Ngày 17/10, đoàn công tác VNBA đã có buổi làm việc với Hiệp hội Ngân hàng Nhật Bản (JBA).
Tại buổi làm việc, ông Masayuki Saegusa, Phó Trưởng phòng Kế hoạch và Điều phối, JBA đã giới thiệu tổng quan về mô hình hoạt động và chức năng của cơ quan này.
Theo đó, JBA là tổ chức hiệp hội ngành nghề có sự tham gia của các ngân hàng và các tập đoàn mẹ của các ngân hàng Nhật Bản. Chủ tịch JBA hiện tại là ông Akihiro Fukutome, Chủ tịch kiêm CEO của Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC).
Tính đến tháng 10/2024, JBA có tổng cộng 241 thành viên, trong đó, một số ngân hàng thành viên của JBA có các chi nhánh và công ty con ở nước ngoài.
JBA hoạt động dựa trên 4 chức năng chính: Lập kế hoạch vận hành hệ thống thanh toán; Thúc đẩy các giao dịch cho người tiêu dùng; Tăng cường tuân thủ và thúc đẩy các sáng kiến liên quan đến ESG và SDG (mục tiêu phát triển bền vững); Hỗ trợ hoạt động của các ngân hàng thành viên.
Các sáng kiến gần đây mà JBA tập trung triển khai, có thể kể đến là:
Thứ nhất, khuyến khích thay đổi mô hình hướng đến sự phục hồi của Nhật Bản. Cụ thể, hỗ trợ cải thiện kiến thức tài chính của người dân và đảm bảo hoạt động kinh doanh hướng đến khách hàng; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và những doanh nghiệp khác để tạo ra vòng lặp tích cực cho sự phục hồi của tinh thần kinh doanh và tái cấu trúc doanh nghiệp; tiếp tục nỗ lực giải quyết các vấn đề về phát triển bền vững và xã hội.
Thứ hai, thúc đẩy cơ sở hạ tầng tài chính an toàn, bảo mật và tiện lợi cho tương lai. Trong đó tập trung thúc đẩy số hóa cũng như giải quyết tội phạm tài chính. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu thêm các cơ sở hạ tầng tài chính hướng tới tương lai, một xã hội mà tất cả dữ liệu được kết nối.
Thứ ba, phát triển hệ thống tài chính toàn cầu vững mạnh và có khả năng chống chịu bằng cách hỗ trợ chặt chẽ các ngân hàng thành viên phòng, chống rửa tiền; tiếp tục nghiên cứu về Basel III để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng và rủi ro phân tán không đều.
Bên cạnh đó, ông Masayuki Saegusa cũng đã chia sẻ thông tin về cơ cấu hoạt động, sơ đồ tổ chức, chức năng của từng ủy ban, bộ phận, phòng ban trực thuộc JBA.
“Chúng tôi hỗ trợ hoạt động của các ngân hàng thành viên bằng cách phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thành viên, các cơ quan quản lý nhà nước và các đối tác có liên quan. Bên cạnh đó, chúng tôi nghiên cứu và đưa ra các ý kiến đóng góp đối với các vấn đề liên quan đến hệ thống ngân hàng, bao gồm cả về chính sách… Đồng thời, đưa ra hướng dẫn, cách thức triển khai đối với các vấn đề nghiệp vụ hay các giải pháp mang tính toàn cầu đến với các ngân hàng trong nước…”, đại diện JBA cho biết.
Sau khi lắng nghe chia sẻ từ phía JBA, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng nhận định, JBA đóng vai trò quan trọng đối với hệ thống ngân hàng Nhật Bản.
Ông Nguyễn Quốc Hùng đồng thời đánh giá cao các sáng kiến mà JBA triển khai gần đây. Đây là những nội dung mà VNBA đang rất quan tâm.
Với lịch sử hoạt động lâu dài và ban hành rất nhiều bộ quy tắc trong quá trình hoạt động, ông Nguyễn Quốc Hùng đã đề nghị phía JBA chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm, kiến thức trong quá trình ban hành các bộ quy tắc, đặc biệt liên quan đến hoạt động thanh toán, thanh toán bù trừ, rủi ro quản trị, an toàn hệ thống hay phòng, chống rửa tiền...
Tại buổi làm việc, hai bên cũng đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến hoạt động chuyển đổi số trong thanh toán; chính sách của Chính phủ Nhật Bản nhằm hỗ trợ cũng như đẩy nhanh tiến trình ESG tại các ngân hàng nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung; phát hành trái phiếu xanh…
Kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng ghi nhận các thông tin mà phía JBA chia sẻ, đồng thời bày tỏ mong muốn 2 bên sẽ có những hợp tác sâu sắc hơn nữa trong tương lai.
Trong khuôn khổ chuyến đi, đoàn công tác VNBA đã đến làm việc với MUFG Bank. Đón tiếp đoàn công tác có ông Masahiro Endo, Giám đốc Bộ phận Chiến lược số, MUFG Bank. Trước đó, vào tháng 2/2024, MUFG Bank Hanoi cũng đã trở thành thành viên của VNBA.
Tại buổi làm việc, ông Masahiro Endo đã có bài trình bày với chủ đề “Chiến lược kinh doanh phù hợp trong thời đại chuyển đổi số”, trong đó chia sẻ tầm nhìn của MUFG Bank đối với chuyển đổi số, quá trình số hoá tại các chi nhánh của Ngân hàng, cách thức số hoá các hoạt động kinh doanh, các yếu tố nhằm phát triển chiến lược bán hàng thông qua chuyển đổi số. Bên cạnh đó là thông tin về hệ sinh thái và mạng lưới hoạt động của MUFG Bank tại châu Á.
Đại diện MUFG Bank cũng chia sẻ thêm về chủ đề chữ ký số và giới thiệu về Biz SIGN, dịch vụ chữ ký số do MUFG Bank cung cấp cho phép khách hàng giao dịch với ngân hàng và đăng ký vay vốn trực tuyến. Sản phẩm này được MUFG Bank phát hành vào ngày 11/4/2022 và hoàn toàn miễn phí.
Thay mặt đoàn công tác, ông Nguyễn Quốc Hùng ghi nhận và đánh giá cao các nội dung được chia sẻ tại buổi làm việc. "Các nội dung này đều là những kinh nghiệm tốt để các ngân hàng thương mại Việt Nam có thể học hỏi, áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trong tương lai", ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Cũng trong khuôn khổ chương trình làm việc, Đoàn công tác đã đến thăm Tập đoàn SMBC. Tiếp đoàn có ông Takeshi Kimoto, Giám đốc điều hành Phụ trách Phát triển kinh doanh khu vực châu Á, SMBC và các chuyên gia.
Tại buổi làm việc, ông Takeshi Kimoto đã giới thiệu về cơ cấu tổ chức, mô hình hoạt động của SMBC, một trong những tập đoàn tài chính hàng đầu của Nhật Bản. Đáng chú ý, mới đây, SMBC vừa chính thức trở thành cổ đông chiến lược đồng hành cùng VPBank. Trước đó, VPBank bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho Tập đoàn SMBC.
Ông Hiroaki Taira, Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành SMBC CloudSign, công ty thành viên của SMBC, đã chia sẻ thông tin liên quan đến chủ đề chữ ký số.
Theo ông Hiroaki Taira, Các dịch vụ của SMBC CloudSign cho phép người dùng tải các hợp đồng đã hoàn tất đàm phán lên đám mây, sau đó đối tác có thể xác nhận và phê duyệt hợp đồng trực tuyến, và cuối cùng là thực hiện ký kết hợp đồng. Quy trình này giúp đẩy nhanh việc ký kết hợp đồng đồng thời giảm chi phí và giúp dễ dàng tìm kiếm thông tin chi tiết về hợp đồng. Chữ ký số đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.
Đại diện SMBC CloudSign cũng đã trao đổi thông tin chi tiết về việc áp dụng chữ ký số trong quá trình ký kết hợp đồng trực tuyến, các trường hợp thực tiễn xảy ra cũng như các giải pháp khắc phục rủi ro.
Sau khi nghe chia sẻ từ phía SMBC, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng hoan nghênh hoạt động đầu tư của SMBC vào thị trường tài chính Việt Nam, đặc biệt là sự hiện diện của SMBC tại VPBank và FE Credit, hai tổ chức hội viên của VNBA.
Về chủ đề chữ ký số, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, những kinh nghiệm thực tiễn do SMBC chia sẻ sẽ là những kiến thức vô cùng quý báu cho VNBA trong quá trình đưa ra các kiến nghị đối với các chính sách liên quan đến lĩnh vực này tại Việt Nam.
T.B