lý vốn, tài sản đang thực hiện thanh tra, kiểm tra, điều tra.
Bộ Tài chính cho biết mong muốn cổ phần hoá, thoái vốn nhanh, vì trong dự toán các khoản thu ngân sách nhà nước, khoản thu từ nguồn cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước chiếm đáng kể. Nếu không hoàn thành, Bộ Tài chính sẽ không đạt được khoản thu theo dự toán, ảnh hưởng tới dự toán thu ngân sách trên tổng thể.
Do đó, để khắc phục, đổi mới, đẩy nhanh tiến độ của hoạt động này trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, sửa đổi một cách đồng bộ cơ chế chính sách pháp luật liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị xử lý nghiêm trường hợp làm chậm, vi phạm quy định về cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu trong công tác sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ, công việc liên quan; coi việc thực hiện nhiệm vụ và kết quả thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước là một tiêu chí đánh giá các cơ quan, đơn vị tập thể, cá nhân liên quan.
Nhà đầu tư bắt đầu xuống tiền với tâm thế hoàn toàn mới Thanh khoản tăng tích cực những phiên giao dịch gần đây được cho là nhờ dòng tiền ở những tài khoản cũ, nhưng chắc chắn ... |
Bảo đảm nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho bất động sản Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về công tác bảo ... |
Lợi nhuận ngân hàng quý I tăng chưa đạt kỳ vọng Theo kết quả điều tra từ Ngân hàng Nhà nước, có 66,7% - 79,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải ... |
Quang Đăng