Tận dụng RCEP, thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, bền vững Hiệp định RCEP: Tận dụng “cơ hội vàng” để xuất khẩu sang Trung Quốc |
Cơ hội gia tăng xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc
Theo thống kê từ Bộ Công Thương, 11 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Hàn Quốc ước đạt 21,5 tỷ USD, giảm 4%; đồng thời, nhập siêu từ Hàn Quốc ước đạt 26,3 tỷ USD, giảm 25,4%. Nhập khẩu từ Hàn Quốc ước đạt 47,8 tỷ USD, giảm 17,1%.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, hoạt động trao đổi thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong những tháng đầu năm cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Tuy vậy, Hàn Quốc vẫn là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu hiện nay của Việt Nam.
Xoài là một trong những loại rau quả xuất khẩu chủ lực sang Hàn Quốc |
Tiềm năng để phát triển thương mại giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc rất lớn. Các Hiệp định thương mại tự do song phương, trong đó có Hiệp định RCEP với những ưu đãi đã và đang góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa giữa hai nước, thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc. Theo các chuyên gia, RCEP được đánh giá không có đột phá về cắt giảm thuế nhập khẩu nhưng quy định cởi mở về xuất xứ hàng hóa sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các ưu đãi từ các đối tác. Đặc biệt là đối với mặt hàng nông sản.
Theo đó, những năm qua, nhu cầu nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của Hàn Quốc từ các quốc gia trên thế giới là khá lớn. Hàn Quốc hiện nhập khẩu từ Việt Nam nhiều mặt hàng như gạo, thủy sản, cà phê, gỗ, rau quả…
Đơn cử với mặt hàng cà phê, kết thúc niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023), theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA), kim ngạch xuất khẩu cà phê sang Hàn Quốc đã tăng đến 17,1%. Hàn Quốc giữ vững vị trí là một trong 10 thị trường lớn nhất của cà phê Việt Nam.
Để quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc, từ ngày 8/11 đến 11/11/2023, Vinacafé đã góp mặt tại Seoul International Cafe Show 2023 - sự kiện về ngành cà phê lớn nhất châu Á, thu hút khoảng 160.000 lượt người tham dự đến từ 80 quốc gia, bao gồm người tiêu dùng Hàn Quốc, các chuyên gia cà phê và người yêu cà phê trên khắp thế giới... Vinacafé còn gây ấn tượng bằng hương vị cà phê đặc trưng của Việt Nam khi khách hàng trải nghiệm và thưởng thức cà phê trực tiếp tại gian hàng. Theo đại diện thương hiệu, Vinacafé được người tiêu dùng Hàn Quốc bày tỏ sự yêu thích bởi hương vị cà phê đặc trưng của Việt Nam nhưng vẫn phù hợp với “gu” thưởng thức của người dân xứ sở kim chi.
Thuỷ sản cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hàn Quốc. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) nhận định, giống như Nhật Bản, xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc có lợi thế vị trí địa lý gần, nhu cầu tiêu thụ ổn định và là điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh lạm phát khiến tiêu thụ giảm mạnh ở các thị trường phương Tây. Trong năm 2022, xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc đã tăng trưởng đến hơn 30% nhờ lực đẩy từ Hiệp định RCEP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA).
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc cũng bị sụt giảm vì lạm phát gây giảm cầu, nhưng không giảm sâu như các thị trường khác. Nhiều doanh nghiệp vẫn nhìn thấy ở thị trường này điểm sáng lạc quan, khi các mặt hàng chế biến của Việt Nam không bị cạnh tranh bởi các nước khác. Trong những tháng tới, khi lạm phát dần ổn định, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hàn Quốc sẽ hồi phục nhanh hơn.
Lưu ý các yêu cầu từ thị trường
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, mặc dù có những khởi sắc rất lớn trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Hàn Quốc, nhưng ngoài những mặt hàng như thanh long, dừa gọt vỏ, dứa, chuối, ớt đông lạnh và xoài, vẫn còn nhiều sản phẩm có tiềm năng của Việt Nam vẫn đang đàm phán để bạn mở cửa như ớt tươi, bưởi, chôm chôm, vải, nhãn, vú sữa…
Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe về kiểm dịch động, thực vật, hàng rào kỹ thuật với tiêu chuẩn chất lượng rất chặt chẽ.
Đơn cử, tháng 7 vừa qua, theo Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) đã tiến hành thu hồi sản phẩm ớt có xuất xứ Việt Nam đang được bán tại thị trường Hàn Quốc với lý do phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật “PLS” vượt ngưỡng cho phép khi kiểm tra ngẫu nhiên sản phẩm ớt đông lạnh (HS07096010) nhập khẩu từ Việt Nam.
Khối lượng thu hồi là 24 tấn ớt đỏ đông lạnh sản xuất năm 2022 được đóng gói trong bao 20kg, 01kg và 500g do một Công ty thương mại Hàn Quốc nhập khẩu từ một Công ty Việt Nam (MFDS cũng đã kiểm tra bổ sung các sản phẩm ớt đỏ khác của Việt Nam nhưng không có thêm trường hợp nào vi phạm).
Đối với loại ớt đóng gói 20kg và 500g tồn dư chất tricyclazole là 0,04mg/kg và ớt đóng gói 01kg mức tồn dư là 0,02mg/kg cao hơn mức quy định cho phép là dưới 0,01mg/kg.
Theo kế hoạch kiểm tra đối với nông sản nhập khẩu vào Hàn Quốc của Bộ MFDS, mặt hàng ớt đông lạnh của Việt Nam nằm trong giai đoạn kiểm tra từ 31/3/2023 đến 30/3/2024 đối với 7 loại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là Diniconazole, Tolfenpyrad, Tricyclazole, Permethrin, Dimethoate, Isoprothiolein, Methominostrobin.
Do đó, Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc đề nghị các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản nói chung cần nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định của Hàn Quốc về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khi xuất khẩu nông sản sang thị trường này. Từ đó tận dụng các Hiệp định để chinh phục thị trường.
Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cũng lưu ý, để bán được hàng sang Hàn Quốc, sản phẩm ngoài cần chất lượng, hương vị còn cần yếu tố bổ trợ như ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông, chữ tín trong cam kết. Đảm bảo được các yếu tố này, doanh nghiệp sẽ thuận lợi trong đàm phán và giữ đối tác lâu dài.
Bảo Ngọc