Trao đổi tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Nghị quyết số 181/NQ-HĐHH ngày 16/4/2025 của Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã thống nhất chủ trương xây dựng ban hành Sổ tay hướng dẫn tái cấu trúc nợ ngoài tòa. Căn cứ thông báo cử người tham gia Tổ soạn thảo Sổ tay của các tổ chức tín dụng hội viên, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức cuộc họp Tổ soạn thảo Sổ tay lần thứ nhất.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký cho biết, hiện nay, các ngân hàng thương mại vẫn tự theo dõi khoản vay của mình, mà chưa có cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin đầy đủ… Trong bối cảnh đó, cần thiết có một cơ chế đồng thuận, đối thoại giữa các bên cho vay với mục tiêu là phân loại doanh nghiệp rõ ràng. Doanh nghiệp không còn khả năng phục hồi thì để phá sản; doanh nghiệp còn cơ hội thì cần thống nhất phương án tái cấu trúc, tránh trường hợp bị rơi vào phá sản chỉ vì thiếu sự phối hợp. Đây không chỉ là cách để giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng mà còn là cơ hội để "cứu" doanh nghiệp còn cơ hội.
Theo đó, tái cấu trúc nợ ngoài toà với nhiều chủ nợ trước thời hạn trả nợ (gọi tắt là tái cấu trúc nợ) là một quá trình giải quyết thân thiện giữa các tổ chức tín dụng - bên cho vay, với doanh nghiệp mắc nợ nhằm tái cấu trúc khoản nợ giữa doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng (có thể kéo theo cả các thay đổi về vận hành doanh nghiệp), từ đó giúp phục hồi hoạt động kinh doanh và tránh cho doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, với điều kiện doanh nghiệp mắc nợ thoả mãn các điều kiện được thực hiện việc tái cấu trúc nợ.
Thực hiện tái cấu trúc nợ nhằm mục đích tăng tỷ lệ thu hồi nợ, giảm tỷ lệ nợ xấu đối với các tổ chức tín dụng; giúp doanh nghiệp mắc nợ có thể tránh được tình trạng phá sản, có khả năng vượt qua các khó khăn tạm thời về tài chính; đồng thời đem lại lợi ích cho các bên liên quan khác thông qua việc giảm tổn thất cho người lao động, khách hàng, nhà cung cấp hàng hoá/dịch vụ, nhà đầu tư…
Ngoài ra, các hoạt động tái cấu trúc nợ còn giúp giảm áp lực cho toà án trong việc giải quyết các vụ việc phá sản, đồng thời có ý nghĩa nhất định với sự phát triển kinh tế và xã hội nói chung thông qua việc góp phần đảm bảo sự bền vững của hệ thống tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp xuất phát từ việc doanh nghiệp đi vay bị phá sản.
Ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, Sổ tay không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Sổ tay là các nguyên tắc mẫu cho tái cấu trúc nợ, do vậy chỉ mang tính khuyến nghị, tham khảo và không có giá trị áp dụng bắt buộc với bất kỳ bên nợ hay bên cho vay nào.
Tại cuộc họp, đại diện cho Tổ soạn thảo Sổ tay, Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc, Hòa giải viên CEDR của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) trình bày những nội dung chính của Dự thảo Sổ tay, bao gồm: Quy trình tái cấu trúc nợ trước hạn; Điều kiện để bên nợ được thực hiện việc tái cấu trúc nợ và mở thủ tục tái cấu trúc nợ; Thời gian đàm phán Tái cấu trúc nợ; Thông qua kế hoạch tái cấu trúc nợ và ký hợp đồng tái cấu trúc nợ; Một số nghĩa vụ khác của bên cho vay và bên nợ trong thời gian đàm phán tái cấu trúc nợ.
Tham gia ý kiến hoàn thiện Sổ tay, đại diện các ngân hàng tham gia Tổ soạn thảo đã tập trung thảo luận một số nội dung trọng tâm nhằm hoàn thiện dự thảo. Các ý kiến cho rằng, hiện nay vẫn còn sự thiếu thống nhất trong cách thức ứng xử giữa các tổ chức tín dụng, đòi hỏi phải có một cơ chế phối hợp rõ ràng, minh bạch. Bên cạnh đó, vai trò của Tổ soạn thảo cũng được xác định rõ, nhằm xây dựng dự thảo sát thực tiễn, có tính khả thi cao, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Đặc biệt, tái cấu trúc nợ ngoài tòa là thông lệ quốc tế, do đó, việc dựng Sổ tay cần phản ánh đúng thực tiễn hoạt động cho vay tại Việt Nam, phù hợp với các đặc thù tín dụng trong nước.
Các thành viên Tổ soạn thảo cũng đã thống nhất cử ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam làm Tổ trưởng, đồng thời trao đổi về cách thức làm việc hiệu quả để hoàn thiện dự thảo Sổ tay trong thời gian sớm nhất.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các thành viên Tổ soạn thảo. Với ý nghĩa thiết thực của Sổ tay, ông Nguyễn Quốc Hùng đề nghị các thành viên tham gia tích cực, phát huy tinh thần trách nhiệm và sự tâm huyết trong quá trình xây dựng văn bản, đồng thời dành thời gian nghiên cứu kỹ tài liệu để sớm hoàn thiện kịp tiến độ đề ra.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký kỳ vọng, Sổ tay sẽ trở thành công cụ hữu ích, thiết thực trong việc hướng dẫn các tổ chức tín dụng xử lý các khoản nợ xấu, nợ tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh hành lang pháp lý về phá sản đang được hoàn thiện.
Q.L