Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trao đổi với IFC về tài liệu hướng dẫn xử lý nợ trước khi tiến hành tố tụng

30/10/2024 - 03:40
(Bankviet.com) Sáng ngày 22/10, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có buổi trao đổi với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) về tài liệu hướng dẫn về xử lý nợ trước khi tiến hành tố tụng.

Tham dự buổi gặp và trao đổi có: ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA; ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Tổng Giám đốc TPBank; ông Nguyễn Tuấn Minh, Chánh Văn phòng HĐQT Techcombank; bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Pháp chế BIDV; ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc Pháp chế Mcredit; ông Vi Tuấn Hiệp; Trưởng Ban kế hoạch và quản lý rủi ro VAMC; ông Nguyễn Hưng Quang, Chủ tịch Trung tâm Hòa giải Thương mại Quốc tế Việt Nam (VICMC) và bà Nina Mocheva, Chuyên gia tài chính cấp cao IFC.

Quang cảnh buổi làm việc

Trình bày một số nội dung chính của tài liệu hướng dẫn, ông Nguyễn Hưng Quang cho biết, xử lý nợ với nhiều chủ nợ trước khi tiến hành tố tụng, còn gọi là thủ tục xử lý nợ ngoài Toà án, là quá trình giải quyết thân thiện giữa các tổ chức tín dụng (TCTD) - bên cho vay - với doanh nghiệp mắc nợ, nhằm xử lý khoản nợ giữa doanh nghiệp với các TCTD (có thể kéo theo cả các thay đổi về vận hành doanh nghiệp). Điều này giúp phục hồi hoạt động kinh doanh với điều kiện doanh nghiệp mắc nợ thoả mãn các điều kiện nhất định.

Xử lý nợ trước khi tiến hành tố tụng có ý nghĩa to lớn, giúp các TCTD giảm tỷ lệ nợ xấu; giúp doanh nghiệp mắc nợ có thể tránh được tình trạng phá sản, có khả năng vượt qua các khó khăn tạm thời về tài chính; đem lại lợi ích cho các bên liên quan khác (người lao động, khách hàng, nhà cung cấp, nhà đầu tư...) thông qua việc giảm tổn thất và giúp toà án giảm áp lực trong việc giải quyết các vụ việc phá sản.

Ngoài ra, xử lý nợ trước khi tiến hành tố tụng có ý nghĩa nhất định với sự phát triển kinh tế và xã hội, góp phần đảm bảo sự bền vững của hệ thống tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm tỷ lệ thất nghiệp xuất phát từ việc doanh nghiệp đi vay bị phá sản.

Do đó, tài liệu hướng dẫn về xử lý nợ trước khi tiến hành tố tụng được xây dựng nhằm thiết lập một khuôn khổ hành động cho việc xử lý nợ và phục hồi kinh doanh hiệu quả. Cấu trúc của tài liệu hướng dẫn bao gồm: (i) Điều khoản định nghĩa; (ii) Điều kiện để bên nợ thực hiện việc xử lý nợ; (iii) Mở thủ tục xử lý nợ; (iv) Thời gian đàm phán xử lý nợ; (v) Thực hiện hợp đồng xử lý nợ; (vi) Phụ lục về đơn đăng ký mở thủ tục và thỏa thuận về mở thủ tục xử lý nợ.

Bà Nina Mocheva, chuyên gia tài chính cao cấp của IFC cho biết, các khái niệm chung đã được làm rõ trong tài liệu hướng dẫn và quy trình xử lý nợ trước khi tiến hành tố tụng là rất cần thiết.

Theo bà Nina, vấn đề then chốt trong quy trình này là việc đánh giá tính khả thi về tài chính, định hướng kinh doanh và các khía cạnh khác về ngắn hạn, trung hạn trong hoạt động của doanh nghiệp, trước khi các bên cho vay thảo luận về giải pháp xử lý nợ.

Bà Nina đề xuất, quy trình xử lý nợ sẽ do ngân hàng đầu mối hoặc hội đồng bên cho vay chủ trì và thực hiện đánh giá trước khi thực hiện quy trình dàn xếp, đồng thời khuyến nghị nên có chuyên gia độc lập hỗ trợ việc hòa giải, đàm phán, cũng như chuyên gia tái cấu trúc nợ ngoài tòa để đánh giá tính khả thi của doanh nghiệp trong quy trình xử lý nợ.

Ngoài ra, tùy vào tình trạng và quy mô khoản vay, cần có hướng dẫn cụ thể về xử lý nợ trước khi tiến hành tố tụng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ - các đối tượng thường không đủ khả năng xác định tình hình tài chính khó khăn của mình từ sớm để lên kế hoạch và đưa ra đề xuất trả nợ phù hợp.

Bà Nina cũng lưu ý, để áp dụng quy trình này, tài liệu hướng dẫn cần có sự thống nhất của các bên liên quan trước khi bắt đầu thực hiện.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA tại buổi làm việc

Sau khi lắng nghe chia sẻ từ các chuyên gia, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA nhận định, hướng dẫn xử lý nợ trước khi tiến hành tố tụng là một trong những nội dung quan trọng trong việc hỗ trợ các TCTD xử lý nợ ngoài tòa. Theo ông, việc xây dựng quy trình này trong bối cảnh luật phá sản đang sửa đổi, bổ sung là tiền đề quan trọng để VNBA và các tổ chức hội viên tham gia đóng góp ý kiến vào luật trong thời gian tới; đồng thời là cơ sở để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước khi tiến hành thủ tục phá sản.

Tuy nhiên, ông Hùng nhấn mạnh, cần xác định rõ cơ sở pháp lý khi xây dựng quy trình, phải có quy định từ Thông tư, Nghị định của Chính phủ cho phép TCTD thực hiện cơ cấu nợ phù hợp với thực trạng của Việt Nam; đồng thời nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật của Ngân hàng Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam.

Bên cạnh đó, khi xác định doanh nghiệp không còn khả năng cơ cấu nợ, các TCTD cần chủ động đánh giá, thẩm định khó khăn, xây dựng phương án phục hồi và thống nhất giải pháp xử lý khoản nợ trước khi đưa doanh nghiệp vào tình trạng phá sản.

Các chuyên gia trao đổi và chia sẻ tại buổi làm việc

Trao đổi và chia sẻ tại buổi làm việc, đại diện Techcombank kiến nghị xem xét và cân nhắc thêm về thông lệ thị trường, soạn thảo các bộ hợp đồng phù hợp với pháp luật Việt Nam và khuyến khích các hội viên sử dụng. Đồng thời tách quy định theo quá trình diễn biến xử lý khoản nợ, cơ cấu lại thời gian trả nợ, làm rõ khái niệm xử lý nợ và nghiên cứu kỹ thực tiễn để đưa ra giải pháp xử lý nợ.

Đại diện BIDV đề nghị làm rõ thêm các lợi ích của việc xử lý nợ ngoài tòa để các TCTD có thể đồng thuận làm theo hướng dẫn; ngoài ra, cũng cần có thêm căn cứ pháp luật rõ ràng.

Theo đại diện Công ty Quản lý tài sản (VAMC), quy trình xử lý nợ ngoài tòa cần có cơ chế trung gian để đảm bảo công bằng giữa các bên. Trong khi đại diện TPBank cho rằng, việc xác định vị trí pháp lý của văn bản là quan trọng nhất. Cùng với đó, nhìn nhận và xem xét lại quy trình xử lý nợ ngoài tòa để có thỏa thuận thống nhất đối với thời hạn, hình thức, bản chất khoản vay từ đó đưa ra quy định hướng dẫn chung.

Còn theo đại diện Agribank, tài liệu này chỉ nên là hướng dẫn mang tính chất tham khảo, không nên đưa vào luật để bắt buộc các chủ thể làm theo và cần xem xét lại thời hạn trả nợ cũng như tỷ lệ biểu quyết.

Kết thúc buổi trao đổi, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, với chia sẻ từ các chuyên gia của IFC và ý kiến đóng góp từ các tổ chức hội viên VNBA, nội dung trao đổi hôm nay hết sức có ý nghĩa. Có thể thấy, quy trình xử lý nợ trước khi tiến hành tố tụng là cần thiết và cần được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các TCTD.

“Với vai trò là cầu nối, VNBA sẽ đồng hành cùng IFC và các tổ chức hội viên trong việc tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện tài liệu hướng dẫn và sẽ ban hành Bộ Quy tắc xử lý nợ khi đủ điều kiện lẫn cơ sở pháp lý phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Minh Ngọc

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ