Không phải thép, Hòa Phát bất ngờ ghi điểm ở mảng “ngoài vùng phủ”, đang toan tính một điều lớn hơn

16/07/2025 - 21:11
(Bankviet.com) Hòa Phát vừa tạo dấu ấn từ một mảng ít ai ngờ tới, đồng thời cũng đang tất bật chuẩn bị cho bước đi có thể định hình vị thế mới của tập đoàn.
Cáo bạch tài chính

Không phải thép, Hòa Phát bất ngờ ghi điểm ở mảng “ngoài vùng phủ”, đang toan tính một điều lớn hơn

Thu Hà 16/07/2025 19:59

Hòa Phát vừa tạo dấu ấn từ một mảng ít ai ngờ tới, đồng thời cũng đang tất bật chuẩn bị cho bước đi có thể định hình vị thế mới của tập đoàn.

Nửa đầu năm 2025: Lợi nhuận tăng hai chữ số, ngành nông nghiệp tạo bất ngờ lớn

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2025 vừa được công bố, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận đạt 36.000 tỷ đồng doanh thu và 4.300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, nâng tổng lũy kế 6 tháng đầu năm lên hơn 74.000 tỷ đồng doanh thu và 7.600 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt tăng 5% và 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hòa Phát
Dự kiến vào ngày 19/8/2025, Tập đoàn Hòa Phát sẽ chính thức khởi công nhà máy sản xuất ray thép tại Dung Quất – Quảng Ngãi với tổng mức đầu tư 14.000 tỷ đồng

Mức tăng trưởng đáng khích lệ này giúp Tập đoàn hoàn thành 44% kế hoạch doanh thu và 51% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm, vốn đặt mục tiêu đầy tham vọng ở mức 170.000 tỷ đồng doanh thu và 15.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Không có gì bất ngờ, mảng thép tiếp tục là động lực chính, đóng góp gần 90% tổng doanh thu hợp nhất trong 6 tháng đầu năm. Riêng trong quý II, sản lượng thép thô đạt 2,5 triệu tấn, còn lượng tiêu thụ các sản phẩm như thép cuộn cán nóng (HRC), thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 2,6 triệu tấn – tăng 18% so với cùng kỳ năm 2024. Tính từ đầu năm, sản lượng tiêu thụ đã lên tới 5 triệu tấn, tăng mạnh 23%, trong đó riêng HRC tăng tới 42%.

Đáng chú ý, mảng nông nghiệpghi nhận kết quả đột biến với doanh thu và lợi nhuận tăng lần lượt 38% và 130%, trở thành một điểm sáng bất ngờ trong cơ cấu hoạt động đa ngành của Hòa Phát.

Một mốc quan trọng khác trong năm 2025 là việc Hòa Phát sẽ hoàn tất và đưa vào vận hành lò cao số 6 thuộc Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 vào tháng 9/2025. Khi lò cao này đi vào hoạt động, công suất thép của Tập đoàn sẽ đạt 16 triệu tấn/năm, trong đó 9 triệu tấn là HRC – đủ sức đáp ứng toàn bộ nhu cầu trong nước đối với loại vật liệu chiến lược này.

Đón đầu “cuộc đua đường sắt”, Hòa Phát xây nhà máy ray thép đầu tiên ở Đông Nam Á

Không chỉ dừng lại ở mảng thép xây dựng truyền thống, Hòa Phát đang chuẩn bị bước vào một cuộc chơi mới: thép ray dành cho đường sắt cao tốc và thép hình đặc biệt.

Dự kiến vào ngày 19/8/2025, Tập đoàn sẽ chính thức khởi công nhà máy sản xuất ray thép tại Dung Quất – Quảng Ngãi, với tổng mức đầu tư 14.000 tỷ đồng, được ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT – công bố tại ĐHĐCĐ năm nay. Đây sẽ là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam và duy nhất tại Đông Nam Á có khả năng sản xuất ray thép tốc độ cao, sử dụng công nghệ tiên tiến do Tập đoàn SMS Group (Đức) cung cấp theo hợp đồng ký ngày 29/5/2025.

Dây chuyền công suất 700.000 tấn/năm, dự kiến hoàn thành sau 20 tháng, sẽ cho ra lô ray cao tốc đầu tiên vào quý I/2027. Khi đó, Hòa Phát sẽ gia nhập nhóm các tập đoàn thép toàn cầu có khả năng sản xuất ray tốc độ cao, cùng với những cái tên như Voestalpine (Áo), JFE (Nhật Bản), Baosteel (Trung Quốc), và JWS Steel (Italy).

Hòa Phát không giấu tham vọng trở thành nhà cung ứng vật liệu chủ lực cho hàng loạt dự án đường sắt quy mô lớn của Việt Nam sắp khởi động. Theo quy hoạch đến 2030, cả nước dự kiến đầu tư ít nhất 9 tuyến đường sắt mới, tổng chiều dài 2.362km – trong đó đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam dài 1.541km là trọng điểm, với tổng vốn sơ bộ khoảng 67,34 tỷ USD.

Ngoài ra, tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng (388km, hơn 8 tỷ USD) và hàng loạt tuyến metro tại Hà Nội, TP.HCM đều đang được xúc tiến mạnh mẽ. Tổng vốn đầu tư vào hệ thống đường sắt quốc gia và đô thị trong giai đoạn tới có thể lên đến hàng trăm tỷ USD, mở ra thị trường đầy tiềm năng cho doanh nghiệp sản xuất vật liệu, đặc biệt là thép ray, loại sản phẩm gần như phải nhập khẩu 100% trước đây.

Chia sẻ tại Đại hội cổ đông, Chủ tịch Trần Đình Long khẳng định: “Hòa Phát có đủ năng lực kỹ thuật, tài chính và con người để sản xuất thành công thép ray tốc độ cao, thứ mà Việt Nam và cả khu vực còn đang thiếu. Chúng tôi không chỉ làm thép, mà sẽ làm đúng loại thép mà đất nước cần cho giai đoạn phát triển sắp tới”.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang đẩy mạnh đầu tư công và đặc biệt là phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm, công nghệ thép ray của Hòa Phát được xem là bước đi chiến lược đầy toan tính, vừa tận dụng lợi thế công nghệ, vừa đón đầu làn sóng tăng trưởng mới.

Thu Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán