Các quy hoạch này sẽ mở ra không gian phát triển mới cho hai ngành năng lượng và khai khoáng hiệu quả, bền vững hơn, phù hợp xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp của quốc tế.
Kế hoạch thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng và khoáng sản cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp, phương thức, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp để triển khai thực hiện hiệu quả, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tối ưu các nguồn lực; đồng thời, bảo đảm tính gắn kết với quá trình thực hiện các quy hoạch khác cũng như phù hợp với bối cảnh và nguồn lực quốc gia.
Bảo dưỡng thiết bị tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. |
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Năng lượng và khoáng sản được coi là “bánh mỳ” của nền kinh tế, không thể thiếu và phải đi trước một bước so các ngành kinh tế khác. Chính vì vậy, ngay sau khi kế hoạch thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản được phê duyệt, Bộ Công thương đã ngay lập tức tổ chức việc quán triệt, đề nghị các bộ, ngành, địa phương sớm bắt tay vào việc triển khai để vừa bảo đảm đủ năng lượng và khoáng sản cho phát triển kinh tế, vừa tạo dư địa cũng như động lực mới cho sự tăng trưởng của các ngành, địa phương, các doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Diện chia sẻ: Quảng Ninh được xác định là trung tâm sản xuất điện và cũng là một đầu mối xăng dầu lớn của cả nước. Bên cạnh đó, nói đến Quảng Ninh là phải nói đến than đá với đóng góp mỗi năm khoảng 20 nghìn tỷ đồng cũng như thu hút gần 100 nghìn lao động. Do đó, các quy hoạch quốc gia về năng lượng và khoáng sản đều có tác động trực tiếp, lâu dài đến tương lai phát triển của Quảng Ninh. Theo thống kê, các ngành năng lượng và khoáng sản đang chiếm khoảng 50% GRDP của tỉnh, chưa kể đến các tác động gián tiếp khác.
Ngay sau khi kế hoạch thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản được phê duyệt, Bộ Công thương đã ngay lập tức tổ chức việc quán triệt, đề nghị các bộ, ngành, địa phương sớm bắt tay vào việc triển khai để vừa bảo đảm đủ năng lượng và khoáng sản cho phát triển kinh tế, vừa tạo dư địa cũng như động lực mới cho sự tăng trưởng của các ngành, địa phương, các doanh nghiệp. |
“Hiện Quảng Ninh đã lựa chọn một số nội dung trong các quy hoạch năng lượng và khoáng sản để xác định trở thành nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới. Các địa phương sẽ có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được giao trong kế hoạch. Riêng với những nội dung liên quan đến thẩm quyền của mình, rất mong Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan thường xuyên phối hợp, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các địa phương bám sát theo kế hoạch thực hiện để việc triển khai các quy hoạch tạo được hiệu ứng tốt cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”, ông Diện kiến nghị.
Giám đốc Sở Công thương thành phố Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương thông tin: Ngay từ khi Bộ Công thương còn đang xây dựng dự thảo Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia, Sở Công thương Đà Nẵng cũng đã rà soát các hạ tầng có trên địa bàn để đề xuất một số phương hướng phát triển mới; đồng thời, tích hợp luôn các nội dung trong Dự thảo vào Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Sở cũng đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành nhiều văn bản, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp đầu mối, phân phối, kinh doanh xăng dầu thực hiện triển khai quy hoạch. Mặt khác, Sở cũng đang phối hợp các đơn vị cập nhật các dự án phát triển hạ tầng xăng dầu, khí đốt vào các quy hoạch phân khu về xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; hoàn thiện phương án phát triển hạ tầng xăng dầu, khí đốt trên địa bàn để trình Ủy ban nhân dân thành phố sớm phê duyệt, làm cơ sở thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Hiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia đã chính thức được phê duyệt. Trên cơ sở này, Sở Công thương Đà Nẵng sẽ tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố triển khai các nhiệm vụ được giao; phối hợp với các đơn vị hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai kế hoạch.
Sở Công thương cũng đề nghị Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ Đà Nẵng trong quá trình thực hiện kế hoạch để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu, định hướng phát triển năng lượng quốc gia đã đề ra.
Trong 3 ngày 23, 24 và 25/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp phê duyệt 3 Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực năng lượng và khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) Nguyễn Tiến Mạnh cho rằng: Các quy hoạch quốc gia về năng lượng và khoáng sản cùng các kế hoạch thực hiện đi kèm sẽ là điều kiện pháp lý, là hành lang để TKV có thể thuận lợi triển khai các dự án thăm dò, khai thác, chế biến than-khoáng sản trong thời gian tới.
Trên cơ sở kế hoạch đã được phê duyệt, TKV sẽ tập trung triển khai tất cả nhiệm vụ được giao, nhất là việc đáp ứng đủ lượng than cung ứng cho phát điện cũng như các hộ tiêu thụ khác theo hợp đồng đã ký cả trong ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên, từ cơ sở thực tiễn sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn cho thấy, vẫn có một số vướng mắc liên quan đến việc chồng lấn giữa quy hoạch khoáng sản với các dự án phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Vì vậy, TKV rất mong các bộ, ngành liên quan sẽ tập trung tháo gỡ vấn đề này trong thời gian tới.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGas) Phạm Văn Phong cho biết: Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia đặt mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng bảo đảm đủ năng lực cung cấp 100% nhu cầu khí nhiên liệu cho phát điện cũng như các hộ tiêu thụ khác, hướng tới phát triển tổng quy mô thị trường khí khoảng 30,7 tỷ-33,2 tỷ mét khối vào năm 2030. PVGas đánh giá đây là kế hoạch khá thách thức, để bảo đảm thành công cần triển khai quyết liệt một số nội dung ngay từ bây giờ.
Thứ nhất, rút kinh nghiệm từ triển khai các quy hoạch trước đây cũng như thực tế một số dự án, PVGas thấy rằng các địa phương cần rà soát kỹ để bảo đảm tính đồng bộ, gắn kết giữa các quy hoạch cũng như kế hoạch thực hiện. Thực tế, sự thiếu đồng bộ giữa các quy hoạch quốc gia với quy hoạch của địa phương vẫn đang gây nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư như PVGas trong quá trình triển khai các dự án.
Thứ hai, cơ chế, chính sách là rất quan trọng để bảo đảm triển khai thành công quy hoạch cũng như các dự án năng lượng, nhất là các dự án nhiệt điện LNG. Tuy nhiên, hiện vẫn đang thiếu các cơ chế cần thiết cho công tác tiêu thụ LNG tái hóa và điện sản xuất từ LNG liên quan đến việc chuyển ngang chi phí mua LNG nhập khẩu, bao tiêu khối lượng khí từ hợp đồng mua bán khí sang hợp đồng mua bán điện, quy định về cước phí tồn trữ cũng gây khó khăn cho công tác đàm phán các hợp đồng mua bán LNG.
Thứ ba, PVGas kiến nghị Bộ Công thương xem xét, có định hướng cho việc triển khai các kho cảng LNG bảo đảm vẫn sử dụng để cấp khí LNG cho các nhà máy điện, đồng thời vẫn có khả năng triển khai các hoạt động thương mại khác đi kèm.